Đặc sắc nhất là chương trình biểu diễn điệu múa “Lục
cúng hoa đăng” do chư tôn đức trong Ban Nghi lễ Giáo hội Phật giáo tỉnh và các
Tăng sinh trường Trung cấp Phật học Thừa Thiên Huế phụ trách biểu diễn vào tối
ngày 7/6/2010 tại sân chùa Từ Đàm. Có rất đông du khách trong nước và quốc tế đến
xem.
Múa Lục cúng hoa đăng là một điệu múa cổ xưa của Phật
giáo do các vị sư Ấn Độ truyền vào Việt
Các điệu múa chồng bình
Điệu múa Lục cúng có nghĩa là điệu múa theo sáu lần
dâng cúng. Tương ứng với mỗi lần cúng là một lễ vật cúng dường: 1. hoa, 2.
hương, 3. đèn, 4. trà, 5. quả, 6. nhạc để cúng dường lên đức Phật. Vì vậy môi
trường diễn xướng của điệu múa “Lục cúng hoa đăng” luôn được trình diễn trong
những hoàn cảnh đặc biệt như lễ an vị Phật, lễ lạc thành chùa hay lễ hội, vía
Phật, nếu có tổ chức các Đại đàn giải oan bạt độ, trai đàn chẩn tế thì điệu múa
này cũng được đem ra trình diễn với ý nghĩa nguyện cầu cho những người đã khuất
giải thoát oan khiên, chúc mọi người còn sống được thái bình, hạnh phúc, an lạc.
Điệu múa “Lục cúng hoa đăng” kết hợp nhịp nhàng giữa rất
nhiều điệu múa, chạy đàn, vấn đàn (các vũ sinh xoắn lại với nhau theo hình hoa
sen) rồi xếp hình theo chữ Hán và theo hình chiếc bình nhiều tầng. Trong điệu
múa “Lục cúng” có nhiều bài tán theo nhiều điệu tán cổ xưa trong kho tàng âm nhạc
Phật giáo như tán trạo, tán rơi, tán sấp và có cả thài, một điệu tán rất cổ xưa
để dâng cúng trong nghi lễ cúng Phật cúng chư Tổ.
Xếp hình chư Thiên
Xếp hình chữ bình
Việc Ban Tổ chức Festival Huế phối hợp với Ban Trị sự
THPG Thừa Thiên Huế tổ chức giới thiệu điệu múa “Lục cúng hoa đăng” trong dịp
Festival Huế 2010 lần này là nhằm giới thiệu nét đặc sắc và đa dạng của văn hóa
nghệ thuật Phật giáo Huế nên đã có sự đầu tư công sức và thời gian dài để tập
luyện rất công phu, giới thiệu gần như nguyên bản điệu múa.
Toàn bộ chương trình được dàn dựng trên nền cổ nhạc Phật
giáo, phân bố thành 3 hồi chính: hồi 1: triệu thỉnh Tiên đồng bái Phật; hồi 2:
hành đàn Song lục và chồng bình dâng phẩm cúng; hồi 3: kết chữ “thiên hạ
thái bình” và tự quy hồi đàn. Đặc biệt lần này là để giới thiệu cho du khách chứ
không phải thuần túy biểu diễn trong các nghi lễ Phật giáo nên giữa các màn biểu
diễn Ban Tổ chức đã linh động cử một vị Tăng đọc lời giới thiệu, thuyết minh điệu
múa để cho kháng giả dễ hiểu khi theo dõi.
Ứng với mỗi phần, ban nhạc cử lên các bài tán cổ tương
ứng. Phần 1 gồm các bài “Hội Phật tiền”, “Nhạn giới”, “Phật diện”, “Ngã kim y
giáo”, “Thuyền duyệt tô đà”; Phần 2 gồm các bài “Nhân duyên”, “Khể thủ”, “Diệu
hoa thiên mẫu”; Phần 3 gồm các bài “Ngã kim y giáo”, “La liệt”, và “Tam tự
quy”.
Theo từng điệu tán ngân nga, du dương, trầm tĩnh, tiếng
kèn tiếng trống, tiếng não bạt đánh liên hồi, các vũ sinh là các vị Tăng
sinh được hóa trang thành các vị Tiên đầu đội mũ Trang kim, mình mặc áo Mã
tiên, chân đeo xà phù xuất hiện kèm theo tiếng hô, ứng rất uy dũng. Các điệu
múa hành đàn (chạy đàn) bái Phật, vấn liên đăng (các vũ sinh kết với nhau theo
hình hoa sen), vấn kết thằng (vũ sinh kết với nhau theo hình sợi giây), vấn
Tứ Châu (kết với nhau tại 4 góc đàn) xen kẻ có rất nhiều điệu múa phức tạp cần
có sự chú tâm cao và nhanh nhẹn phối hợp nhịp nhàng giữa cổ tay, cổ chân, thân
mình trong cùng một điệu múa như “Hội Phật tiền”, “Nhạn giới”, “Hoa khai hoa hạp”...
Các vũ sinh tay cầm đèn hoa sen 2 người cầm não bạt (xập xỏa) khi thì
hành đàn song lục khi thì xếp bình, nâng bình, hạ bình, xã bình theo tư thế nhiều
người xếp lại với nhau thành nhiều tầng (tượng trưng hình chiếc bình cúng Phật).
Điệu múa đã được 30 vũ sinh (là Tăng sinh) biểu diễn rất
thành công trong sự trầm trồ thán phục của công chúng và du khách. Tuy nhiên do
mang tính biểu diễn, giới thiệu nên “môi trường diễn xướng” không là một kỳ đại
lễ của Phật giáo có hương khói quyện tỏa có đèn nến lung linh nên chưa thể hiện
được chức năng nghi lễ đặc thù của điệu múa.
Mặc dầu vậy, việc Ban Tổ chức Festival Huế phối hợp với
Ban Trị sự cùng chư tôn đức trong Ban Nghi lễ Phật giáo Thừa Thiên Huế đưa ra
giới thiệu với công chúng, với du khách trong nước và quốc tế về điệu múa “Lục
cúng hoa đăng” là đã thể hiện được “tầm nhìn” rất có chiều sâu văn hóa, và cần
được duy trì trong các kỳ Festival tiếp theo.
Phải nghiên cứu kết hợp với việc
tổ chức một kỳ Đại lễ cầu “Quốc thái dân an” trong khi diễn ra Festival sẽ để vừa
giới thiệu được nét đặc sắc của văn hóa, âm nhạc nghi lễ Phật giáo Huế vừa đặt
điệu múa Lục cúng hoa đăng về đúng “môi trường diễn xướng” của nó thì sẽ thành
công mỹ mãn hơn.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự