Số tiền 150 triệu USD này sẽ được tỷ phú Bill Gates tài trợ cho Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, để giúp phát triển loại vắc xin với chi phí tối đa chỉ 3 USD, giúp người dân tại các quốc gia nghèo đều có thể tiếp cận được.
Quỹ từ thiện của Bill Gates cũng sẽ hợp tác với Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (Gavi) để phân phối số vắc xin phòng Covid-19 giá rẻ này khi chúng được hoàn thiện. Dự kiến 92 quốc gia với mức thu nhập bình quân trên đầu người thấp nhất thế giới sẽ nhận được vắc xin Covid-19 do Bill Gates tài trợ.
Ngay từ đầu đại dịch COVID-19, tỷ phú Bill Gates cũng đã nói chuyện nhiều về vắc-xin, ông thậm chí muốn vận động hàng tỷ USD để xây dựng 7 nhà máy cho các ứng viên vắc-xin tiềm năng nhất.
Song song với việc thúc đẩy quá trình sản xuất vắc-xin diễn ra nhanh hơn, Bill Gates cũng có một nỗi lo lắng khác: "Khi vắc-xin được sản xuất ra, liệu nó có đến được tay của những người nghèo hay không? Liệu cái giá của vắc-xin COVID-19 sẽ là một rào cản khiến những người nghèo không thể tiếp cận được nó?".
"Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo đại dịch có thể chấm dứt không chỉ ở các nước giàu", tỷ phú Bill Gates nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, nhấn mạnh rằng ông đang tập trung vào các loại vắc-xin có giá cả phải chăng nhắm đến việc phân phối chúng ở các nước đang phát triển. Rõ ràng, vắc-xin giá rẻ là một bài toán mà chúng ta cần phải giải nếu muốn chấm dứt đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới.
Tỷ phú Bill Gates hiện là người có đóng góp nhiều nhất cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 trên toàn cầu. Hồi tháng 2 vừa qua, thông qua quỹ từ thiện mang tên mình, Bill Gates đã hỗ trợ 350 triệu USD cho các hoạt động phòng chống dịch trên toàn cầu.
Đồng thời tỷ phú Bill Gates cũng là một trong những nhà tài trợ hàng đầu thế giới vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng bệnh. Trong hai thập kỷ qua, Bill Gates đã tài trợ hơn 4 tỷ USD cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển vắc xin trên toàn cầu. Vào tháng 6 vừa qua, Bill Gates cũng cam kết sẽ tài trợ thêm cho Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (Gavi) 1,6 tỷ USD để phát triển các loại vắc xin trong vòng 5 năm tới.