Nguyện ước được hiến tạng của thầy giáo viết 'cuộc đời' bằng miệng

Thứ ba - 04/08/2020 15:36
Bị tật nguyền cả chân và tay từ nhỏ, thầy giáo Phùng Văn Trường đã quyết tâm luyện chữ bằng miệng, kiên trì viết nên cuộc đời mình.
Nhiều năm liền, anh Trường được công nhận là tấm gương “Người tốt, việc tốt” ở huyện Chương Mỹ.
Nhiều năm liền, anh Trường được công nhận là tấm gương “Người tốt, việc tốt” ở huyện Chương Mỹ.

Chưa dừng lại ở đó, hơn 10 năm qua thầy Trường còn thầm lặng mở lớp dạy học miễn phí, thành lập tủ sách cộng đồng, mang ánh sáng tri thức cho những trẻ em nghèo.

Thầy giáo Phùng Văn Trường với hành trình viết
Thầy giáo Phùng Văn Trường với hành trình viết "cuộc đời" bằng miệng. Ảnh: Lan Nhi.

Hành trình viết "cuộc đời" bằng miệng

Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em, học hết lớp 8 thì anh Phùng Văn Trường (sinh năm 1979, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) phải nghỉ học vì hai tay co cứng không thể cầm được cây bút. Không những vậy, đôi chân anh cũng không thể cất bước dù đã có nạng gỗ.

Chuyện học hành của anh Trường cũng từ đó mà lỡ dở, cuộc sống của anh gắn liền với chiếc xe lăn. Mọi giấc mơ của chàng trai trẻ đang rực sáng bỗng lịm tắt nhanh chóng khiến nhiều người không khỏi thương xót.

Căn nhà nhỏ của thầy Trường là nơi học tập lí tưởng của trẻ em nghèo ở thôn Nhân Lý.
Căn nhà nhỏ của thầy Trường là nơi học tập lí tưởng của trẻ em nghèo ở thôn Nhân Lý.

Anh Phùng Văn Trường tâm sự: “Đừng gọi tôi là thầy, lớp học của tôi mở ra chỉ là để dạy hay đúng hơn là trông coi bọn trẻ trong xóm để chúng bớt ham chơi, bớt dãi nắng những buổi trưa hè thôi.

Không được đến trường học tập như bao bạn bè khác, tôi đã cố gắng bù đắp kiến thức bằng cách tìm hiểu cuộc sống qua những trang sách nhờ bạn bè mua hộ. Không thể cầm bút bằng tay, tôi học viết bằng miệng và tự viết nên những dòng chữ cuộc đời”.



Nét chữ viết bằng miệng của anh Trường khiến người xem phải thán phục.
Nét chữ viết bằng miệng của anh Trường khiến người xem phải thán phục.

Theo chia sẻ của anh Trường, hành trình tập viết bằng miệng của anh gặp muôn vàn khó khăn nhưng chưa bao giờ anh có ý định bỏ cuộc. Tay không thể cầm bút, bàn chân cũng bị liệt, anh dùng miệng của mình để luyện chữ. Nhiều hôm bút đâm thẳng vào họng gây buồn nôn, thậm chí chảy cả máu. Đến với nghề dạy như một cái duyên, mọi người ở đây tôn trọng nên gọi anh là thầy.

Chính vì thế, hơn mười năm nay, căn nhà nhỏ của anh Phùng Văn Trường đã trở thành không gian học “trong mơ” của nhiều em nhỏ ở vùng quê nghèo trong huyện Chương Mỹ. Không gian học tập tuy không rộng, bàn ghế không nhiều, điều kiện ánh sáng không đủ nhưng chưa bao giờ vắng bóng tiếng ê a của lũ trẻ học bài.

Đều đặn mỗi ngày sau giờ tan trường, những đứa trẻ lại ríu rít cắp sách đến nhà của người thầy có biệt tài viết chữ đẹp bằng miệng, say sưa bên những trang vở, đánh vật với từng con chữ.



Lớp học đơn sơ cho trẻ em nghèo của anh Trường.
Lớp học đơn sơ cho trẻ em nghèo của anh Trường.

Cho đi là còn mãi

Để có phương pháp học hiệu quả và hợp lý, ngoài thời gian giảng dạy, anh Trường còn tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo, tivi. Anh Trường đánh giá đúng lực học của từng em để có cách dạy sao cho phù hợp.

Dạy thôi chưa đủ, anh Trường còn thường xuyên động viên, khuyến khích các em nhỏ và yêu mến chúng thực sự bằng cả tấm lòng. Bởi theo anh, thứ quý giá nhất mà con người có được đó là tình thương, cần đánh thức “hạt giống” tốt đẹp đó, giúp cho chúng nảy mầm và ngày càng phát triển.



Thư viện của anh Trường giúp các em nhỏ vùng nông thôn có cơ hội được tiếp cận vốn tri thức nhân loại.
Thư viện của anh Trường giúp các em nhỏ vùng nông thôn có cơ hội được tiếp cận vốn tri thức nhân loại.

Gần đây, sức khỏe của anh Trường ngày một yếu dần, anh không thể tự lên xuống xe lăn, dạy học đều đặn như trước được nữa. Do vậy, ước nguyện cuối cùng của anh là được hiến tạng thân xác cho y học.

Anh biết rằng mình không thể ở lại mãi mãi, nhưng anh muốn trái tim mình vẫn đập, phổi vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng ngời và dõi theo cuộc sống này.

Với 40 năm cuộc đời, anh Phùng Văn Trường đã vượt qua biết bao khó khăn, nghiệt ngã để viết nên những dòng chữ lấp lánh. Còn về cuộc đời, anh chỉ có ước muốn được hiến tạng thân xác cho y học để mang lại những kỳ tích và hi vọng cho những bệnh nhân khác.

Theo: Báo Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây