Sự nhân hậu của người đàn ông 'lái xe cấp cứu miễn phí'

Thứ năm - 30/07/2020 02:35
Chú Minh tâm sự: làm cái nghề nhân đạo nầy đâu có lương bỗng, tiền nong gì đâu; đa phần mình phải bỏ tiền túi để lo cơm nước bản thân trên đường chuyển bệnh. Thôi thì làm phước thì gặp phước thôi.
Chú Lê Thanh Minh trong một lần chuyển viện miễn phí.
Chú Lê Thanh Minh trong một lần chuyển viện miễn phí.

Trên chuyến đò ngang vượt qua sông Hậu từ huyện Châu Thành hướng về xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), chúng tôi có dịp tiếp cận một người lái xe cấp cứu hoàn toàn miễn phí với nét mặt trầm buồn, khắc khổ, luôn hằn lên sự lo âu những có phần độ lượng, đó là chú Lê Thanh Minh, 62 tuổi, người đã có trên 10 năm làm chuyện nghĩa nhân phía sau chiếc tay lái của những chuyến xe cấp cứu miễn phí của xã Mỹ Hội Đông.

Tận tụy hy sinh vì sự sống của mọi người

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm việc nghĩa, ngay từ tấm bé chú Minh đã theo cha mẹ đi làm việc thiện ở các địa phương. Khi thì đi tìm cây thuốc nam để làm dược liệu cung cấp cho các phòng khám bệnh miễn phí; khi thì tham gia cất nhà tình thương cho hộ nghèo; lúc thì đi bắc cầu, bồi lộ để người dân đi lại dễ dàng hơn hay tham gia vào các tổ cấp cháo, nước sôi, cơm miễn phí tại các bệnh viện…công việc nào chú cũng tham gia rất nhiệt tình với trách nhiệm rất cao.

Ông Dương Ngọc Thạch, người dân xã Mỹ Hội Đông kể lại: “Nhà anh nầy có khá giả gì đâu nhưng khi có ai khó khăn thì anh tới giúp đỡ tận tình lắm. Hơn 10 năm nay, anh lại đảm nhiệm lái xe từ thiện cấp cứu bệnh nhân miễn phí tại đây. Nhiều người đã thoát khỏi lưỡi hái thần chết chỉ trong gang tấc cũng nhờ có anh Minh chuyển tới bệnh viện rất kịp thời. Vậy mà khi gia đình bệnh nhân nào có ý định gởi it tiền biếu xén tạm gọi là đền ơn thì anh từ chối ngay với lời nói: chuyện nhỏ, không có gì phải bận tâm, còn chuyện đền ơn thì xin chào thua”.

Riêng chú Minh tâm sự rất thật lòng: “Hồi mới tham gia lái xe từ thiện, vợ tôi cùng mấy đứa nhỏ cũng can ngăn nhiều lắm, ai đời lại ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng như tôi. Tuy nhiên tôi đã thuyết phục thành công sự đồng thuận của gia đình, bây giờ thì “êm re”, vợ con ủng hộ hoàn toàn rồi, việc nghĩa mà, ai lại đi từ chối, ngược lại mình phải giúp đỡ mọi người xung quanh trong khả năng của mình”.

Buồn, vui đời lái xe từ thiện

Nhắc về khoảng thời gian ngồi sau tay lái để cứu giúp nhiều bệnh nhân trong cơn thập tử nhất sinh, chú Minh nói:  "Vui nhất là những khi mình hoàn tốt nhiệm vụ, cứu sống bệnh nhân trong gang tấc, nhiều trường hợp chỉ chậm vài phút nữa thôi là vô phương cứu chữa. Nhiều người sau đó đã đến tận nhà xin “bồi dưỡng” nhưng chú kiên quyết chối từ với lời nói rất khiêm tốn, nhỏ nhẹ làm nhiều người rất cảm kích và xúc động."

Bà Trần Thị Hoa, ngụ ấp Mỹ Thuận xúc động kể lại: “Năm trước con gái tôi bỗng chuyển dạ bất thường dù chưa tới ngày sinh nở. Đang bối rối thì có người hàng xóm sang trợ giúp và gọi điện cho chú Minh. Dù đã 1 giờ khuya trời mưa rất to, sóng gió trên sông rất dữ dội nhưng chỉ 10 phút sau, chiếc xe cấp cứu do chú Minh cầm lái đã có mặt và con gái tôi được chuyển đến bệnh viện Phụ Sản TP Cần Thơ rất kịp thời. Tại đây bác sỹ cho biết: "Chỉ chậm khoãng 10 phút là con tôi sẽ tử vong. Gia đình tôi nhớ ơn chú Minh nhiều lắm”.

Người bạn đường nhân ái với chú Lê Thanh Minh.
Người bạn đường nhân ái với chú Lê Thanh Minh.

Chú Minh tâm sự: làm cái nghề nhân đạo nầy đâu có lương bỗng, tiền nong gì đâu; đa phần mình phải bỏ tiền túi để lo cơm nước bản thân trên đường chuyển bệnh. Thôi thì làm phước thì gặp phước thôi. Có những ngày chú đã phải 5 lần vận chuyển người bệnh đến bệnh viện các tuyến. Đó là chưa kể những ngày lễ, tết chú vẫn phải trực chiến 24/24 và chiếc xe nhân ái vẫn lăn bánh khi có người bệnh cần cấp cứu.

Tuy vậy trong suốt quá trình hành thiện, chú Minh đã chứng kiến khá nhiều chuyện buồn ngoài ý muốn như: nhiều bệnh nhân đã không qua khỏi do bệnh quá nặng hay diễn biến bất thường. Đã vậy nhiều gia đình nạn nhân còn có những thái độ, lời nói, cái nhìn khiếm nhã, thiếu thiện ý hoặc vô ơn.

Chú Minh nói thêm: “Thôi thì ai nói cứ nói, mình làm cứ làm. Mình cứ toàn tâm, toàn ý cứu giúp người khác là đã nghe lòng thư thái lắm rồi”.

Khi chúng tôi hỏi về số lần chuyển viện miễn phí thì chú Minh chỉ cười trừ với lời nói rất nhân văn: nhiều, nhiều lắm, có hàng trăm trường hợp. Mà nhớ làm gì, ghi chép làm chi cho lu bu. Quan trọng là phải tranh thủ giành giật mạng sống bệnh nhân từng phút, từng giây. Chuyện tôi làm quá đơn giản, không có gì đáng nói.

Nguồn tin: www.phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây