Phật ngồi trên lưng vua: Pho tượng chỉ có ở Việt Nam

Thứ bảy - 29/05/2010 18:08
Theo lời kể của nhà sư Thích Tâm Hoan tại chùa Hòe Nhai (Hà Nội), pho tượng này là kết quả của một cuộc pháp nạn của các tăng ni Phật giáo Việt Nam năm 1678.

Sự giáo hóa của vị Tổ Cua

Vào khoảng thời gian đó, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo, thay vào đó là Nho giáo. đến thời vua Lê Hy Tông (1663-1716), một sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng được ban ra. Ai không đi sẽ bị trừng trị nặng nề.

Đạo Phật đã phải trải qua một thời kỳ nhọc nhằn. Một trong số những hòa thượng đắc đạo pháp danh Tông Diễn, được biết đến với tên Tổ Cua, Tổ Cáy cũng bị buộc phải đi qua con đường hoặc sinh hoặc tử này.

Ông là thế hệ thứ hai của phái Tào Động tại Việt Nam. Đây là một tông phái Thiền quan trọng tại Trung Quốc, được hai vị Thiền sư sáng lập là Động Sơn Lương Giới và đệ tử là Tào Sơn Bản Tịch lập nên. Người ta ghép hai chữ đầu tên hai vị này và gọi phái là Tào Động. Mặc dù mục đích tu tập của Tào Động giống với một phái khác tên là Lâm Tế, tuy nhiên phương pháp tu tập thể thì có khác biệt.

Tào Động tông chú trọng đến phương pháp mặc chiếu thiền, tức là chỉ an nhiên là đủ. Lâm Tế tông chủ trương phương pháp khán toại thiền, là quán công án. Trong thế kỉ 13, Thiền sư Nhật tông là Đạo Nguyên Hi Huyền đưa tông này qua Nhật Bản và Tào Động trở thành môn phái Thiền quan trọng, ngày nay vẫn còn. Trong tông Tào Động tại Nhật Bản, phương pháp Độc tham - một trong những thành phần tu học quan trọng của Thiền tông - đã thất truyền từ thời Minh Trị.


Pho tượng độc đáo đã được ghi vào kỷ lục Guiness

Thiền Tào Động được Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (1636-1704) truyền sang Việt Namgiữa thế kỉ thứ 17. Nhà sư này rời Đại Việt năm 1664, cùng với hai đệ tử sang Trung Quốc, đến Hồ Châu học đạo với Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo và ở đó ba năm sau mới về.

Thông Giác truyền giáo cho Chân Dung Tông Diễn. Vị hòa thượng Tông Diễn không những đã làm tốt công việc của thầy truyền lại mà còn khiến Tào Động phát triển rực rỡ, giúp tăng chúng vượt qua được pháp nạn lớn của Phật giáo, khi mà Phật giáo không còn được trân trọng như khi còn là quốc giáo nữa.

Khi tăng chúng phải chịu sắc lệnh rời chùa lên rừng, hòa thượng Tông Diễn vì không cam lòng thấy tăng chúng phải trải qua pháp nạn quá nặng nề đó, đã tìm cách trở lại kinh thành Thăng Long, nhằm giáo hóa vua Lê Hy Tông.

Theo nhà sư Tâm Hoan, cuộc gặp gỡ giữa hòa thượng Tông Diễn và vua Lê Hy Tông quả là khó khăn. Việc một vị sư đã bị trục xuất khỏi kinh thành tìm cách để trở lại đã khó, gặp vua lại muôn vàn khó khăn. Cuối cùng Hòa thượng Tông Diễn đã phải dùng một biện pháp, ông tặng nhà vua chiếc hộp, trong đó nói có viên ngọc quý.

Tuy nhiên thực chất trong hộp chỉ có một tờ biểu ghi lại những điều lợi mà Phật giáo mang lại cho xã hội. “đời Trần, đời Lý, các vua hết sức coi trọng đạo Phật và rồi quốc gia thịnh trị, đạo Phật khiến người ta biết ăn uống đúng mực, không giết người cướp của, nó như một viên ngọc quý của quốc gia, vậy tại sao cho đến giờ đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã hội...”, tờ biểu phân tích.

Vua Hy Tông bừng tỉnh, cho vời hòa thượng Tông Diễn vào trò chuyện. Sau khi nghe hòa thượng thuyết pháp, bèn rút lại sắc lệnh đã ban. Vua Hy Tông từ đấy hết sức sửa mình, tự nguyện đề nghị với hòa thượng Tông Diễn rằng nên làm một bức tượng mà trong đó, vua phủ phục dưới Phật, để thể hiện sự sám hối và sửa mình của ngài. Đây là bức tượng độc đáo nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam, mang tích cách Việt và lịch sử Việt, không có nơi nào trên thế giới có một mã văn hóa như thế này.

Vua không chỉ sửa riêng mình

Sự giác ngộ của vua Lê Hy Tông không chỉ khiến ông thấy được sai lầm của mình. Với tư cách là một vị vua mang quyền hành tối cao trong tay, ông đã tự nguyện cúi gập lưng để bày tỏ sự sửa bỏ tuyệt đối, cũng là để thế hệ sau, hoặc chí ít những vị vua sau này hiểu được rằng, sai lầm cần phải được nhận ra và sự giác ngộ không chỉ nằm ở lời nói. 


Pho tượng đang được tách riêng để tu sửa

Thoạt nhìn thì thấy một người ngồi trên lưng một người, có vẻ như dữ tợn, như thể đây là một sự trừng phạt đáng thương xót. Tuy nhiên, pho tượng này nằm ở một tầng cao về trí tuệ, một sự sửa mình để sống. Sự ngự trị trong cõi này còn có một cõi ngự trị siêu hùng ưu việt hơn, đó là lực lượng của trí tuệ, một sự tự thân, của bản thể duy nhất.

“Pho tượng này là để muôn đời chứ không phải là để hoài cổ, như một di tích. Vị vua này đã nghĩ đến một mai hậu của tấm lòng con người, rằng muốn phát triển và thúc đẩy thì phải thay đổi, phải nhận ra mình và cung kính sửa bỏ, thành thực và có một thái độ và nghị lực lớn thì mới đạt được trí tuệ để thay đổi nhân quần xã hội”, TS. Cung Khắc Lược nói.

Đây cũng là một pho tượng cho thấy một mối liên hệ rất thú vị giữa tôn giáo và chính trị Việt Namtrung đại. Nó là một điển hình mẫu mực của tâm linh, cho thấy con người phải sửa bỏ thì mới đạt được một kết quả nhất định.

Nếu ai muốn đạt được mong muốn tâm linh nào đó thì pho tượng này là bài học tốt nhất mặc dù thoạt nhìn với hiểu biết nhỏ bé thì chúng ta có thể thấy sợ, thấy một điều gì dữ dội, trừng phạt nhân quả nhưng nhìn kĩ thì sẽ thấy rằng con người ai cũng có sai lầm và quan trọng là khi sửa bỏ, người ta được tha thứ.

Những người đã có tuổi già, hay những người đã từng trải qua mưa sa gió táp trong cuộc đời, đến và  nhìn lại những cuộc kiểm điểm của đời mình, ai cũng sẽ thấy rằng pho tượng như một vị mặn trên lưỡi. Và hẳn nhiên, sự sửa bỏ ấy đúng cho tất cả mọi người, một ví dụ kì lạ của sự tĩnh lặng sửa bỏ toàn thiện.

“Sống trên đời ai cũng có lỗi lầm nhưng ít người chịu nhận, có nhận thì họ cũng chỉ tự nhận với mình hoặc nhận với nhau, những người sẽ không đánh giá và quy tội họ, hoặc có người nhận thì chỉ là nhận suông thôi, không chịu sửa. Vị vua này, người mang quyền lực tối cao trong một nhà nước đã biết nhận lỗi, sửa lỗi. Sự sám hối này không chỉ cho mình ông, mà còn để răn dạy bao thế hệ về sau nữa”, nhà sư Thích Tâm Hoan chỉ dạy.

“Trong triết học nhà Phật, nghĩa gốc của chữ tu là sửa, con người hàng ngày thể nào rồi cũng đụng chạm đến đời sống của chúng sinh hoặc làm những điều bị ngăn cấm. Lê Hy Tông đã vi phạm một điều rất lớn là phá đạo trong khi đạo Phật luôn chủ trương đường lối không dùng sự thủ tiêu và tàn nhẫn, đó là Phật trị. Dáng nằm như gãy đó thể hiện một sự quy phục tuyệt đối, dáng mẫu mực của sự thuần phục. Đó là sự chân thành, một sự thay đổi xuất phát từ sâu sắc trong tim chứ không gương ép và do đó, đây không phải là một sự trừng phạt”- TS Hán học Cung Khắc Lược nhận xét.

Nguồn tin: Giadinh.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây