- Thưa Hòa Thượng, mấy năm trước, nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Chủ tịch QH Khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã dự và có bài phát biểu tại đây. Có một số vị sư nói rằng, bài phát biểu của Chủ tịch QH Khóa XII đã gây cảm xúc lớn cho nhiều nhà tu hành, và bài phát biểu đó đã được khắc trên bia đá ở Đền thờ Trần Nhân Tông tại Thừa Thiên Huế. Hòa thượng có nghe thấy thông tin này không? Thưa Hòa Thượng, việc này không thuần túy là việc của một nhà lãnh đạo nói chuyện với Phật giáo, với giới Tăng, Ni chứ ạ? Có phải nhà lãnh đạo đất nước và các nhà tu hành Phật giáo đã gặp nhau ở một điểm nào đó không?
Đúng là có sự kiện đó và nguồn thông tin đó. Không phải chỉ có Tăng, Ni cảm xúc lớn, mà hàng ngàn Phật tử trong nước đến tham quan Đền thờ Trần Nhân Tông đọc văn bia cũng xúc động như vậy.
Với hiểu biết và cảm nhận của tôi, tôi thấy có một sự gặp gỡ lớn giữa cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và giới Tăng, Ni, Phật tử. Đó là cả hai cùng phục vụ cho một mục tiêu độc lập của dân tộc; an vui, hạnh phúc của nhân dân. Và đó là điểm Dân tộc Việt Nam chấp nhận, sống, và thực hành theo giáo lý từ bi, trí tuệ, an vui giải thoát của Phật giáo suốt hơn hai ngàn năm lịch sử qua.
Tôi còn nhớ rõ những dòng văn bia quốc ngữ khắc bài phát biểu của Chủ tịch QH Khóa XII rằng:
“Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, Đời và Đạo, Đạo và Đời luôn luôn hòa quyện vào nhau, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển của đất nước…”
“Với Đời, Trần Nhân Tông là vị vua nhân từ, trí tuệ, một nhà chiến lược tài ba, luôn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, hết lòng vì nước vì dân…”
“Với Đạo, Trần Nhân Tông là vị Thiền sư đắc đạo, có nhiều triết lý sâu sắc, khéo kết hợp lấy Tâm, Đức, Trí của Đạo là nền tảng để xây Đời. Việc xuất gia tu hành của Người không chỉ giản đơn để tìm giải thoát cho cá nhân mà cho cả dân tộc…”
- Lấy Tâm, Đức, Trí của Đạo là nền tảng để xây Đời. Trong lịch sử của ta, có nhiều không các bậc minh quân trị quốc sử dụng triết lý chính nghĩa giữa Đạo và Đời?
Khi rời thành lên núi tu hành, Trần Nhân Tông nói, ta nhìn thấy ngai vàng như đôi dép cỏ, nhưng khi tu, lý tưởng lớn rồi, nhìn thấy cả nhân loại, cả thế giới vũ trụ là nhà.
Có 2 điều kiện để xác định hưng thịnh của Phật giáo gắn với sự hưng thịnh của đất nước: có các vua giỏi, có các thiền sư nhưng với điều kiện cấp lãnh đạo tiếp thu giáo lý và thực hành giáo lý. Trí tuệ của minh quân bung để xây dựng văn hóa, nâng cao nhận thức của quần chúng, lãnh đạo để đất nước độc lập, tự cường hưng thịnh.
Trong lịch sử của ta, thời Lý, dấu ấn và thái độ của người đứng đầu đất nước với Phật giáo rất rõ. Lý Công Uẩn vừa lên ngôi đã cho lập cùng lúc 150 ngôi chùa, thỉnh kinh và cho cả ngàn thanh niên đi tu. Đây là cách thiết lập nền văn hóa Phật giáo Việt Nam theo ý đồ của Vua Việt Nam và thiền sư Việt Nam để đề kháng với văn hóa phương Bắc lúc đó. Tinh thần của Đạo Phật là không có nô lệ và không bị nô lệ. Tinh thần đó là để hứng khởi, để dân tộc đứng dậy, không phải cúi đầu trước thế lực nào. Đó là sức mạnh dân tộc.
Một trong những đại diện Phật giáo mạnh nhất đời Trần là Trúc Lâm Quốc sư. Trúc Lâm Quốc sư nói với Trần Thái Tông thế này: “Dĩ thiên hạ tâm di tâm, dĩ thiên hạ dục vi dục” – lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình, lấy lòng dục của thiên hạ làm lòng dục của mình. Phải tư duy bằng tâm của thiên hạ, phải cảm xúc theo cảm xúc của thiên hạ - đó là lắng nghe tiếng nói của dân. Triết lý này là linh hồn văn hóa, là hoàn toàn Việt Nam, có cơ sở, có lý tưởng dân tộc rõ ràng, luôn luôn bám chặt, cắm rễ sâu vào lòng dân tộc, không chao đảo. Chính nghĩa là vậy. Có cái gốc này thì không ai, không thế lực nào có thể đánh phá được, vì chính nghĩa sẽ quyết định. Chính nghĩa là linh hồn của dân tộc, là trí tuệ của dân tộc.
Lịch sử Ấn Độ có vua A Dục giác ngộ đạo Phật, dùng giáo lý đạo Phật để quản trị đất nước, lãnh đạo nhân dân không phải bằng khí giới mà bằng giáo lý và tình thương. Vua A Dục dùng giáo lý đạo Phật để xóa hận thù và khổ đau chiến tranh (do chính ông gây ra). Ý thức, thái độ của một nhà lãnh đạo đối với Phật giáo cũng là ý thức, thái độ chính trị.
- Nếu ý thức, thái độ của nhà lãnh đạo đối với Phật giáo chứa đựng ý thức, thái độ chính trị thì có thấy rõ sự ứng dụng của Phật giáo đối với cuộc sống thực tại, thưa Hòa Thượng?
Tinh thần Phật giáo, tư tưởng Phật giáo rẽ ra như các nhánh sông, dụng vô chính trị thì vô chính trị, dụng vô văn hóa thì vô văn hóa, dụng vô đâu đều có thái độ xử sự liền. Đó cũng là một trong các lý do lý giải vì sao Đạo Phật gặp dân tộc? Làm sao không gặp được, vì Phật giáo Việt Nam có gì riêng đâu, có nuôi giang sơn riêng, có nuôi danh vọng riêng, có nuôi lợi ích riêng đâu, tất cả vì con người và dân tộc. Ứng dụng tinh thần của đạo Phật, người hành động lớn luôn luôn tiếp xúc với thế giới thực, giác ngộ và thể nhập vô thế giới thực.
Thưa Hòa Thượng, nhiều lần Hòa Thượng đàm luận về Phật giáo và Dân tộc. Lần này xin Hòa Thượng luận giải sâu hơn một chút: tại sao Phật giáo lại luôn gắn bó với tâm linh (tinh thần) của người Việt?
Phật giáo có hai đặc tính cùng có mặt: khế lý, khế cơ. Khế lý là phù hợp với những lời dạy của Đức Phật, phù hợp với sự thật như thật của cuộc đời, và phù hợp với con đường giải thoát khổ đau. Khế cơ là phù hợp với căn cơ của chúng sinh, nhân loại (phù hợp với trình độ văn hóa, nhận thức, phù hợp các phong tục tập quán, lịch sử). Vì thế, khi Phật giáo đến Việt Namthì liền thích ứng với văn hóa và phong tục tập quán Việt Nam.
Câu hỏi, hỏi ngược lại cũng đúng: tại sao văn hóa, phong tục tập quán của Dân tộc Việt Nam lại gắn bó với Phật giáo?
Tôi nghĩ, giữa bối cảnh sống ứng phó với thiên tai và chống chiến tranh xâm lược của Việt Nam, nhân dân cần đến tình đoàn kết keo sơn và tình tương thân tương ái là hai yếu tố khế hợp với giáo lý Lục hòa và Từ bi của Phật giáo, nên đã chấp nhận Phật giáo suốt hai ngàn năm lịch sử của Dân tộc. (Lục Hòa là: Thân hòa đồng trú: sống hòa hợp trước mặt và sau lưng; Khẩu hòa vô tránh: lời nói hòa nhã trước mặt và sau lưng; Ý hòa đồng duyệt: ý nghĩ hòa hợp trước mặt và sau lưng; Kiến hòa đồng giải: ý kiến xây dựng, hòa hợp trước mặt và sau lưng; Giới hòa đồng tu: cùng tu hành chung một giới bản (tương tự chung luật pháp); Lợi hòa đồng quân: lợi lộc cùng chia sẻ)
Nhân dân ta, suốt dòng lịch sử trải nghiệm nhiều phiền não, khổ đau nên gặp giáo lý thoát khổ của Phật giáo thì liền nắm giữ. Hơn thế, các nhà lãnh đạo Việt Nam thời Đinh, tiền Lê, Lý và Trần đã chủ trương phát triển văn hóa Phật giáo như là một nền văn hóa độc lập, riêng của Việt Nam để đề kháng với các dòng văn hóa ngoại lai. Chính nền văn hóa Dân tộc giúp Dân tộc đứng vững giữa dòng lịch sử. Đấy là chưa nói đến yếu tố văn hóa đầy trí tuệ của Phật giáo: mở mang trí tuệ của nhân dân, ổn định tâm thức của nhân dân tạo nên một sức mạnh tâm lý (hay tâm linh) rất đáng kể vận dụng vào công việc dựng nước và giữ nước.
Nói về tâm linh, dường như là nói về điều thiêng liêng cao cả. Thiêng liêng và cao cả song vẫn có thể định hình được. Có thể xem tâm linh là một giá trị được không, thưa Hòa Thượng? Và có phải những giá trị đó là để nhận ra đó là văn hóa của Phật giáo Việt Nam hay không?
Nói về tâm linh,
có người nghĩ rằng là nói đến các thế giới là cõi đi về của những người sau khi
chết, là nói đến những gì trừu tượng không khảo sát được trong đời này. Không
hẳn là thế, không hẳn chỉ có thế. Tin vào đời sống tâm linh là tin vào đời sống
tâm thức, tinh thần là có thực. Nó có thực là bởi vì nó luôn hiện hữu với con
người và với cuộc đời. Nó quan trọng hơn các giá trị của vật chất: nó là giá
trị tinh thần rất quan trọng.
Một người sống chỉ vì lợi nhuận, danh vọng cho
bản thân, vì thỏa mãn dục vọng cho chính mình thì không gọi đó là nếp sống tâm
linh. Một người khác sống vì hạnh phúc, an lạc của số đông, vì sự tồn vong của đất
nước, vì hòa bình cho khu vực và thế giới, thì đó quả thực là nếp sống tâm
linh, tâm thức, hay tinh thần.
Một nếp sống để phát triển từ bi và trí tuệ, để phát triển các sức mạnh tinh thần vì cuộc đời, đó quả thực là một nếp sống tâm linh. Vì thế, qua lịch sử, qua văn hóa, hay qua nếp sống, các giá trị tâm linh có thể được nhận ra. Giá trị tâm linh là thiêng liêng cao cả, bởi vì sự an lạc, hạnh phúc của con người, của một dân tộc là thiêng liêng, cao cả. Bởi con người lương thiện, chân thật là thiêng liêng, cao cả. Cũng vậy qua văn hóa, lịch sử hay nếp sống, văn hóa của từ bi, vô ngã, vị tha của Phật giáo có thể được phát hiện.
Tâm linh, văn hóa thấm đẫm tâm linh, thấm đẫm quốc hồn quốc túy dân tộc hiểu theo nghĩa cả bề rộng, bề sâu và chiều dài lịch sử là gì? Có lần Hòa Thượng nói: sức mạnh vô ngã làm tê cóng sức mạnh hữu ngã - sức mạnh của “… kêu dài một tiếng lạnh không gian”. Bằng cái nhìn của bậc chân tu tuệ giác, Hòa Thượng thấy sức mạnh tâm linh, sức mạnh của văn hóa tâm linh đã chuyển thành sức mạnh của vật chất như thế nào?
Tâm linh thực sự
với Phật giáo là đời sống tâm thức (tâm lý), tinh thần nuôi dưỡng các điều
thiện, đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình và người trong hiện tại và cả tương
lai (bao gồm tương lai xa: kiếp sống tiếp theo, các kiếp sống tiếp theo); tin
tưởng vào quy luật tự nhiên của Nhân quả (và Luân hồi): nhân lành thì quả lành,
nhân ác thì quả ác (ở hiện tại và tương lai) – ác giả, ác báo; thiện giả, thiện
báo – ; tin tưởng có sự thật của khổ đau và sự thật về con đường giải thoát khổ
đau. Đấy là điều, trong văn hóa Việt Nam, nhân dân ta đã thấm nhuần từ
nghìn xưa, tin tưởng để hướng dẫn đời sống mình trong hiện tại.
Đấy là điều mà nhân dân ta tôn kính thờ phụng ông bà, tổ tiên, thờ kính các bậc hiền nhân, các anh hùng dân tộc, các liệt sỹ sống tận tụy và hy sinh vì Tổ quốc, nhân dân. Đấy là điều mà nhân dân ta giáo dục con em hãy sống lương thiện, hiền lành, trung thực, ngay thẳng, biết ơn tiền nhân. Đấy cũng là điều mà nhân dân ta tin tưởng rằng trong ta có sức mạnh của nguồn tâm lý vô biên để phát triển tạo thành sức mạnh của bản thân và xã hội.
Về ý nghĩa: “...
kêu dài một tiếng lạnh không gian”, đó là câu thơ trong bài “Ngôn hoài” của
Thiền sư Không Lộ (đời nhà Lý): “Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh/Trường khiếu
nhất thanh hàn thái hư” (Một lần lên đỉnh núi cao/ Kêu dài một tiếng lạnh không
gian). Người đời sau cho rằng tiếng “Không Lộ” (con đường vô ngã) làm lạnh vùng
văn hóa hữu ngã phương Bắc như đã từng hai lần làm cóng lạnh đoàn quân Nguyên
Mông về sau của đời nhà Trần (Việt Nam). Văn hóa tâm linh, hay văn hóa
vô ngã, là chỉ văn hóa của Phật giáo Việt Nam.
Nền văn hóa ấy đã hun đúc con người Việt Nammột sức mạnh tinh thần để xây dựng xứ sở và chiến thắng các đoàn quân xâm lược. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi: “vì sao quân dân Việt Nam có thể chiến thắng đoàn quân hùng mạnh, hung hãn Nguyên Mông, đoàn quân đã đánh bại quân nhà Tống (Trung Quốc) và nhiều nước ở châu Âu”.
Vô ngã là vậy, không duy trì cái ngã thì không sợ hãi. Không có sợ hãi thì vô úy, can đảm, dũng cảm, tạo sức mạnh. Sức mạnh ấy tự có trong tư duy chứ không phải ai đem đến cho; sức mạnh từ con đường đi, từ tư duy, từ trí tuệ mà tổ tiên ta đã gạn lọc, chưng cất...
Thế thì, có phải văn hóa tâm linh và dân tộc là chỗ dựa và là nơi nương tựa vững chắc (ở góc độ tinh thần) đối với mỗi cá thể, mỗi cộng đồng và cả dân tộc?Thưa Hòa Thượng, tâm linh là thực tại, là cái cần cho cuộc sống thực tại chứ không phải một cái gì viển vông chứ ạ?
Đúng thế. Chỉ có
con người vô ngã và thực tại vô ngã đang trôi chảy là thực. Suốt dòng lịch sử
cũng chỉ có con người đối mặt với thực tại giải quyết các vấn đề thực tế của lịch
sử, xã hội. Với con người Việt Namthì chỉ có thực tại và lịch sử Việt Nam,
chỉ có con người của văn hóa tâm linh Việt Nam và các vấn đề độc lập và phát
triển của Dân tộc. Chỉ giản dị có thế. Đó là sự thật của nhiều nghìn năm lịch
sử đã qua, và của cả những thế kỷ tương lai nữa. Nó không phải là của tư duy
duy ý chí, viển vông. Nó là của một nền văn hóa yêu nước, yêu đồng bào với một
tinh thần sống rất người, rất tâm linh phong phú.
Sống vì an lạc, hạnh phúc của tập thể, số đông đã là ý nghĩa sống tâm linh rồi. Hẳn là nó rất cần cho con người Việt Nam, xã hội Việt Nam. Sống vì Đạo và Đời, theo hướng sống mà Trần Nhân Tông đã vạch ra, là ý nghĩa của một đời sống tâm linh, điều mà Chủ tịch QH Khóa XII đã phát biểu và được khắc sâu vào bia đá.
Văn hóa còn là dân tộc còn, tâm linh dân tộc còn là dân tộc còn. Sử dụng tâm linh như một chất kết dính để đại đoàn kết dân tộc – có phải là điều phù phiếm không ạ? Có cần phải tạo ra các giá trị mới cho vấn đề tâm linh và văn hóa tâm linh không?
Chỉ có Việt Nam có từ đồng bào – cùng bào thai mẹ. Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, câu chuyện đầu nguồn đất nước cũng là đầu nguồn văn hóa, đồng bào – anh em. Đạo đức dân tộc bắt nguồn từ đó và chính cái đó mới tạo thành sức mạnh dân tộc và bảo vệ dân tộc. Vì sao nói, câu chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ là do thiền sư sáng tạo? Vì ngôn ngữ ở đây là ngôn ngữ biểu tượng, ngôn ngữ Đại thừa của Phật Giáo - ngôn ngữ vừa nghịch lý, vừa phản lý, vừa hợp lý và vừa siêu lý.
Bất cứ dân tộc nào
cũng có nền văn hóa của dân tộc đó. Thế mà theo lịch sử, có nhiều dân tộc bị
đồng hóa, tên nước bị loại khỏi bản đồ thế giới. Dân tộc Do Thái dù mất đất
(mất lãnh thổ) nhưng dân tộc vẫn còn, còn trong từng người dân Do Thái dù phải
ở tại nhiều địa phương khác nhau trên trái đất. Rồi họ đã lại lập quốc như ngày
nay.
Dân tộc Việt Nam dù 1.000 năm chịu lệ thuộc Trung Quốc, dù 100 năm lệ thuộc Pháp, nhưng vẫn đứng vững và vươn dậy như nửa thế kỷ nay. Vì thế chỉ với văn hóa với nội dung tinh thần dân tộc kiên cường, với đời sống tâm linh vững chãi mới tồn tại, không bị đồng hóa, tiêu diệt. Dân Do Thái với tinh thần dân tộc rất cao, đại đoàn kết và với tín ngưỡng Do Thái giáo rất mạnh nên không thể vì lý do bị xâm lược mà biến mất. Nhân dân Việt Nam cũng thế, với lòng yêu nước, tinh thần dân tộc rất cao và với tín ngưỡng tâm linh của riêng mình vững chãi nên tồn tại và phát triển. Đó là sự thật của lịch sử.
Để phát huy truyền thống văn hóa tâm linh ấy, không phải tạo ra các giá trị mới cho văn hóa tâm linh, mà là giữ vững và phát triển văn hóa ấy. Chỉ có giá trị tâm linh là cần được phát huy khiến cho nó cắm rễ sâu vào tâm thức của mỗi người dân: bấy giờ có thể hẳn nhiên nói rằng: văn hóa còn là dân tộc còn. Chỉ có vấn đề con người cần được giáo dục đầy trí tuệ và nhân ái, sống vì cộng đồng là văn hóa tâm linh được phát triển mạnh.
Xin trân trọng cám ơn Hòa Thượng!
Nguồn tin: Báo ĐBND
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự