Một thời để nhớ
Giờ ngẫm lại mà tự hỏi: Không hiểu tại sao, lúc đó mình lại gan đến thế! Dám quyết định đi tu, mà chưa hề biết một chút gì về cuộc sống của người xuất gia, chỉ đơn thuần thầm nghĩ: “Người tu thật hạnh phúc khi không phải vướng bận chuyện đời, ngày đêm thanh bình trong chốn già lam, là người sống đời phạm hạnh, lấy đạo đức làm chuẩn mực cho mọi người noi theo”.
Hiểu thế thôi! Cũng thấy trong lòng vô cùng thích thú, muốn mình cũng có được cuộc sống như thế, bình an, tự tại, không vướng bận bụi trần, xa rời mọi trói buộc của thế nhân.
Chính nhờ những suy nghĩ thơ ngây, bình dị,… phải chăng đó được coi là hạt giống bồ đề nở hoa trong lòng. Lắng nghe cảm xúc tự mình tìm thấy cuộc sống của một người tu sĩ thật đơn giản, khi thấy ai an lạc hạnh phúc cũng như chính bản thân mình, nhìn ai khổ đau, sân hận, thù ghét nhau là cõi lòng thấy tê buốt, có khi phải rớt nước mắt khi chứng kiến những số phận đang lâm vào ngõ cụt không lối thoát.
Rồi giật mình tự hỏi: “Không biết, cái thời đó nếu mình không một mực xin đi tu, thì giờ này sao nhỉ, chắc cũng như bao đứa bạn cùng trang lứa: tốt nghiệp đi làm, có vợ, có chồng, nuôi con, lo cho gia đình, già yếu và cuối cùng là cái chết”. Hú hồn, cũng may mắn cho mình, được có chút duyên lành với Phật từ bao đời, bao kiếp mà nay được sanh làm người, sống trong giáo pháp của Như Lai mà tu hành theo con đường chánh đạo.
Thế phát xuất gia - Ảnh minh họa
Đâu chỉ là như thế
Đã biết bao ý muốn xuất trần, rồi không bao lâu lại dập tắt, có người cho là hoàn cảnh, gia đình, nợ thế nhân. Và chấp nhận quên đi lý tưởng, dù biết nó là con đường hướng thượng đưa người vượt thoát khổ đau. Hối hận, đó là trạng thái của biết bao người: “Tuổi về già với mái nhà heo hút, không ai dưỡng nuôi, bị người thân đối xử tệ bạc,...” rồi tự mình hối hận cho thời son trẻ với ý nguyện xuất trần bị quên lãng. Thời gian như một áng mây đẹp, khi bị một trận mưa to, thì vỡ tan không bao giờ hội tụ như cũ.
Một lúc bình tâm, chợt nhận thấy đời tu sĩ nếu không có khó khăn, thử thách, chông gai,…thì làm sao biết được con đường mình đi đã tới đâu. Con bò chở nặng gánh hàng, gặp phải bùn lầy trên con đường tới đích, nó chùn bước dừng lại, rồi chấp nhận cái chết, nhưng khi nó biết từ bỏ khó khăn trước mắt, dùng hết nghị lực, lòng can đảm, và hy vọng được sống,… nó cố sức vượt qua vũng lầy và thẳng tiến về đích.
Vậy nếu chỉ có hạnh phúc, bình an,… con người ta sẽ vô cùng chán nản, tự ti và sanh ra íchkỷ,… sự bình an được thiết lập khi biết chấp nhận mọi thứ, vượt qua và tiến bước.
Điểm lại chặng đường dài
Đã bao lần chán nản, muốn từ bỏ hiện tại,… nhưng nhìn lại cũng thế thôi! Đến với con đường xuất gia phải xuất phát từ lý tưởng, lòng quyết tâm,.. chứ đâu, mà chỉ vì yêu, ghét, chán đời,… chẳng bao lâu sanh ra chán đạo, rồi tiếp tục từ bỏ. Như thế, con người ta cứ mãi quanh quẩn trong cái vòng cảm xúc.
Các bạn cũng như tôi, nếu đã quyết tâm chọn con đường cao thượng, thì hãy trang bị cho mình những hành trang cần có: Lòng từ bi, nghị lực, tâm bồ đề, kiên nhẫn và biết chấp nhận,… chứ đừng mang theo những thứ: Hận đời, buồn chán, thù ghét, lìa bỏ trách nhiệm, sự nhu nhược,… thì bạn sẽ tiếp tục thất bại bất cứ lúc nào.
Cuộc đời tu sĩ không như bạn nghĩ, nếu bạn chưa chuẩn bị cho mình một áo giáp để chống chọi với vô vàn quân địch (tham-sân-si).
Hãy tự mình, suy nghĩ và đưa ra định hướng cho cuộc đời, khi quyết định chọn con đường hướng thượng, vượt thoát bóng đêm là bình minh tự nhiên xuất hiện.
Nguồn tin: Kienthuc.net.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự