Bậc chân tu
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng không phải ai cũng biết
về cuộc đời tu hành lặng lẽ mà đầy huyền thoại của vị bồ tát đặc biệt này. Ngược
thời gian năm Đinh Dậu, 1897, cậu bé Lâm Văn Tức chào đời ở thôn Hội Khánh, xã
Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Năm lên 7 tuổi, ngài được người cậu ruột là thiền sư
Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm nhận làm con nuôi và đặt tên mới là Nguyễn Văn
Khiết. Sau đó, ngài được cho xuất gia tu hành với pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hạnh
Pháp và pháp hiệu là Quảng Đức. Ngoài thiền sư Hoằng Thâm, Thích Quảng Đức còn
tham học với thiền sư Thiện Tường và Phước Tường.
Năm 20 tuổi, Bồ tát Thích Quảng Đức thọ giới tỳ kheo
và phát nguyện tịnh tu ở một ngọn núi Ninh Hòa. Sau đó, ngài hạ sơn để đi giảng
pháp và xây dựng, trùng tu 31 ngôi chùa ở miền Trung, miền Nam VN. Lúc tu hành ở
Khánh Hòa, ngài còn trẻ tuổi nhưng đã cống hiến rất nhiều cho Phật giáo địa
phương.
Các văn kiện còn lưu giữ ở những ngôi chùa vùng này đã
kể lại câu chuyện chính Bồ tát Thích Quảng Đức là người đã xin phép và tổ chức
thực hiện xây dựng, trùng tu nhiều ngôi chùa ở khu vực. Trong đó có ngôi chùa Thiên
Lộc được xây dựng trên một ngọn núi ở Ninh Hòa mà ngài từng nhập thất tịnh tu
trước đó. Và cũng tại ngôi chùa này, vào khoảng năm 1935-1936, ngài đã đúc hai
chiếc chuông lớn vẫn còn đến ngày nay.
Các tài liệu cũ cho thấy tính cách Bồ tát Thích Quảng
Đức rất ngăn nắp. Những việc quan trọng như xin phép xây dựng, trùng tu chùa,
hoạt động quyên góp của phật tử đều được bồ tát ghi chép lại rất cẩn thận. Chính
những tài liệu này về sau đã giải mã hoạt động phật sự nhiều công đức trong
giai đoạn đầu tu hành của ngài ở quê nhà. Đặc biệt, sau khi rời Khánh Hòa, Bồ
tát Thích Quảng Đức còn đi hành đạo và học thêm mấy năm bên Campuchia.
Ngôi chùa cuối cùng mà ngài dừng chân tu hành trước
khi tự thiêu là chùa Quán Thế Âm trên đường Nguyễn Huệ, Q.Phú Nhuận, Gia Định
(nay là đường Thích Quảng Đức). Đây là một ngôi chùa được người dân địa phương
lập từ năm 1920 để thờ Quan Thế Âm Bồ tát. Ngoài tên Quán Thế Âm tự, chùa còn được
quen gọi là chùa Bạch Lô và chịu cảnh tiêu điều, lạnh lẽo hương khói trong những
năm tháng nửa đầu thế kỷ 20 đầy biến động của đất nước.
Năm 1959, bước chân hoằng hóa của Bồ tát Thích Quảng Đức
đã có duyên dừng chân lại ngôi chùa Quán Thế Âm. Và ngài đã bỏ ra rất nhiều tâm
huyết, công sức sửa chữa lại chùa cho đến khi xảy ra sự đàn áp Phật giáo ngày càng
nặng nề của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông Tống Hồ Cầm, lúc đó phụ trách hoạt động
cư sĩ ở chùa Xá Lợi, đã nhiều lần gặp gỡ Bồ tát Thích Quảng Đức.
“Ngài sống trầm lặng, giản dị, nhưng cũng rất tinh tế,
sâu sắc. Chỉ nhìn ánh mắt, ngài có thể biết tâm trạng người đó thế nào. Những lần
gặp tôi, ngài hay vỗ vai, nhẹ nhàng hỏi thăm chuyện sức khỏe và chia sẻ nỗi niềm
buồn vui...”- ông Tống Hồ Cầm vẫn xúc động nhớ chuyện xưa.
Chuẩn bị “đi xa”
“Những ngày gần giữa năm 1963, tình hình mâu thuẫn giữa
Phật giáo và anh em nhà Ngô Đình Diệm ngày càng gay gắt. Chính quyền dùng lực
lượng cảnh sát đặc biệt, quân đội và nhiều thủ đoạn dã man nhằm dập tắt phong
trào đấu tranh của Phật giáo. Trong khi giới tăng ni, phật tử lại chủ trương đấu
tranh bất bạo động...” - hòa thượng Thích Đức Nghiệp, trưởng Ban đối ngoại kiêm
tổ chức của Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo lúc đó, xúc động nhớ lại.
Hòa thượng Đức Nghiệp kể sau cuộc tuyệt thực ở chùa Xá
Lợi, Bồ tát Thích Quảng Đức (lúc đó là hòa thượng trụ trì chùa Quán Thế Âm) đã
viết thư gửi đến Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo xin được vị pháp thiêu thân.
Thư viết tay trên một tờ giấy nhỏ để dễ cất giấu mang đi trong tình hình chính
quyền Ngô Đình Diệm đang ra sức theo dõi và đàn áp Phật giáo. Nội dung thư ghi
rằng đạo pháp đang nguy khốn mà mình tuổi già sức mọn không làm gì được, nên
nguyện thiêu thân mình để cầu đạo pháp trường tồn và hòa bình cho dân chúng...
Hòa thượng Đức Nghiệp tìm cách bí mật trình lá thư đặc
biệt này lên Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo VN. Ngay sau đó, các vị lãnh đạo
Phật giáo cấp cao đã họp khẩn cấp để xem xét. Cuối cùng, họ kết luận rất trân trọng
nguyện vọng của Bồ tát Thích Quảng Đức, nhưng xét thấy tình hình chưa thật sự cần
thiết nên tạm dừng lại. Sau này kể lại cuộc họp đặc biệt đó, hòa thượng Đức
Nghiệp cho rằng: “Thật ra Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo VN lúc đó cũng lúng
túng. Mọi người chưa từng thực hiện điều này”.
Trong lúc đó, các cuộc biểu tình của Phật giáo vẫn tiếp
diễn. Đồng thời các cuộc đàn áp của chính quyền cũng ngày càng khốc liệt hơn.
Trước ngày chùa Phật Bửu tự trên đường Cao Thắng, Sài Gòn làm lễ rước linh, cầu
siêu cho các phật tử bị giết ở Huế, hòa thượng Đức Nghiệp đang ở chùa Ấn Quang
thì được mời sang gấp chùa Xá Lợi để họp khẩn cấp. Hòa thượng phải đi trên ôtô
kín đáo để tránh tai mắt cảnh sát.
Khi ông đến nơi đã thấy các thầy Tâm Châu, Thiện Hoa
ngồi trầm tư ở phòng khách. Họ nói ngay: “Tình thế Phật giáo lâm nguy lắm rồi.
Nhiều thầy ở Huế đã bị bắt. Lương thực, điện, nước ở một số chùa cũng bị cắt.
Tin chính chính quyền bắn ra là các thầy phải đầu hàng hoặc sẽ bị bắt trục xuất
vĩnh viễn ra nước ngoài. Nếu mình cứ rước linh, tuyệt thực để biểu tình thì
không hiệu quả. Mọi người tính sao?”. Thầy Tâm Châu chợt nói: “Nhớ hôm trước thầy
Thích Quảng Đức có nguyện vọng tự thiêu. Thầy Đức Nghiệp hỏi lại nếu thầy Quảng
Đức vẫn đồng ý thì ngày mai thực hiện cùng cuộc rước linh ở Phật Bửu tự luôn”.
Hòa thượng Đức Nghiệp trả lời: “Con xin nhận lãnh
trách nhiệm quan trọng này. Nếu không có gì trở ngại, con sẽ không gọi điện thoại
để bảo đảm bí mật”. Ngay tối đó, hòa thượng Đức Nghiệp về gấp chùa Ấn Quang gặp
Bồ tát Thích Quảng Đức mới tụng kinh Pháp Hoa xong. Hòa thượng Đức Nghiệp hỏi:
“Thưa, hòa thượng còn giữ ý định tự thiêu như tâm thư đã gửi không?”.
Bồ tát Quảng Đức liền chắp tay trả lời: “Mô Phật! Lúc
nào con cũng xin sẵn sàng tự thiêu để cúng dường tam bảo và sự trường tồn của
Phật giáo”. Hòa thượng Đức Nghiệp ứa nước mắt xúc động, gọi sư tăng bảo vệ cho
Bồ tát Thích Quảng Đức và hỏi: “Thưa, hòa thượng có muốn nhắn nhủ gì nữa không?”.
Bồ tát Quảng Đức trả lời: “Xin được gặp thầy Thiện Hoa để tạ ơn!”.
Hòa thượng Đức Nghiệp dặn dò: “Xin thầy đừng nói thêm
gì về việc tự thiêu nhé!”. “Vâng, tôi sẽ chỉ nói lời tạm biệt để ngày mai đi
xa” - Bồ tát Thích Quảng Đức chắp tay xá Phật, trả lời thanh thản. Ngoài chùa,
bóng đêm vẫn dày đặc trong một thời cuộc đang hồi ngả nghiêng, loạn lạc...
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự