Nghề gia truyền
Theo lời của nhiều người kể lại, chúng tôi tìm về cơ sở làm mõ của anh Phạm Ngọc Thanh Hải vào một buổi chiều.
Khắp ngôi nhà vang lên tiếng đục, đẽo, chạm khắc và những tiếng mõ kêu vang. Tại đây hàng ngàn chiếc mõ đã tỏa đi khắp các chùa chiền trong và ngoài nước. Được tâm sự và trò chuyện với anh, chúng tôi mới thấu hiểu hết được con đường làm nghề mõ của anh.
Phạm Ngọc Thanh Hải năm nay 27 tuổi, tay nghề làm mõ thuộc vào hàng nhất nhì xứ Huế. Từ nhỏ Hải đã tỏ ra có năng khiếu chạm trổ. Học hết lớp 12, mặc dù cha mẹ Hải đã hết lời khuyên anh thi vào đại học để sau này thoát khỏi cảnh vất vả. Tuy nhiên, Hải đã quyết định ở nhà nối nghiệp làm mõ. Thấy con đam mê nghề, cha của anh là ông Phạm Ngọc Dũng đã dốc hết mọi tâm huyết và kinh nghiệm cho Hải.
Từ 3 đời nay, cuộc sống của gia đình anh Hải đã gắn liền với nghề làm mõ. Ông nội anh, ông Phạm Ngọc Dư là người đầu tiên làm mõ với số lượng nhiều theo hướng kinh doanh ở Huế.Những nhà có truyền thống làm mõ ở Huế như gia đình Hải rất ít và chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Đẳng cấp nghề làm mõ
Bản thân Hải, ngoài sự truyền dạy của cha, anh còn chịu khó cất công lặn lội khắp nơi, ra Bắc vào Nam để học hỏi kinh nghiệm về nghề. Đến nay đã gần 20 năm trong nghề, tiếng mõ của Hải đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Anh tâm sự: “Trước đây, các sư sãi chủ yếu tự làm mõ, nhưng sau này chùa chiền được xây dựng nhiều, nhiều người thì tu tại gia nên mõ cũng trở thành một mặt hàng”.
Hải còn cho biết, toàn bộ công đoạn làm mõ đều bằng thủ công. Vì thế nên phải mất nhiều thời gian và phải có kinh nghiệm. Tiếng kêu và vẻ đẹp của đường chạm trổ trên từng chiếc mõ là yếu tố phân biệt đẳng cấp của người làm mõ. Vì thế, rất ít người theo học được nghề này bởi nó cần sự kiên nhẫn và đam mê.
Tại cơ sở của gia đình anh Hải đã có rất nhiều người tới học nghề, nhiều người đã thành đạt và ra mở các cơ sở riêng ở khắp mọi nơi. Bản thân Hải cũng đã từng là thầy của hơn 20 học trò. “Nghề mõ rất khó nên người làm mõ phải có sự cấn mẫn, kiên trì và phải có lòng yêu nghề. Chính vì thế, để làm được những chiếc mõ có đường nét thì người học phải mất khoảng 6,7 tháng, thậm chí là 1 năm rồi 2 năm mới làm được – anh Hải nói. Vì vậy, anh Hải cũng đã mang hết mọi kinh nghiệm và tâm huyết của mình để truyền đạt lại nghề cho những người theo học mình.
Anh Hải còn cho chúng tôi biết them, để có tiếng mõ kêu đặc trưng thì không hề đơn giản chút nào. Đó là cả một bí quyết riêng mà thế hệ cha ông đã truyền lại cho mình. Rồi sau này nếu như ai đó tâm huyết với nghề, yêu nghề mà muốn học hỏi thì anh sẵn sang truyền lại.
Hiện tại, ở thôn Hạ 1 xã Thủy Xuân các cơ sở làm mõ chủ yếu là của các gia đình anh em trong dòng tộc của anh Hải. Nhiều cơ sở lớn, có tầm cỡ đã dần mọc lên tại địa phương đều có sự chung tay của Hải và gia đình anh.
Quyết tâm giữ nghề
Muốn làm xong một chiếc mõ nhỏ cần khoảng hai ngày đối với người cao tay. Còn loại to thì phải mất cả nữa tháng, thậm chí phải mất cả tháng trời mới hoàn thành. Đã thế giá mõ bán ra lại rất rẻ, một chiếc mõ nhỏ chỉ khoảng 30 - 40 ngàn. Trong khi đó, giá nguyên liệu tuổi ngày càng khan hiếm và giá thì lại khá đắt. Nhiều khi, Hải phải lặn lội khắp nơi để mua nguyên liệu mà cũng không đủ để làm.
Từ bàn tay khéo léo, những chiếc mõ thành hình và lan tỏa khắp trong và ngoài nước
Hải cũng cho biết, nhiều lúc ba mẹ anh khuyên mấy anh nên đi học nghề khác rồi kiếm việc khác làm.Nhưng rồi lòng đam mê không cho phép Hải bỏ nghề. “Dù khó khăn đến bao nhiêu rồi cũng sẽ có thể vượt qua, nhưng nghề gia truyền mà bỏ đi sẽ khó mà tìm lại được”, Hải tâm sự.
Hiện nay, cơ sở của Hải hiện sử dụng nhân công trong nhà và một vài người học việc. Tuy thu nhập không cao nhưng chàng trai trẻ vẫn muốn bám nghề và phát triển thương hiệu. Khó khăn nhất hiện tại đối với Hải là gia đình không đủ vốn để đầu tư, hơn nữa nhiều khi còn bị nhiều người làm hàng nhái, hàng giả. Mong ước của Hải là sau này sản phẩm của anh sẽ có bản quyền, có tên tuổi và phát triển thêm cơ sở sản xuất tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh…Tuy nhiên, đó cũng không phải là chuyện dễ và hiện đang là vấn đề nan giải đối với Hải.
Mỗi ngày, cơ sở sản xuất của Hải có hàng chục chiếc mõ to nhỏ ở đây tỏa đi khắp nơi. Nhiều khách hàng ở tận Hà Nội, TPHCM và cả nước ngoài đã biết đến tiếng mõ của Hải. Ít ai nghĩ rằng đó là sản phẩm của một chàng trai còn trẻ tuổi. Hải dự định sẽ cho sản xuất mõ với nhiều mẫu mã mới gọn, đẹp hơn, nếu được sẽ bỏ cho các quầy hàng lưu niệm.
Nhìn những chiếc mõ mới hoàn thành đang còn thơm mùi nước sơn, ánh mắt chàng trai trẻ rực sáng: “Mình sẽ phát triển nghề làm mõ không chỉ để làm giàu mà còn để lưu giữ một nghề truyền thống”.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự