Từ lúc sở hữu 3 pho tượng, không hiểu sao mọi việc của dị nhân cứ xuôi chèo mát mái. Dù tính tình đầy chất nghệ sĩ, lại chểnh mảng ham chơi, nhưng việc học hành luôn luôn thuận lợi, thành tích tốt, cũng không phải sống kiểu “cơm không đủ no, áo không đủ mặc” của đời sinh viên.
Ra trường, Nguyễn Trí Dũng được nhận về công tác tại một cơ quan lớn ở thủ đô, một công việc đáng mơ ước thời bấy giờ, rồi cứ vù vù thăng tiến. Cho đến ngày dị nhân được cơ quan cử sang Úc tu nghiệp thạc sĩ để khi về được thăng chức, thì mọi việc bắt đầu thay đổi. Đó cũng là lúc ông thấy mình có căn số tu hành như duyên trời đã định.
Hồi sang Úc học, ông đã hơn 40 tuổi. Ở tuổi đó rồi, ông không hiểu sao lại không thể lập gia đình. Với tính tình phóng khoáng và công việc ổn định, ông không thiếu phụ nữ bên mình. Ông yêu mấy cô rồi, thậm chí có cô còn dẫn về nhà ra mắt ấn định ngày cưới, nhưng cuối cùng lại xảy ra hết việc này việc nọ và đổ bể.
Những pho tượng luôn theo sát dị nhân Nguyễn Trí Dũng Lúc nhận tin được cử sang Úc du học tận 3 năm, nghĩ mình chưa vướng bận chuyện gia đình, lại có cơ hội du lịch, khám phá, Nguyễn Trí Dũng đồng ý. Nhìn sang bạn bè mình thấy có những người từng sang Nga, sang Đức, đều tranh thủ đi buôn cả, ông cũng làm theo.
Không biết phải buôn đồ gì, lại nghĩ bên Úc khá đông Việt kiều, dị nhân quyết định buôn... tượng Phật. Trước đó ông bỏ khá nhiều thời gian tìm hiểu về gốc tích 3 pho tượng cũng như Phật giáo, nên vốn hiểu biết cũng kha khá.
Nghĩ là làm, ông đặt mấy tay thợ lành nghề đúc 30 pho tượng La Hán, phỏng theo hình dáng ở chùa Tây Phương, sơn son thếp vàng rất đẹp, rồi tìm cách vận chuyển ra nước ngoài.
Tuy nhiên, chuyến hàng đầu tiên thất bại thảm hại. Dù có mời chào quảng bá ầm ĩ, nhưng suốt cả năm trời bên Úc, Nguyễn Trí Dũng không bán nổi pho tượng nào.
Một buổi chiều lang thang bên bờ sông ở Canberra, dị nhân bất chợt nghe tiếng chuông chùa âm vang ở tu viện Vạn Hạnh, một tu viện lớn của người Việt ở Úc. Tự dưng cảm thấy tâm hồn thanh thản, thư thái, không muốn buôn bán gì nữa, ông mang số tượng La Hán tặng hết cho chùa.
Về tới phòng trọ, đêm ấy Nguyễn Trí Dũng được ngủ 1 giấc sảng khoái. Sáng ra, nhớ lại cuộc nói chuyện với sư trụ trì, thông hiểu Phật pháp, ông bắt đầu cảm thấy mình có mối lương duyên tiền định với nhà Phật.
Được vài hôm, thì cô bạn thân cùng đợt du học rủ ông đến chơi với một pháp sư người Tàu. Vừa nhìn thấy, vị cao tăng đã chỉ vào người đàn ông trung niên mảnh khảnh trước mặt bảo rằng, nghiệp trần sắp hết, ông phải chuyển sang nghiệp tu.
Cao tăng tiếp tục giảng giải Kinh Phật, dị nhân nghe, tự dưng hiểu hết và thuộc làu làu. Về đến phòng trọ ông vẫn kể lại vanh vách. Người bạn đi cùng hết sức ngạc nhiên, vì cô ta đã nghe giảng kinh Phật 3 năm nhưng không thể hiểu, nghĩa là không giác ngộ được.
Ông Nguyễn Trí Dũng: "Tôi có mối lương duyên tiền định với Phật pháp" Cũng từ đó, dị nhân chuyên tâm tìm hiểu về Phật giáo, và bắt đầu kiếp tu hành. Ông kể, cho đến lúc trở về Việt Nam và được bổ nhiệm chức vụ mới tại cơ quan cũ, ông vẫn hàng ngày làm việc, tối đóng cửa ngồi trong phòng tụng kinh, bắt ấn, niệm chú, không màng đến chuyện lập gia đình, thế sự xung quanh, mặc cho người thân lo lắng, bố ông trách mắng hết lời.
Dần dần, dị nhân ngộ ra thêm nhiều điều cao thâm của Phật pháp mà người bình thường không thể hiểu nổi. Ông hiểu mình là người có căn cơ, tu hành theo phái Mật Tông.
“Người hành giả khi tu đến một mức độ nào đó, thì cần phải tìm nơi xa lánh chốn hồng trần. Khác với Thiền Tông là lên chùa, Mật Tông phải tìm vào hang đá. Tất nhiên, nếu chỗ đó có khung cảnh sơn thủy hữu tình thì càng tốt”, dị nhân cho biết.
Những tiêu chuẩn về địa điểm tu hành của người theo Mật Tông gồm: Thứ nhất, hang động không có tiếng vang; Thứ hai, phải có những nhũ đá mà gõ vào kêu vang như chuông; Thứ ba, phải đào được vật lạ trong hang đá; Thứ tư, phải có cây hoặc cỏ rạp xuống một cách tự nhiên, chứng tỏ đã có các bậc thánh nhân ngồi; Thứ năm, trong hang phải có rắn thần; Thứ sáu, thạch thất từng có loài ấu trùng to lớn hoặc mãnh thú ở.
Chỉ cần hang động đáp ứng một trong 6 tiêu chí đó, người hành giả có thể chọn làm chốn tu hành.
Cuối năm 2006, Nguyễn Trí Dũng lên đường tìm kiếm. Khu vực Hà Nam, Ninh Bình toàn là núi đá vôi, rất dễ có hang động. Tuy nhiên, trải qua 3 tháng trời cùng mấy chuyến đi ròng rã, dị nhân trở về công cốc, vì nếu có tìm thấy hang động cũng không thể nào có được những tiêu chuẩn như trên.
Nghe đồn ngoài vịnh Hạ Long có hang động khá đẹp, trên một hòn đảo hoang ít người qua lại, dị nhân ngay tức khắc xin nghỉ phép cả tuần lễ, rồi một mình mượn thuyền chèo ra ngoài vịnh tìm cho bằng được hòn đảo ấy. Nhưng rồi, ông lại thất bại.
Giữa năm 2007, trong lần đi công tác ở Hòa Bình, một người bạn đã dẫn ông vào thăm hang đá cạnh lòng hồ thủy điện Hòa Binh. Vào hang, ngay tức khắc dị nhân ưng ý.
Hang động nằm lưng chừng quả núi cao chất ngất. Hai bên là hai dãy núi uốn lượn tựa hình Thanh Long, Bạch Hổ đang phủ phục, thoai thoải hướng về dòng sông Đà.
Dị nhân tin rằng, hang động kỳ lạ ở Hòa Bình là dành cho nghiệp tu hành của mình. Lúc đầu hang động chỉ đáp ứng được mấy tiêu chí ban đầu, nhưng mấy tháng sau quay lại thuê thợ đào bới, dị nhân bỗng phát hiện bên trong hang tự nhiên xuất hiện 2 cây xanh nhỏ, đổ rạp xuống từ trước, hướng ra cửa động, đồng thời, một con rắn xanh phóng vút qua trước mặt.
Đào được một lúc, tốp thợ xôn xao khi phát lộ một “con cóc trắng”. Ông vào xem thì biết rằng đó là con nghê tự nhiên bằng đá, gần giống như thật.
Là người khá am hiểu về phong thủy, Nguyễn Trí Dũng biết rằng, hang động này là dành cho mình, do duyên trời sắp đặt sẵn, đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí mà phái Mật Tông đã đặt ra.
Con nghê nhũ đá giống như thật mà vị ẩn sĩ đã tìm thấy trong hang động Dị nhân bỏ tiền mua khu đất, chính thức ở ẩn, mặc mọi lời can gián. Suốt 4 năm ròng rã, từ 2008 cho đến 2012, ông tự bỏ công sức cải tạo chốn tu hành của mình thành một khuôn viên trang nhã, thanh bình.
Ông trồng đầy đủ các loại hoa, vui thú với cảnh non nước, cầu kinh niệm Phật. Từ những ngày đông gió rét cho đến những ngày hè nóng nực, những đêm mưa rừng không ngớt, một mình ông ở đó.
Từ lúc tu hành trong hang đá, ngày 3 lần ông tụng kinh gõ mõ, rảnh rỗi thì trồng hoa, tưới rau. Sáng lắng nghe chim hót, tối vào hang niệm chú, bắt ấn, dị nhân cảm thấy lòng mình luôn nhẹ nhàng, thoát tục, đã xa lánh được chốn hồng trần.
“Muốn cứu người chết đuối trước tiên mình phải tập bơi đã. Tôi sẽ tiếp tục tu hành, cho đến lúc nào cảm thấy kiếp hạnh đã đủ, duyên số đã mãn, tôi sẽ quay trở lại khuyên giải, phổ độ, cứu giúp cho mọi người”, vị thạc sĩ lánh đời tâm sự.