Ngôi miếu thờ và cách cúng bái có một không hai

Thứ năm - 29/11/2012 11:50
Mỗi năm vào một ngày duy nhất của tháng 3 âm lịch, người dân làng Pò Háng, xã Bính Xá, huyện Đình Lập, Lạng Sơn lại tưng bừng giết trâu, mổ lợn để lấy... phân ra tế thần linh.

Bát phân trên... ban thờ 

Có lẽ trên dải đất hình chữ S này chỉ mỗi đình Pò Háng mới có phong tục lạ kỳ là cúng thần hoàng làng bằng phân trâu, lợn, bò, gà... 

Cụ Hoàng Văn Hội, Thủ từ đình Pò Háng mặc dù đã 80 tuổi nhưng vẫn cố gắng dẫn chúng tôi băng qua sông Kỳ Cùng chảy xiết để tới đình Pò Háng nằm trên một mô đất cao, bằng phẳng bên bờ sông Kỳ Cùng. 

Trước đây, khi Nhà nước chưa mở con đường mới đi dọc theo sông Kỳ Cùng thì cộng đồng dân tộc Tày sinh sống bên mô đất cao cùng với đình Pò Háng. Sau đó, dân ở đây chuyển sang mặt đường mới bỏ lại ngôi đình cùng mưa, nắng. Nhiều năm sau, ngôi đình không được trông coi cẩn thận nên cỏ mọc um tùm, trâu bò của người dân thả rông bơi qua sông sang bên mô đất ăn cỏ đã vào đình trú mưa, nắng. Vì bị trâu, bò húc nhiều nên chỉ sau một trận bão, ngôi đình đã đổ sập. 

Rồi người dân lại góp công, góp của dựng lại ngôi đình và cử người hương khói đều đặn, nhưng đình cách xa khu dân cư nên việc chăm sóc không được thường xuyên, mỗi tháng chỉ được thắp hương vào ngày rằm mồng 1 và 15.  Hằng năm vào tháng 3 âm lịch người dân mới lại quần tụ đến ngôi đình tổ chức lễ hội, thịt trâu, mổ bò, lợn, gà để cúng tế thần linh cầu mong mùa màng bội thu. 

Cụ Hoàng Văn Hội vừa hì hụi bới những đám cỏ dại cao ngút đầu người vừa kể về lễ hội của ngôi đình kỳ lạ vào loại bậc nhất Việt Nam: "Lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày Bính hoặc ngày Đinh trong tháng 3 âm lịch. Nếu năm nào cúng mổ bò thì thôi không mổ trâu và ngược lại. Nhưng dù đã mổ trâu hay bò thì vẫn phải mổ lợn. Trong trường hợp năm nào làng không có trâu, bò để mổ cúng thì phải thịt 5 con lợn khoảng 1 tạ để thay thế. Khi mổ thịt các con vật... người dân phải lấy một bát phân trong ruột con vật, khi cúng bát phân phải để lên ban thờ ngay cạnh con lợn, trâu hoặc bò".


Việc cúng phân chỉ được thực hiện vào một ngày duy nhất trong năm, những ngày rằm chỉ thắp hương chứ không được cúng thịt, cá.

Không cúng phân sẽ bị coi là phạm luật 

Nhiều người cao tuổi làng Pò Háng bảo rằng, phong tục này có lẽ xuất hiện từ khi nào không ai nhớ nổi. Khi họ sinh ra đã thấy có phong tục này. Vui nhất là vào những ngày lễ hội, từ người già cho đến trẻ con lại tụ tập xung quanh đám trai làng thịt lợn rồi bịt mũi xem người lớn mổ bụng lợn, trâu, bò moi phân làm đồ cúng. 

Lợn, trâu, bò... sau khi mổ ra thì phải đem tế sống chứ không được luộc chín, cúng xong dân làng đem tất cả trâu, bò, lợn... xuống để thụ lộc. Lúc thụ lộc thì cả làng ai cũng phải được ăn một miếng thịt cúng, nếu không thì cả năm sẽ gặp vận đen đủi. 

Điều đặc biệt là mỗi khi thịt con vật gì đó làm đồ cúng, kể cả những con vật nhỏ nhất, thì người dân phải moi ruột con vật đó ra lấy một ít phân để cúng cùng, nếu không thì sẽ bị coi là phạm luật làng.


Cụ Hoàng Văn Hội mặc dù đã 80 tuổi nhưng vẫn lội sông vượt núi để thắp thương tại đình làng vào ngày rằm hằng tháng.

Suốt đời này mẹ con mình chỉ được... ăn phân 

Mặc dù không biết lịch sử ngôi đình có từ khi nào, nhưng những người dân làng Pò Háng còn nhớ rất rõ về nguồn gốc việc lấy phân làm đồ cúng thần hoàng làng. Đây không phải là một hành động báng bổ thần linh mà nó thể hiện quan niệm cách nghĩ khác của người dân miền biên ải. 

Theo cụ Bế Nguyên Giai, 88 tuổi, người làng Pò Háng thì thần hoàng làng có tên là Hoàng Lang, cũng có người nói thần có nhiều tên khác nhau nhưng người dân chỉ còn nhớ được mỗi cái tên này. Khi còn bé, Hoàng Lang đã tỏ ra thông minh hơn người, cả làng chỉ có mỗi mình Hoàng Lang đi học. 

Lớn lên, Hoàng Lang lên kinh đô đi thi và đỗ rất nhiều cuộc thi do triều đình tổ chức. Vì thần có biệt tài đi mây về gió nên ban ngày Hoàng Lang lên kinh đi học còn tối thì về ngủ với vợ. Khi vợ Hoàng Lang mang bầu, mẹ của Hoàng Lang đã gọi con dâu ra mắng rằng: "Con tao đi học xa sao mày lại có chửa? Mày chửa với thằng nào? Tao sẽ không nhận đứa bé là cháu tao đâu". 

Không biết giải thích thế nào với mẹ, vợ Hoàng Lang liền nghĩ ra cách buổi tối khi chồng về ngủ cùng, vợ đem đôi giầy vua ban giấu đi để chồng không lên kinh nữa và mẹ chồng sẽ hết nghi ngờ. Đến khi trời gần sáng, Hoàng Lang chuẩn bị lên kinh thì không thấy giầy đâu, chàng liền lấy đất nặn thành đôi giầy mới rồi chạy lên kinh đi thi. 

Ở những vòng thi kiến thức Hoàng Lang đã vượt qua được, nhưng đến vòng thi bơi lội thì đôi giầy đất của Hoàng Lang nặng chìm khiến chàng không bơi được, rồi giầy đất tan biến mất. Khi lên bờ vua thấy Hoàng Lang đi chân đất liền hỏi giầy vua ban ở đâu, Hoàng Lang liền giải thích để vua hiểu, nhưng trong lúc tức giận vua đã ra lệnh chém đầu Hoàng Lang. 

Dù bị chém đầu nhưng đầu Hoàng Lang không đứt lìa mà vẫn dính trên cổ. Hoàng Lang đã lê thân chạy về đến nhà rồi hỏi mẹ: "Cây bị chém cây còn mọc chồi non, người bị chém đầu còn mọc được không?". Thấy con trai lê thân về với cái đầu lủng lẳng trên cổ cùng bê bết máu, mẹ Hoàng Lang hoảng hốt đứng như tượng. Thấy mẹ không nói gì, Hoàng Lang chỉ kịp nói một câu rằng: "Mẹ không nói được thì suốt đời này mẹ con mình sẽ chỉ được ăn phân thôi" rồi chàng lăn ra chết. 

Vì Hoàng Lang bị chết oan nên ngay sau đó dân làng đã lập miếu thờ và nhắc nhở con cháu phải thắp hương để tưởng nhớ đến chàng. Khi mẹ Hoàng Lang chết đi dân làng đã làm theo lời nói của Hoàng Lang là trong mỗi lần cúng tế đều lấy một bát phân để bên cạnh cho Hoàng Lang và mẹ của mình. Từ đó hàng năm người dân chỉ được thịt lợn, trâu... cúng thần linh ở đình vào duy nhất một ngày trong năm. Những ngày bình thường nếu người nào đến cúng thì chỉ được đem hoa quả thắp hương chứ không được đem thịt lợn, gà đến cúng.


Ngôi đình làng Pò Háng vừa được người dân xây dựng lại trên nền ngôi đình cũ.

Nguồn tin: Quách Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây