Cuộc đời của Lê Thừa Dương Hùng là một chuỗi ngày đầy
mất mát, sóng gió và tội lỗi mà cho đến bây giờ, khi đã quay đầu tìm bờ, biết sống
vì những điều hay lẽ phải, anh vẫn không thể nào quên.
Dằn vặt, thống
khổ
“Xin các anh hãy để lại cho chiếc xe, đó là phương tiện
mưu sinh duy nhất của gia đình”. Bất chấp lời van xin thống thiết của người phụ
nữ khốn khổ, gã đại ca giang hồ lạnh lùng gằn từng tiếng: “Đó là việc của bà!”.
Gã ra lệnh cho đàn em lấy từng món đồ trong nhà bà
mang đi. Người phụ nữ sụp xuống, níu chân những kẻ đòi nợ thuê. Gã đại ca vẫn
không mảy may động lòng mà còn tàn nhẫn đạp vào bụng người phụ nữ đang bụng
mang dạ chửa. Cú đạp bạo liệt ấy đã giết chết một sinh linh...
Nhắc lại chuyện cũ, gương mặt Dương Hùng hằn lên nỗi
thống khổ. Đó cũng là nỗi day dứt không nguôi của một người vốn là tay anh chị
giang hồ với biệt danh “Hùng sầu” lừng lẫy một thời. “Không bao giờ tôi có thể
tha thứ cho mình về sự nhẫn tâm đó. Tôi đã giết chết một mầm sống chỉ để có được
những đồng tiền bất lương nhằm thỏa mãn cơn nghiện hút của mình”- Dương Hùng dằn
vặt.
Lê Thừa Dương Hùng với bức tượng gỗ cao
5 m, nặng 6 tấn vừa được thầy trò anh hoàn thành
Suốt thời trai trẻ, không biết bao nhiêu lần “Hùng sầu” đã vác mã tấu đi chém
người. Gia nhập nhóm giang hồ của đại ca xứ Huế Lê Lam khi chỉ mới qua tuổi lên
10, đôi tay của Hùng đã nhiều lần vấy máu. “Hùng sầu” nhanh chóng trở thành một
kẻ máu lạnh không kém gì đàn anh, chỉ cần một lời nói phật lòng là tay giang hồ
nhí này có thể cho ai đó đổ máu. Có lần, Hùng sầu còn xẻo cả tai của người dám
đánh mình rồi mang “chiến lợi phẩm” về khoe với đại ca Lê Lam như một chiến
tích.
Giờ đây, mỗi khi nhìn vào đôi tay của mình, Dương Hùng
luôn ưu tư: “Cũng đôi tay này mà không hiểu sao ngày xưa mình lại có thể làm những
điều bất nhân thất đức như thế”.
Sau một chặng đời giang hồ phiêu bạt, Dương Hùng đã kịp
dừng chân và bây giờ anh là thầy dạy điêu khắc, cưu mang nhiều mảnh đời lang
thang, bất hạnh. Đôi tay từng gây biết bao tội lỗi giờ chăm chút tỉ mẩn cho từng
bức tượng, nhiều nhất là tượng Phật, như làm điều thiện trong cõi tĩnh lặng của
riêng Hùng. Cũng đôi bàn tay ấy đã nâng niu dìu dắt bao mảnh đời lầm lạc khác.
Cuộc đời lưu
lạc
Dương Hùng thường bảo rằng nếu có được tình yêu thương
của gia đình, cuộc đời cậu bé miền quê biển nghèo xã Hải Khê, huyện Hải
Lăng - Quảng Trị như anh đã không đi theo một lối rẽ sai lầm, để rồi khi từ giã
giang hồ lại luôn đau đáu vì tội lỗi đã trót gây. Trong ký ức của người từng
vùng vẫy giang hồ này vẫn còn những nỗi xót xa về một tuổi thơ đầy thương tổn.
Cha mẹ chia tay, Hùng sống với mẹ nhưng bị dượng hắt hủi
tàn nhẫn. Cuộc sống thiếu hơi ấm tình thương, cậu bé 7 tuổi bỏ nhà lang thang
vào Huế nhảy tàu lửa bán trà đá, xin bốc vác ở bến xe rồi trông coi hàng thuê ở
chợ Đông Ba, vắt kiệt sức tuổi thơ để kiếm cái ăn.
Những đêm nằm ngủ co ro trên
sạp chợ, lăn lóc dưới gầm cầu Tràng Tiền, có khi bị người ta đánh đập, bị đạp văng
xuống tàu, nước mắt của cậu cứ chảy mãi trong sự tủi thân khôn cùng.
“Tại sao
những đứa trẻ khác có cha, có mẹ, được ở nhà yên ấm, được đi học, được vui
chơi, được yêu thương trọn vẹn, còn mình thì lại lăn lóc không nơi nương tựa thế
này?” - câu hỏi ấy đã đeo đẳng theo Hùng suốt mấy mươi năm lang bạt, cho đến
lúc trưởng thành vẫn hằn sâu trong tâm tưởng anh.
Hùng làm đủ mọi thứ để có cái ăn nhưng cuộc sống đường
phố nghiệt ngã hơn suy nghĩ của một đứa trẻ. Chín tuổi, nhớ nhà, nhớ mẹ, Hùng
tìm đường về nhưng rồi không chịu được cảnh cha dượng - con ghẻ, cậu lại bỏ đi.
Lê Thừa Dương Hùng trong chuyến đi làm từ
thiện cùng đoàn nghệ sĩ do diễn viên Việt Trinh tổ chức tại trại
cai nghiện Bình Đức, tỉnh Bình Phước
Đó là chuyến đi biền biệt, rẽ về con đường tội lỗi. 15
tuổi, bị bắt vì gây thương tích người khác, Hùng chỉ bị tạm giam vì chưa đủ tuổi
thành niên. Trở về, Hùng lại tiếp tục cuộc sống giang hồ. Bị bắt lần thứ
2 và bị tuyên án 36 tháng tù, Hùng vượt ngục chạy qua Campuchia, Lào để
trốn lệnh truy nã. Sau đó, Hùng tìm đường trở về Sài Gòn, tiếp tục làm bảo kê,
đòi nợ mướn ở khu vực An Sương.
Tuy nhiên, Công an TP Huế cũng đã lần ra và tóm gọn
tên tội phạm trẻ tuổi. Hai năm rưỡi trong tù, Hùng vừa lao động cải tạo vừa
tranh thủ học chữ, 20 tuổi mới bắt đầu ê a đọc những chữ cái đầu tiên. Ước vọng
được đi học, được biết chữ để còn đọc báo, đọc thư của đứa trẻ ngày xưa sau gần
17 năm mới thành hiện thực nhưng “trường” của Hùng lại là bốn bức tường lạnh
toát. Chính anh cũng là người thầy dạy học cho mình, tự nắm lấy tay mình để gò từng
nét chữ. Hùng quyết tâm sẽ hoàn lương.
Nhưng rồi mãn hạn tù, khi con chim được sổ lồng tự do
thì bao nhiêu suy nghĩ làm lại từ đầu của “Hùng sầu” cũng tan biến hết khi đối
mặt với cuộc mưu sinh khốc liệt. Không nghề ngỗng, không người thân và cũng
không có tình thương nơi đất lạ quê người, “Hùng sầu” lại “ngựa quen đường cũ”,
tiếp tục trở thành kẻ đòi nợ, bảo kê. Hùng mải mê với hành trình lỗi lầm của
mình như thế cho đến khi một đàn em báo tin rằng đại ca Lê Lam đã đi tu...
Đóng cửa tự cai
nghiện
Chiều một ngày tháng 10-1999, có một người mang trên
mình đầy những vết sẹo dọc ngang của những ngày phiêu bạt giang hồ dừng lại thật
lâu trước cổng một ngôi chùa. Đôi mắt dữ dằn ngày nào giờ ẩn nhẫn nhìn không chớp
vào cửa Phật.
Sau bao nhiêu năm sống trong tội lỗi, kẻ giang hồ ấy lần
đầu tiên được chạm vào ngõ Phật nhưng lại ngập ngừng không dám bước vào chánh
điện tôn nghiêm. Đôi chân anh chợt khuỵu xuống khi nhìn thấy tượng Phật. Anh
run lên như đã tìm thấy một điều kỳ diệu cho lối thoát của cuộc đời mình. Từ buổi
chiều ấy, Lê Thừa Dương Hùng quyết định từ giã giang hồ, tìm về cõi tĩnh lặng.
Quyết tâm làm lại cuộc đời, Hùng tìm thuê một căn
phòng trọ giá 150.000 đồng/tháng, mua mì gói về dự trữ rồi khóa cửa lại, ném
chìa ra ngoài, cương quyết tự cai nghiện. Suốt 16 ngày giam mình trong từng cơn
vật vã đớn đau, Hùng đã từ bỏ được “cái chết trắng”. “Đói thì ăn mì, lúc vã thuốc
đau đớn thì tôi chỉ còn cách duy nhất là nhắm chặt mắt lại, không rên la mà chỉ
toàn tâm toàn ý nghĩ về Phật. Tôi tin khi tâm hồn hướng về cõi an nhiên thì
mình sẽ tìm thấy những điều kỳ diệu” - anh bùi ngùi nhớ lại.
Dương Hùng bắt đầu gây dựng cơ sở điêu khắc gỗ của
mình từ đôi bàn tay trắng. Bàn tay chỉ biết cầm dao, cầm mã tấu đánh nhau vậy
mà cũng tỉ mẩn, mày mò tạc được bức tượng Phật đầu tiên, cao 1 m. Bức tượng này
hiện đang được trưng bày tại Thành hội Phật giáo Huế. Từ đó, lần lượt những bức
tượng được đôi tay dần dần trở nên thành thục của anh cho ra đời.
Ngôi nhà nhỏ của Dương Hùng hiện đang trong những ngày
rộn ràng tất bật khi thầy trò anh tập trung hoàn thành ba bức tượng Phật bằng gỗ
cao 5 m, nặng 6 tấn, thực hiện cho chùa Giác Ngộ và dự kiến sẽ xác lập kỷ lục
tượng gỗ cao nhất Việt Nam. Câu chuyện một đời giang hồ của “Hùng sầu” đã
khép lại nhưng nỗi day dứt vẫn còn hằn sâu trong anh.
“Sư phụ” của trẻ lang thang, cơ nhỡ
“Nếu ngày xưa tôi có một cái nghề thì có lẽ cuộc đời
đã rẽ sang hướng khác. Tôi không muốn sẽ có những mảnh đời lạc bước như mình
nên có bao nhiêu khả năng, tôi đều chỉ dạy cho các em cách để sống thành người”.
“Sư phụ” của 16 đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ đang cùng
anh ngày đêm miệt mài trên những thân tượng gỗ bộc bạch như vậy. Đi đến đâu,
nhìn thấy đứa trẻ bất hạnh nào, Dương Hùng cũng thuyết phục chúng về sống với
anh.
Bao nhiêu thế hệ học trò cứ đến rồi đi, Dương Hùng lại
dang tay đón những mảnh đời cơ nhỡ về với căn nhà thuê nhỏ bé cũng là cơ sở
điêu khắc của anh tại góc đường Lê Lợi, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn - TPHCM.
Hùng kỳ vọng khi trả các em về với xã hội thì anh đã cho
mỗi em một nghề để sống cuộc đời lương thiện và hạnh phúc hơn mình ngày xưa.
Nguồn tin: NLĐ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự