Phật giáo giúp Myanmar trở thành một trong hai quốc gia rộng lượng nhất thế giới

Thứ bảy - 13/12/2014 09:58
Myanmar được xếp hạng là một trong hai quốc gia rộng lượng nhất thế giới trong danh mục 135 quốc gia rộng lượng năm 2014. Theo cuộc khảo sát do Quỹ Hỗ trợ Từ thiện có trụ sở tại Hoa Kỳ thực hiện, Myanmar chia sẻ vị trí dẫn đầu cùng với Hoa Kỳ.
Cúng dường chư Tăng là việc làm thường nhật của người Myanmar
Cúng dường chư Tăng là việc làm thường nhật của người Myanmar

Cuộc khảo sát dựa trên ba tiêu chí, đó là: Đóng góp tiền cho các tổ chức từ thiện, thời gian hoạt động tình nguyện, và giúp đỡ người xa lạ. Trong lời mở đầu bài báo cáo năm nay, Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ Từ thiện, Tiến sĩ John Low, nói: “Các chỉ số cho thấy mức độ cao về sự rộng lượng ở những quốc gia phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn - phản ánh một mô hình của sự bố thí, giúp đỡ tại các quốc gia vừa trải qua xung đột, người ta giúp đỡ người khác vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Và nó cho thấy bản tính của con người là muốn giúp đỡ người khác, ngay cả tại các quốc gia không có bất cứ điều gì giống như mức sống đang có ở phương Tây”.

Theo Jessica Durando của báo USA Today, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất được xếp hạng trong mười quốc gia có số điểm cao nhất trong cả ba tiêu chí, với số điểm tăng từ 61% trong danh mục năm trước lên đến 64% trong danh mục lần này. Còn điểm số cao 91% của Myanmar là từ việc cúng dường mà có được. Báo cáo của Quỹ Hỗ trợ Từ thiện phát biểu rằng, tính rộng lượng của người dân Myanmar - một quốc gia có 500.000 Tăng sĩ - xuất phát từ việc thực tập hạnh bố thí, hiến tặng của người đệ tử Phật, và “vị trí của Myanmar trong bảng xếp hạng cũng cho chúng ta thấy được tầm quan trọng trong sự khác biệt văn hóa của mỗi quốc gia là ở lòng nhiệt thành của người dân quốc gia đó đối với công việc từ thiện.

Phóng viên Esther Htusan của tờ Associated Press viết rằng, Myanmar có đến nửa triệu tu sĩ Phật giáo, chiếm gần 1% dân số của đất nước, và việc cúng dường vật thực, tiền tài đến chư Tăng là một cách để tạo công đức. Chư Tăng, những người dành phần lớn thời gian của họ trong việc thiền định và tụng niệm, làm các việc phước thiện để đáp lại sự tín nhiệm của quần chúng, để giữ cho chu kỳ của sự rộng lượng được tồn tại.

Bài báo cáo cũng ca ngợi người nữ trên toàn thế giới, những người thường kiếm được ít tiền hơn so với nam giới. “Từ năm 2009, phụ nữ đã trở thành người bố thí, hiến tặng nhiều hơn so với nam giới và đã đóng góp nhiều cho các tổ chức từ thiện có quy mô toàn cầu. Điều này bất chấp cả khoảng cách và sự đóng góp kinh tế tồn tại giữa những người nam và nữ trên toàn thế giới. Phản ánh sự khác biệt trên toàn cầu, phụ nữ là những người chắc chắn bố thí, cúng dường ở các nước có thu nhập cao; ở các nước có thu nhập trung bình và thấp thì nam giới thường bố thí, hiến cúng nhiều hơn người nữ”.

Ông Patrick Rooney, Phó Trưởng ban Nghiên cứu và Học thuật tại Trường Đại học Indiana Lilly Family cho rằng, việc ủng hộ từ thiện ở các tiểu bang đã tăng lên đáng kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đấy là một tin tốt lành. Và người dân Hoa Kỳ là những người rất nhân đạo.

Các quốc gia khác thuộc mười quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng, theo thứ tự là: Canada, Ireland, New Zealand, Australia, Malaysia, Anh Quốc, Sri Lanka, Trinidad và Tobago. Thái Lan, một trong ba quốc gia lớn theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy được xếp hạng thứ 21. Theo báo cáo của Quỹ Hỗ trợ Từ thiện, chỉ có 5 trong số các nước G20 nằm trong nhóm 20 quốc gia đứng đầu trong năm nay, và 11 quốc gia được xếp vào nhóm 50 quốc gia đứng đầu; và có 3 quốc gia thậm chí còn nằm ngoài nhóm 100 quốc gia.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây