Người đúc chuông khổng lồ ở đất thần kinh

Thứ năm - 27/05/2010 15:42
Nói về cụ Nguyễn Văn Sở thì không thể quên các kỷ lục mà cụ đã xác lập. Năm 2006, gia đình nghệ nhân và con trai là Nguyễn Văn Sính đã tiến hành đúc quả chuông đồng lớn nhất Việt Nam - là đại hồng chung của chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình)...

Huế có hơn 100 ngôi chùa, trên 100 quả chuông chùa (Đại hồng chung) lớn nhỏ. Chuông chùa Huế thiên về âm trầm sâu lắng, không chuộng tiếng lớn, tiếng vang. Và những nghệ nhân đúc chuông ở Huế phải có uy tín dường nào mà hòa thượng Takaoka Shucho, trụ trì chùa Nagoya (Nhật Bản) sau khi nghe tiếng chuông ở tháp chuông Hòa Bình (TP Huế) đã thích thú và quyết định nhờ nghệ nhân Việt Nam đúc quả “đại hồng chung” nặng 3 tấn đem về Nhật Bản.

Chuông đúc từ cái Tâm

Nói đến nghề đúc chuông chùa ở Huế, mọi người đều biết danh tiếng của nghệ nhân Nguyễn Văn Sở (pháp danh Nguyên Tại) 76 tuổi, ở thôn thượng 4, Thuỷ Xuân, TP Huế.

Cụ Sở khẳng định: “Không phải bỏ nhiều vàng khi rót đồng là tiếng chuông sẽ hay, dù vàng là kim loại quý được cúng dường để biểu thị đức tin của mình khi chùa đúc chuông hay đúc tượng”. Dù mới là người thợ trẻ học nghề, cũng biết tiếng chuông hay là do tỷ lệ pha chế giữa đồng tốt không tạp chất với thiếc và cách làm khuôn dày mỏng không chênh lệch nhau.

Nhưng hành nghề hàng chục năm chưa chắc đã biết cảm nhận được nhiệt độ khi nấu bằng trực quan, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp. Giỏi hơn nhau là ở chỗ đó và khó nhất là cái Tâm của người nghệ nhân”. Trước khi đến ngày rót đồng đúc chuông chùa, bao giờ cụ Nguyễn Văn Sở cũng ăn chay, mặc chiếc áo tràng vào rồi tụng kinh niệm Phật. Do có uy tín và tài giỏi, cơ sở của cụ Sở được các chùa trong nước, ngoài nước tìm đến nhờ đúc chuông làm không kịp...

Theo cụ Nguyễn Văn Sở: “Đảm bảo được sự nguyên vẹn đối với sản phẩm có kích thước lớn như quả chuông nặng vài chục tấn rất khó. Pha chế tỉ lệ hợp lý giữa thiếc, chì, kẽm và antimon vào trong đồng là một bài toán không đơn giản. Muốn tiếng chuông chùa ngân xa thì đồng phải già, hàm lượng thiếc trong đồng phải cao, nhưng lạm dụng thì chuông lại dễ vỡ khi va chạm (gõ chuông)”...

Những kỷ lục...

Nói về cụ Nguyễn Văn Sở thì không thể quên các kỷ lục mà cụ đã xác lập. Như vào năm 2006, gia đình nghệ nhân và con trai là Nguyễn Văn Sính đã tiến hành đúc quả chuông đồng lớn nhất Việt Nam - là đại hồng chung của chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình). Theo thiết kế, quả chuông này nặng 20 tấn, cao 5,5m, đường kính 3,7m, tổng kinh phí 4 tỷ đồng, được các nghệ nhân đánh giá là quả chuông lớn nhất Việt Nam từ trước tới thời điểm đó. Cụ Sở đúc chuông xong trong 6 tháng.

Năm 2006, ông Sính (con cụ Sở) không tin vào tai mình khi Công ty Xuân Trường (ở tỉnh Ninh Bình) đến đặt ông làm một quả chuông nặng đến... 22 tấn! Ông nhận lời, vừa mừng vừa lo. Mừng vì người ta tin mình, nhưng rất lo lắng vì chuông lớn, ngoài sức tưởng tượng. Thế rồi vào cuối năm 2006, quả chuông chùa nặng 22, 480 tấn, cao 4,7m, đường kính 3m được giao cho khách hàng.

Thấy quả chuông 22 tấn quá tuyệt vời, Công ty Xuân Trường tiếp tục đặt làm thêm một quả chuông nặng... 30 tấn để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông Sinh rất lo lắng. Ông ý thức rất rõ mình phải làm hết sức, vì danh dự gia đình và vì đây là sản phẩm cấp quốc gia. Ông Sinh lại thành công mỹ mãn, quả chuông kỷ lục Đông Nam Á ra đời nặng hơn 30 tấn, cao 5,4m, đường kính 3,4m đã được giao cho khách hàng vào giữa năm 2007.

Nhìn lại cuộc đời làm nghề đúc chuông, cụ Nguyễn Văn Sở đúc kết: “Tất cả đều có công thức. Nếu làm nhiều và chịu khó, nhìn vào chuông là biết hay hay dở và sửa được âm ngay. Điều quan trọng là tâm thế của người thợ. Người trầm lặng, điềm tĩnh thì sửa tiếng chuông rất dễ, ngược lại người nóng tính sẽ khó làm được điều đó!”.

Trong đời làm thợ của mình, cụ Sở lo lắng nhất khi nhận đúc chiếc đại hồng chung của thành cổ Quảng Trị (cao 4m, đường kính 2,2m, nặng 9 tấn). Cụ và gia đình biết rằng chiếc đại hồng chung này được làm để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ, thống nhất đất nước. Sau khi hoàn thành chuông này được đặt trong một tháp chuông cao 11m tại quảng trường thị xã Quảng Trị.

Phường đúc Huế với những người thợ tài hoa như cụ Nguyễn Văn Sở, Nguyễn Văn Sinh đang để lại cho đời những tiếng chuông chùa vang mãi nghìn sau...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây