Thực hư 'tiên nữ' xuất hiện ở chùa cổ nhất Hà thành

Chủ nhật - 16/10/2011 08:22
Sách La thành cổ tích vịnh của Trần Bá Lãm cho biết, từ thời Trần, có nhiều tiên nữ thích cảnh đẹp ở chùa Ngọc Hồ, nên thường qua lại nơi này... Theo sử sách, chùa còn có tên là Tiên Phúc Tự (chùa được tiên ban phúc), chùa Bà Ngô; được xây dựng từ đầu thế kỷ 13. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội; hiện tọa lạc ở số 128 phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, quận Đống Đa.

Tiên nữ "xướng họa" với vua Lê Thánh Tông

Tương truyền, nhân dịp đầu Xuân, vua Lê Thánh Tông ngự thăm nhà Thái Học (Văn Miếu), lúc về ghé qua chùa Ngọc Hồ ở thôn Thanh Ngô gần đấy (nay là phố Nguyễn Khuyến). Tới nơi, vua thấy cảnh trí u nhã, hoa cỏ xanh tươi, lại thêm từ trên gác chuông... bỗng hiện ra một người con gái đẹp đang nhàn nhã thả hồn vào cảnh thiền, rồi thong thả ngâm nga mấy câu thơ thánh thót, véo von: ''''Ở đây mến cảnh, mến thầy/ Tuy vui đạo Phật, chưa khuây lòng người''''.

Chùa Ngọc Hồ ở số 128 phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: ST

Giọng thiếu nữ trong như nước suối và du dương uyển chuyển lạ thường, khiến người nghe dường như phiêu diêu trong thế giới cực lạc. Nhà vua vội vàng lại gần, bắt chuyện: "Nghe những câu hát thanh tao, biết nàng là trang tài nữ. Hãy vui lòng xướng họa với Trẫm để kỷ niệm cuộc tao phùng này". 

Người con gái không tỏ vẻ ngượng ngùng, hay bối rối mà nhoẻn miệng cười tươi tắn: ''''Nhà vua thích xướng họa với thiếp ư? Vậy xin nhà vua cho biết trước lời châu ngọc?''''. 

Vua Lê Thánh Tông lấy hai câu thơ lục bát trên làm đầu đề và ứng khẩu: ''''Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười/ Tuy vui đạo Phật chửa khuây người/ Chày kinh mấy khắc tan niềm tục/ Hồn bướm ba canh lẫn sự đời/ Bể thảm muôn tầm mong tát cạn/ Sông ân ngàn trượng dễ khơi vơi/ Nào nào cực lạc là đâu tá/ Cực lạc là đây chín rõ mười''''. 

Nghe xong, thiếu nữ tỏ lời kính phục tài thơ của hoàng đế Lê Thánh Tông, nhưng xin phép cho đổi mấy chữ. Nhà vua tuy thoáng sửng sốt nhưng đồng ý. Thiếu nữ bèn đọc lại bốn câu thơ ở giữa bài đã sửa thành: ''''Gió xuân đưa kệ tan niềm tục/ Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời/ Bể khổ muôn tầm mong tát cạn/ Nguồn ân ngàn trượng dễ khơi vơi…” 

Vua nghe lời sửa thơ, hết sức khen ngợi và yêu cầu có bài hoạ. Cô gái tìm cách thoái thác, nói bài thơ xướng cùng những chữ xin thay thế đã bao hàm đủ mọi ý tứ nên xin khất đến lần khác. Vua không nỡ ép, chỉ ngỏ ý muốn triệu người đẹp về cung. Tục truyền rằng, kiệu đi tới cửa Đại Hưng (cửa phía Nam hiện nay) thì người con gái đẹp chợt biến mất. Lấy làm lạ, vua liền sai dựng ở đó một cái lầu gọi là Vọng Tiên Lâu để lưu dấu người tiên. 

Khi vua Gia Long xây lại thành, lầu này đã bị dỡ bỏ, dời tới địa phận thôn Kắc Hạ, sau đổi thành đền, tức đền Vọng Tiên (120B phố Hàng Bông). 

Chùa cổ duy nhất thể hiện khía cạnh khá đặc biệt của đạo Phật 

Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng, giai thoại hội ngộ giữa vua Lê Thánh Tông và tiên nữ, chuyện thơ ngâm nga qua lại đã khiến chùa Ngọc Hồ trở thành ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội thể hiện một khía cạnh khá đặc biệt của đạo Phật ở nước ta. Đó là tư tưởng giải thoát mọi sự phiền muộn của đạo Thiền kết hợp với hướng siêu thoát của đạo Tiên (một biến thể của đạo Lão), nhằm đạt tới một cảnh giới thanh cao, sống hoà vui với thiên nhiên, gạt bỏ mọi ham muốn danh lợi tầm thường của trần thế. 

Minh chứng là kiến trúc và nhiều câu đối tại chùa thể hiện rõ tư tưởng này, như: Pháp vũ sái dư, tửu thạch hồng hà chưng ngọc vũ/ Từ vân phúc kiến, hoàng hoa thuý trúc chiềm hồ thiên. Tạm dịch: Mưa diêu pháp tưới dư, đá tía dáng hồng, hun đúc càn khôn ánh ngọc/ Mây từ bi phủ khắp, hoa vàng trúc biếc, sáng đẹp trời đất trong hồ. 

Ngọc Hồ tự bi kí dựng năm Tự Đức thứ 17 cũng ghi, năm Tân Dậu (1861) làm mới ngôi nhà tổ 5 gian; các năm Nhâm Tuất (1862), Quý Hợi (1863), Giáp Tý (1864), Ất Sửu (1865) tô tượng, đúc chuông, sửa chữa nhỏ... Thời Bảo Đại, chùa được sửa chữa lớn và kiến trúc của chùa hiện nay mang đậm dấu ấn của lần tu sửa năm 1934. Sau khi được trùng tu, chùa trở nên khang trang với đầy đủ kiến trúc của một công trình thờ Phật: tam quan, tiền đường, hậu đường, nhà Tổ, điện Mẫu và nhiều di vật, tế khí quý. 

Tam quan chùa là gác chuông hai tầng tám mái với tám góc đao cong. Một quả chuông đồng đúc năm Canh Dần - Thành Thái (1887) được treo giữa tam quan có dòng chữ Ngọc Hồ tự chung. Phật điện gồm tiền đường và hậu cung, làm theo kiểu chữ đinh. Trong tiền đường chạm vòm cuốn, mở rộng bằng một vĩ vỏ cua. Đây là kiểu kiến trúc của đạo Phật ít thấy ở miền Bắc, nhưng tập trung nhiều ở phố cổ Hội An, Huế với hai đầu làm theo kiểu nhà kèn. Hậu cung bốn gian có nhiều cửa võng, với trang trí rồng chầu mặt nguyệt, hoa quả thiêng, sách bút. Điện Mẫu thờ các Mẫu, Ngọc Hoàng và vua Lê Thánh Tông ngồi trên ngai rồng. Hai bên thờ đức thánh Trần Hưng Đạo cùng hai gia tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng...

Hiện, ngoài giá trị lịch sử văn hóa, chùa Ngọc Hồ còn được coi là một di tích nằm trong quần thể di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 12/12/1986; được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 1993.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây