Qua một người bạn và sau mấy lần tiếp xúc với nhóm thợ rừng ở Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, tôi được họ gật đầu cho theo một chuyến đi “săn” đặc sản rừng.
Sau khi đã khăn gói quả mướp, nai nịt gọn gàng, chúng tôi xuất phát. Điểm đến trong chuyến này là những cánh rừng trong chiến khu D.
Hùng, trưởng nhóm thợ rừng, dặn tôi: “Nếu gặp mấy anh bảo vệ rừng, họ hỏi thì nói đi hái măng, hái nấm nha. Cho nên, tốt nhất đừng để họ để ý. Mà cây thuốc cũng bị cấm luôn rồi”.
Cận cảnh đoạn huyết đằng. Quá trưa, chúng tôi đã vào khá sâu trong rừng. Trong lúc tôi đang vừa lau mồ hôi nhễ nhại, vừa vất vả vạch cây, rẽ lối, bám theo nhóm thợ đi nhanh như những con dúi trong rừng thì bất chợt họ dừng lại, ngắm nghía đám dây leo to cỡ cổ tay, loằng ngoằng trước mặt.
Giây lát sau, một người trong số họ bất ngờ vung con dao đi rừng bén ngót phạt ngang thân dây. Tức thì, một dòng nhựa đỏ như máu ứa ra. Cả nhóm cùng reo lên mừng rỡ: “Đúng nó rồi” và lập tức chặt hết cụm dây leo xuống, cắt thành từng đoạn dài 50 cm, dùng một miếng ni lông mỏng bịt chặt các đầu thân dây đang “ứa máu” lại.
Thấy tôi tròn mắt nhìn, Hùng cười, cắt nghĩa một tràng về những khúc cây họ vừa chặt khiến tôi nghe muốn ù tai: “Đây là dây bổ máu, có thể chữa khỏi các loại ung thư. Người không bệnh gì cũng có thể dùng, vì nó có tác dụng làm sạch máu, giúp máu lưu thông tốt.
Từ đó ngăn ngừa tai biến, thiếu máu não, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Vì quý vậy nên giờ hiếm lắm, hên lắm mới gặp đó”.
Tôi tiếp tục thắc mắc: “Sao phải bịt đầu cây lại?”. Hùng giải thích tiếp: “Không bịt lại để một ngày là “máu” nó chảy hết, lái họ không mua”.
Hùng cho biết, chỉ cần a lô cho thương lái là họ đến tận nơi mua với giá từ 1,5-2 triệu đồng/kg. Còn nếu ai có mối ở TP HCM, mang xuống tận nơi bán thì mỗi ký có thể bán 4-5 triệu đồng.
Chặt xong những cây máu người, ước khoảng hơn chục ký, nhóm thợ bó lại từng bó nhỏ, giấu kỹ trong những bụi rậm. Hùng bảo, lúc quay về mới mang ra, vừa đỡ mệt vừa phòng khi gặp bảo vệ rừng thì không bị tịch thu.
Sau chuyến đi trở về, tôi tìm gặp Đông y sỹ Tuệ Lâm để tìm hiểu thực hư về sự “kỳ diệu” của cây bổ máu này. Tuệ Lâm cho biết: “Cây bổ máu còn có nhiều tên gọi khác như dây bổ máu, cây máu người, huyết rồng, huyết đằng, đại hoằng đằng, hoạt huyết đằng, đại huyết đằng…
Trong "Từ điển cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", GS Đỗ Tất Lợi chép rằng: Cây bổ máu thuộc họ huyết đằng, là loại dây leo thân dài đến 10m, có vỏ ngoài màu hơi nâu. Sở dĩ có tên gọi máu người vì có nhựa đỏ như máu. Ngoài ra, còn một loại cây khác cũng có nhựa màu đỏ như máu là kê huyết đằng.
Leo trèo gỡ huyết đằng bám ở thân cây gỗ. Theo y văn, cây bổ máu được dùng từ hơn 1.000 năm trước. Huyết đằng có vị đắng, tính bình, có khả năng khu phong, thông kinh lạc, đau bụng giun, dùng dưới dạng thuốc sắc. Còn kê huyết đằng có vị đắng tính ôn, có tác dụng chữa kinh nguyệt không đều, sắc uống hoặc ngâm rượu...”.
Cuối cùng, Tuệ Lâm kết luận: “Những cây thuốc thuộc họ huyết đằng là vị thuốc bổ, nhưng phạm vi sử dụng có giới hạn, không có cơ sở gì để khẳng định dùng để chữa ung thư cả. Tôi đã chứng kiến mấy trường hợp bị ung thư máu, ung thư phổi dùng dây huyết đằng để chữa, nhưng cuối cùng vẫn không qua khỏi”.
Mua bao nhiêu cũng có
Theo giới thiệu của Tuệ Lâm, tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Long, 50 tuổi, ở TP Biên Hòa, Đồng Nai, người có vợ bị ung thư máu và mất cách đây vài tháng.
Gặp tôi, ông Long trầm ngâm cho biết, sau khi phát hiện ung thư, vợ ông đã đến điều trị tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học cả 2 năm trời, tốn tiền tỷ mà không hết.
Đang cảm thấy bất lực trước bệnh tình của vợ thì có người chỉ cho vợ chồng ông bài thuốc độc vị từ cây máu người. Họ bảo đây là bài thuốc gia truyền của người S’Tiêng từ hàng trăm năm nay.
Nhóm thợ rừng thu hoạch huyết đằng. Ông nghe lời, tìm mua cây bổ máu với giá 4 triệu đồng ký, uống ròng rã cả năm trời, tốn cả mấy trăm triệu, cuối cùng, vợ ông vẫn không qua khỏi.
“Thực lòng, lúc đó tôi quẫn quá nên ai chỉ gì làm nấy. Giờ bình tâm nghĩ lại mới hiểu, khoa học hiện đại như thế, chẳng lẽ có một cây thuốc có khả năng chữa hết ung thư mà người ta không biết?
Và nếu y học hiện đại không chữa hết thì chẳng cây thần dược tiên dược nào chữa nổi. Ai hết bệnh chẳng qua do may mắn, do một duyên cớ khác chứ không thể từ cây thảo dược này”, ông Long khẳng định chắc nịch.
Trong vai người cần mua thảo dược quý cho người thân bị ung thư dùng, tôi tìm đến nhà thuốc Đông y H.S.Đ trên phố thuốc Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP Hồ Chí Minh.
Tại đây, sau khi biết tôi cần gì, cô nhân viên nhà thuốc đon đả: “Chú đến đúng địa chỉ rồi, nhà thuốc này chuyên cung cấp sỉ tất cả các mặt hàng Đông - Nam dược. Từ loại lá uống cho mát gan đến loại đặc trị bệnh nan y, cái gì cũng có”.
Tôi hỏi: “Có huyết đằng tươi không, giá bao nhiêu một ký?”, cô nhân viên giở sổ ra rồi đáp: “Dạ, có mấy loại lận chú, chú muốn mua loại tốt hay loại thường?”. Cô nhân viên cho biết, loại tốt nhất giá 4,5 triệu đồng/kg, loại thường giá chỉ 1,5 triệu đồng.
Tôi ngạc nhiên: “Ủa, cây thuốc tươi cũng có nhiều loại sao?”. Cô gái giải thích: “Tại vì cây này nó mọc ở nhiều nơi, mỗi nơi có thổ nhưỡng, điều kiện sinh trưởng khác nhau, nên chất lượng khác nhau”.
Tôi hỏi tiếp: “Vậy sao chú biết loại nào tốt?”. Cô cười: “Chỉ có tụi cháu mới phân biệt được thôi chú. Nhưng ở đây bán thuốc cứu người, nên phải đặt đạo đức lên hàng đầu chứ chú. Nhà thuốc này có cả mấy chục năm nay, nhiều người đã khỏi bệnh ung thư khi kiên trì lấy thuốc điều trị ở đây đó chú”.
Rời nhà thuốc nọ, tôi tiếp tục đến các tiệm khác, nơi đâu cũng có sẵn cây huyết đằng. Chỉ có điều, giá mỗi nơi mỗi khác.
Trả lời câu hỏi: “Nếu huyết đằng hiếm như thế thì ở đâu ra mà phố thuốc quận 5 bán rất nhiều vậy?”, Tuệ Lâm nói: "Chủ yếu từ Trung Quốc mang sang. Nhưng trước khi về đây, nó đã bị rút hết tinh chất, rồi tẩm hóa chất chống ẩm mốc. Bên cạnh đó, có nhiều loại cây thuốc dưới dạng dây leo, khi thái lát phơi khô, nhìn chẳng khác gì huyết đằng, người không có chuyên môn, không thể phân biệt".
“Xưa nay, các tộc người thiểu số vẫn có những bài thuốc bổ máu, hành huyết, hoạt huyết dùng cho sản phụ sau sinh, cây máu người cũng là một trong số đó. Nhưng mỗi tộc người có bài thuốc riêng về liều lượng, phối với các vị thuốc khác căn cứ vào cơ địa, tình trạng sức khỏe của người dùng. Không có chuyện đã là cây thuốc bổ thì ai dùng cũng được, dùng bao nhiêu cũng được. Càng không có chuyện có thể chữa hết ung thư chỉ bằng bài thuốc độc vị”, lương y Nguyễn Trọng Bá (Biên Hòa, Đồng Nai).