Trong một lần đuổi theo đàn ong mật, một cậu bé chăn bò đã vô tình phát hiện khu vực hang động. Theo lời kể của người dân trong vùng thì trong hang toàn là những màu vàng lấp lánh. Từ đó, chuyện về "hang vàng" được truyền tai nhau trong sự hiếu kì của một bộ phân không nhỏ những người dân sinh sống tại đây.
Phát lộ hang vàng
Con đường đến với hang vàng cũng không hề dễ dàng, nếu là người dân bản địa thì
cũng phải hơn 1 giờ chật vật, vượt qua dãy núi tai mèo lởm chởm thì mới có mặt
tại cửa hang động. Khu hang động này nằm trên sườn núi thuộc dãy núi Thung Nồi,
thôn Giáp Nội, xã Nga Giáp.
Khu hang động nằm cách chùa Bạch Tượng và đền thờ
vua Lê Đại Hành về phía Đông khoảng 900m, khu vực hang động vừa được phát hiện
gồm có 3 hang lớn nhỏ, hang thứ nhất chỉ rộng hơn 1m, dài chừng 8m, cửa hang
hẹp 70cm. Hang thứ hai rộng hơn 20m, hang thứ ba cũng chỉ rộng hơn hang thứ hai
một chút.
Cả ba hang không thông với nhau, nhưng tất cả đều có chung đặc điểm là trong hang có rất nhiều nhũ đá màu vàng sặc sỡ, tạo thành những hình thù lí thú, kì bí (điều này khiến cậu bé phát hiện ra khu hang động đầu tiên này, tưởng là hang vàng).
Ba hang động rất khó vào, đường xuống hang rất nhỏ, phải lách mình mới vào được
bên trong và rất nguy hiểm. Đặc biệt ở hang động thứ hai, có hệ thống nhũ đá
đẹp hơn cả. Trong hang có một góc không gian rộng và đẹp, được anh Luân và
người dân địa phương ví như phòng khách của hang.
Ở giữa "phòng khách" có chiếc bàn đá khá rộng và phẳng lì, bên trên là chùm nhũ thạch có sắc vàng lộng lẫy như chùm đèn lồng. Xung quanh phòng là những hình thù thiếu nữ, con voi, nải chuối, hoa sen… bằng nhũ thạch vàng. Không những thế, trong "phòng khách" còn có một vài đồ gốm như chĩnh, chum, bát, đĩa… chưa kịp xác định là đồ cổ hay không, nhưng đến nay những mảnh đồ gốm này đã nhanh chóng bị người dân lấy đi và chỉ rơi rớt lại một vài mảnh vụn. Tất cả tạo nên một không gian đẹp kì bí và mang tính chất tâm linh huyền sử.
Câu chuyện về việc phát hiện ra khu hang động vàng nhanh chóng bị "tam sao
thất bản" qua lời kể của nhiều người hiếu kì, rằng trong hang động có rất
nhiều vàng và đồ cổ. Trong suốt nhiều tháng sau khi được phát hiện, hàng nghìn
người đã lũ lượt kéo về khu hang động hòng tìm vàng và săn tìm cổ vật.
Điều này
đã làm chính quyền địa phương phải vào cuộc và tổ chức lực lượng an ninh trông
coi hang. Thế nhưng vẫn không ngăn nổi dòng người đổ về đây tìm vàng và cổ vật.
Chỉ đến khi những cái chết bất ngờ bắt đầu xuất hiện xung quanh hang động mới
làm giảm bớt phần nào tình trạng này...
Theo anh Mai Thành Trung cho biết:
"Tháng 3-2009, anh Mai Văn Bình, SN 1974 (vốn là người nhà) đã vào hang
tìm vàng, nhưng không thấy. Bình đã cưa một bên vú của nhũ đá hình thù thiếu
nữ, khi trèo ra khỏi hang, anh đã bị rơi xuống, nằm chết giữa 2 khối đá lớn bên
trong hang, được ví như 2 cái hòm trong hang".
Tiếp đó, là hàng loạt những sự việc khác như việc ông Hải, người dân địa phương lấy nhũ đá trong hang đem đi bán, trên đường đi tự đâm vào cây cột điện rồi chết. Hay chuyện những người lấy nhũ đá trong hang ra đều gặp phải chuyện chẳng lành… Tiếp tục dòng người trở lại hang đem trả những đồ vật đã trót lấy trong hang và dâng hương, lễ vật lên "thánh thần", trở nên đông không kém dòng người đến thăm. Theo họ, do "thánh thần" trách phạt nên phải tạ lỗi các ngài.
Thực hư chuyện rắn hổ mây sống trong hang hại người
Ngoài những câu chuyện liên quan đến thần thánh được người dân đồn đại, còn có
thêm thông tin về một cặp rắn hổ mây sinh sống ngay trong hang vàng này để giữ
của. Chuyện hổ mây nóng lên khi ông Trần Quốc Diệp "tung tin" chạm
mắt rắn hổ mây khổng lồ. Ông Diệp kể với nhiều người rằng, trưa 5-1-2010, ông
thấy một con rắn hổ mây dài trên 20m, nặng trên 400kg đang nằm thù lù trong lùm
cây gần miệng hang.
Con rắn to thấy ông Diệp liền phùng mang rướn mình đuổi
theo khiến ông chạy trối chết, sau đó đột ngột nó chui vào hang sâu mất tăm.
Trước đó, cũng có tin đồn đoán về có cặp rắn hổ mây đen trú trong hang sâu. Tin
đồn rằng, một phụ nữ phương xa lên núi hành hương, tới gần hang rắn, ngồi xuống
rửa mặt. Bất thình lình, một cái đầu rắn bự như cái thúng từ dưới suối lao lên đớp
người phụ nữ. Những người chứng kiến kinh hồn bạt vía ù té chạy.
Những ông X., bà
Y., cô H. thề sống thề chết từng bị rắn hổ mây rượt trối chết nhưng thoát nạn
hy hữu luôn là câu chuyện chưa ai kiểm chứng. Thần y Ba Lưới, từng theo thầy
lên núi tu đạo học bốc thuốc lúc tuổi đôi mươi, cứu mạng nhiều người lâm bệnh
ngặt nghèo hay rắn cắn trầm ngâm nói: "Ngày xưa "độc xà ác thú"
xuất hiện ở đây rất nhiều vì có cái hang nhỏ là nơi chúng cư trú. Chuyện kể về
rắn có cái đúng, có cái quá phóng đại. Còn rắn hổ mây to hàng trăm ký là có
thật, tôi đã đánh chết hai con cỡ đó để tự vệ. Còn từ 40 năm trở lại đây không
thấy rắn to nữa, có thể chúng đã bỏ đi để tránh người".
Nhưng vị thần y này cho rằng trên núi vẫn còn rắn hổ mây, không biết to hay nhỏ mà thôi. Gần đây, khi về đêm con chó săn tinh khôn của ông rút vào trong nhà nằm run lẩy bẩy, sủa đứt hơi. Ông nói chỉ có mùi rắn hổ mây và hổ mới làm chó khiếp sợ đến thế… Ngay như ông Nguyễn Văn Sơn, một người dân sống gần đây cho biết, ông đã lập một cái miếu nhỏ để... trấn yểm rắn hổ mây. Ông Sơn lý giải: "Người xưa đồn rắn hổ mây hung dữ và không sợ gì, trên đầu chúng đều có mồng như mồng gà, mắt đỏ rực…".
Những người sống quanh khu vực này cho biết sợ nhất là đụng mặt rắn khổng lồ,
gặp rắn nhỏ có cơ may thoát nạn nhưng gặp loài rắn to từ 30kg trở lên phải tìm
thầy thuốc rắn trị nọc độc. Hôm đó, anh Nguyễn Văn Trường, một người chuyên đi
săn trên núi, đang theo đuổi con mồi, thình lình anh nghe tiếng le te như gà
gáy. Anh Trường ớn lạnh, bởi gà rừng nghe tiếng động đã lẩn trốn nên đoán ra đó
là "hung thần rừng xanh" vội chạy thục mạng.
Một con hổ mây đen lao tới và anh thấy buốt tay trái. Về tới nhà anh đổ gục, mình lạnh ngắt, người nhà vội đưa anh đi thầy cứu chữa. Thoát khỏi tử thần anh Trường bỏ nghề đi săn. Còn ông Namtrong một lần đi săn rắn cũng bị hổ mây vàng rượt đuổi. Bầy chó săn tinh khôn nhào tới cắn rắn cứu chủ. Ông Nam thoát tai ách nhưng hai con chó săn tinh khôn không tìm được xác. Sau đó ông Nam đã bỏ nghề và thề không đụng đến miếng thịt chó.
Lối đi vào hang động có những nhũ vàng
Chân tướng sự việc
Trước những tin đồn về thần linh và rắn khổng lồ sinh sống tại hang vàng, bà Mai
Thị Na, Phòng Văn hóa huyện Nga Sơn cho biết: "UBND huyện cũng đã cử đoàn
kiểm tra xuống xem xét khu vực hang động có đúng như lời đồn thổi của nhiều
người dân hay không. Nhưng thực tế đó chỉ là các nhũ đá màu vàng bị người dân
tam sao thất bản ra vàng ròng. Chúng tôi cũng đã có ý kiến chỉ đạo cho chính
quyền xã Nga Giáp quản lí khu vực hang động tránh để xảy ra những tai nạn đáng
tiếc khi du khách tới thăm.
Còn về việc tồn tại cặp rắn khổng lồ trong hang là hoàn toàn không có căn cứ, bởi đã có nhiều người vào trong hang rồi lại trở ra bình thường mà không hề bắt gặp con rắn nào dù là nhỏ nhất". Trở lại câu chuyện của ông Diệp gặp rắn, ông Công, vốn là một người đi núi hàng ngày cho rằng ông Diệp "lếu láo", nói dóc mà không có căn cứ dù thừa nhận trên vùng núi này có nhiều rắn to. Ông Công lập luận: "Rắn to cỡ đó liệu ông Diệp có chạy thoát không? Hơn nữa, ông Diệp vốn nghiện rượu nên hôm đó có thể hoa mắt nhìn thấy rắn nhỏ thành rắn to…".
Anh Mai Văn Luân, Phó CA xã Nga Giáp cho biết, gia đình anh làm nghề thầu núi từ nhiều đời nay, nên anh đã trèo hầu khắp vùng núi Nga Sơn - Tam Điệp này nhiều lần. Theo anh, cặp rắn khổng lồ mà nhiều người nghĩ rằng là rắn hổ mây là không có cơ sở, bởi loài rắn này thường không sinh sống tại khu vực Bắc miền Trung, địa bàn quen thuộc của nó vẫn thường ở vùng Nam Bộ. Có thể nhiều người đã khẳng định nhìn thấy rắn khổng lồ nhưng nhiều khả năng là bị "thần hồn nhát thần tính".
Theo ông Trịnh Khắc Toản một người dân sống gần đây cho biết, có thể trên núi có rắn nhưng không phải loại hổ mây mà là một loài khác nhưng cũng thuộc họ rắn hổ. Theo tìm hiểu, chuyện những cái chết xuất hiện liên quan đến hang động là có thật, nhưng đó chỉ là những cái chết do tai nạn bất cẩn gây nên chứ không hề có bất kì yếu tố "thần thánh trách phạt" hay là bị rắn thần khổng lồ làm thịt.
Có thể đó là những cái chết tình cờ do sự chủ quan của người dân khi đổ xô tới hang kiếm vàng, rồi qua những lời đồn thổi của dư luận đã thêu dệt thành những câu chuyện thực hư lẫn lộn khiến cho một vùng đất bình yên cứ xôn xao cả lên. Hơn lúc nào hết, chính quyền địa phương cần phải có những giải pháp kịp thời nhằm ổn định dư luận xã hội, để cho những câu chuyện nửa huyễn hoặc, nửa thần bí này sớm chấm dứt.
Nguồn tin: PL và XH
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự