Cần phải hiểu đúng thiện, ác
Theo đạo Phật, ác có nghĩa là hành động, lời nói hay ý nghĩ xấu thường gây tai họa, đau khổ cho chính mình hay cho người khác hoặc cho cả hai.
Còn thiện là hành động, lời nói hay ý nghĩ tốt, thường đem lại an vui, hạnh phúc cho chính mình, cho người khác hoặc cho cả hai. Khiến người thương mến, thích thân cận, có tác dụng tốt, đem đến kết quả mong đợi.
Như vậy, đây là hai hành vi đối lập. Thiện là những gì nên làm và đem lại lợi ích chính đáng. Ác là những gì không nên làm và phải tránh, nếu làm là đem lại đau khổ.
Thiện là cửa ngõ của sự an lạc và hạnh phúc
Trong Phật giáo được xác định rõ qua giáo lý nghiệp báo, trong đó căn bản có mười thiện nghiệp và mười bất thiện nghiệp, được chia làm ba phần theo thân, miệng, và ý.
Phạm vào những điều căn bản trên thì gọi là bất thiện (xấu, ác - PV). Trái lại, nếu không phạm mười điều trên và nỗ lực phóng sinh, bố thí, tịnh hạnh, nói lời chân thật, ái ngữ, hòa hợp, từ ái, và tu tập các thiện pháp... được gọi là thiện nghiệp.
Tuy nhiên có sự khác nhau trong các quan niệm về thiện ác, bởi trên thế giới có nhiều tôn giáo hình thành từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Do vậy quan niệm về thiện ác cũng có những điều khác nhau.
Bên cạnh đó, theo tài liệu về Phật giáo thì thiện, ác có những loại khác nhau. Bao gồm: Hữu lậu ác là những hành động độc ác khiến loài người bị đọa trong sự luân hồi sinh tử.
Thứ nữa là hữu lậu thiện. Đó là làm những điều lành, có thể làm cho người và mình hưởng những quả báo lành. Cuối cùng là vô lậu thiện, tức làm những việc thiện mà không có ngã chấp, không cầu mong quả báo.
Ranh giới giữa thiện và ác là…mỏng manh
Phật giáo quan niệm: “Những gì hợp lý và lợi lạc cho người và cho mình trong hiện tại và tương lai là thiện, trái lại là ác. Tuy nhiên ranh giới giữa thiện và ác nhiều khi không rõ rệt, có thể dễ bị hiểu lầm”
Theo Tỳ kheo Thích Chân Tuệ (Phật học Tịnh Quang – Canada) nhận định: “Muốn xét thiện hay ác, còn phải xét xem tâm con người muốn gì? Khi hành động, nói năng hay suy nghĩ với mục đích gì? Người ngoài cuộc phê bình, phán xét đôi khi không chính xác nên thận trọng”
Nhưng chúng ta cần thận trọng những gì? Trên thực tế, có rất nhiều người đi làm từ thiện, bằng hình thức ủng hộ tịnh tài (tiền – PV) hoặc tịnh vật (của cải – PV). Song nếu làm ơn giúp người thường được xem là việc thiện nhưng giúp người làm chuyện gian dối, phi pháp thì nên xem là việc ác.
Ví dụ hiện nay có nhiều Phật tử phát tâm cúng dàng ấn tống kinh sách hay băng giảng…đây là một việc đáng để tán thán. Nhưng nếu mình chưa biết rõ nội dung, chưa biết chắc là chính pháp hay tà pháp mà đã ấn tống thì đó không phải là thiện mà đang gây oán hoặc tạo ác.
Hay có nhiều người đến chùa làm công quả. Đây là việc thiện, việc phước nhưng nếu trong lòng khởi vọng tâm, khởi tâm sân hoặc khởi tâm kiêu mạn thì việc chấp tác ở chùa từ thiện biến thành ác.
“Chúng ta khi tu hành cần quan tâm thiện ác, để cho những lời nói và ý nghĩ của mình không làm tổn hại, gây đau khổ cho người khác vì tham, sân, si. Nếu có người khác nhắc nhở sự sai sót là việc thiện giúp mình tốt hơn, mình lại nổi sân thì nên xem là việc bất thiện” – Tỳ kheo Thích Chân Tuệ cho hay.
Theo đó, khi tu theo đạo Phật chúng ta không nên khởi vọng tâm, không nên khởi vọng niệm, không mong cầu được điều này, đắc điều kia. Ngoài ra không van xin khấn vái mà phải nên hiểu sâu luật nhân quả, khai mở trí tuệ, hiểu suốt thiện ác.
Nghĩa là, khi mình gieo nhân bỏ điều ác, làm việc thiện, tức là chúng ta có đủ phước báu thiện lành. Chỉ cần khai mở trí tuệ giác ngộ, đạt bản tâm thanh tịnh thì hưởng quả giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Đó là mục đích chính của đạo Phật.
“Là người con Phật, ai cũng hiểu đạo Phật không chủ trương lấy thiện diệt ác. Đạo Phật chủ trương chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện; chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh; chuyển hóa kẻ hung ác thành người lương thiện”- Tỳ kheo Thích Chân Tuệ khẳng định.
Nguồn tin: kienthuc.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự