Chuyện phế tích trở thành di tích ở Nỏ Bạn

Thứ ba - 21/07/2020 04:38
Hồi trước, Lăng đá Quận Vân thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội chỉ là một bãi đá trơ trọi giữa cánh đồng, cỏ hoang mọc um tùm, thậm chí trẻ con trong làng chẳng mấy đứa dám lại gần vì sợ…. có ma!
Cụ Tuân đã có trên 20 năm làm quản lăng không lương ở Lăng đá Quận Vân
Cụ Tuân đã có trên 20 năm làm quản lăng không lương ở Lăng đá Quận Vân
Cụ Trương Văn Tuân năm nay đã 91 tuổi, người từng "lọ mọ" ở Lăng đá Quận Vân hơn hai chục năm, kể cho tôi nghe về thăng trầm của người được thờ trong lăng cũng như chính lăng đá. Lăng đá Quận Vân thờ Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm, một vị quan lớn thời chúa Trịnh Cương, Trịnh Giang nhà Lê Trung Hưng. Làm chức quan to nên bị nhiều gian thần ghen ghét, gièm pha có ý làm phản rồi bị đày ra Quảng Ninh, mất tại đây năm 1733.

Trước đó, Quận công đã cho người xây dựng khu lăng đá để sau khi mất về đây yên nghỉ, hai năm sau lăng đá hoàn thành, còn hài cốt của Quận công có được đưa về đây hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Kể chuyện làng: Chuyện phế tích trở thành di tích ở Nỏ Bạn - Ảnh 2.
Cụ Tuân là người trồng các cây lớn trong lăng và dọn cỏ hằng ngày.

Năm 1914, đê Xâm Thụy vỡ, nước sông Hồng ồ ạt tràn vào làm ngập lụt cả làng. Khi nước rút đi, lớp phù sa dày đặc đã làm thay đổi hoàn toàn cảnh quan của làng Nỏ Bạn, người ta không còn xác định được vị trí lăng đá hoặc cho rằng các khối đá đã bị lũ cuốn đi mất. Rồi đói nghèo, chiến tranh, loạn lạc, không còn mấy ai nhớ đến trên ngôi làng của mình có một lăng đá thờ một vị Quận công nữa. Mãi đến năm 1986, dân làng thuê máy xúc để xúc đất lên trồng ngô thì mới "đụng" phải các khối đá to sừng sững. Đào đất gần 2m, dân làng phát hiện lại Lăng đá Quận Vân với gần 30 khối đá lớn gồm đôi tượng chiến binh, đôi voi phục, đôi ngựa chầu, các hương án, đôi nghê, sàng đá, nhà bia và nhà mộ.

Hầu hết người ta sợ lại gần vì cho rằng có ma. Câu chuyện lại được thêu dệt lên khi vào thời điểm đó có một cô gái tâm thần bỏ nhà đi, cứ đêm đến lại ra lăng kêu rú, trẻ con trong làng kinh hãi chẳng dám đi chơi đâu ban đêm qua lăng mộ. Sau một thời gian thì cô gái bỏ đi, không còn tiếng gầm rú, rên rỉ phát ra từ lăng nữa, nhưng vẫn còn nguyên đó sự sợ hãi của lũ trẻ và những câu chuyện đồn thổi.

Kể chuyện làng: Chuyện phế tích trở thành di tích ở Nỏ Bạn - Ảnh 3.
Cụ Tuân còn nắm rất rõ về lịch sử, kiến trúc của lăng đá và giới thiệu cho du khách đến thăm quan.

Cụ Tuân kể tiếp cho tôi nghe rằng, vốn Quận công là người làng Vân La, con cháu chính dòng không có, vì vậy mà hầu như không có ai đến dâng hương, dọn cỏ. Mãi về sau thì dòng họ Đỗ ở Vân La mới thường xuyên sang hương khói hơn. Vì nghe câu chuyện bị oan của Quận công mà người làng càng sợ, sợ lại gần bị bắt trả oan hoặc bắt đi kêu oan thay. Chính quyền thôn cũng im bặt cho dù Lăng đá Quận Vân đươc công nhận là di tích cấp tỉnh (Hà Tây cũ) năm 1988. Mấy người già "nhàn rỗi" trong làng bỏ qua dị nghị, tình nguyện ra đây dọn cỏ, trồng cây, hương khói và luôn tâm niệm rằng "Quận công là người đức độ, có công với đất nước, sao lại làm hại ai được".

Mãi đến năm 2003, qua một số cuộc khảo cứu và đề nghị của chuyên gia, Lăng đá Quận Vân được công nhận là di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc cấp quốc gia. Sự công nhận này đã xóa bỏ phần nào định kiến trong chính ngôi làng Nỏ Bạn, trước hết đó không phải là một khu đá hoang mà là một di tích thờ người có công với đất nước. Lăng đá rộng đến 4 sào Bắc Bộ, được chia làm 3 khu: Cổng lăng, khu sinh phần và nhà mộ, tất cả các tượng đá ở lăng đều được tạc bằng đá xanh nguyên khối từ Quảng Ninh chuyển về, ước tính mỗi tượng nặng tới vài tấn.

Kể chuyện làng: Chuyện phế tích trở thành di tích ở Nỏ Bạn - Ảnh 4.

Lăng đá Quận Vân hôm nay đã hết ngập nước và có tường rào bảo vệ, ông Trì thay cụ Tuân trông lăng giờ đã được hưởng 200 nghìn đồng một tháng

Những lần đến chơi làng Nỏ Bạn, tôi đều cùng cụ Tuân đi thăm lăng đá. Cụ Tuân có thể nói là người có duyên với lăng đá khi chưa bao giờ sợ hãi khi tới gần lăng, kể cả đôi lần ban đêm cụ ra đây ngắm trăng, hóng gió làm thơ. Mấy cây muỗm ngày nào trồng bé tí thì nay đã rợp bóng người, che mưa, che nắng cho khách hành hương, vãn cảnh. Người làng Nỏ Bạn sau khi được các chuyên gia phân tích về giá trị lịch sử của Lăng đá Quận Vân, nhất là việc vị trí đặt lăng tạo thành một hình tam giác cân cùng với đình làng và chùa làng (đây là một thế thuận theo phong thủy) thì dân làng càng cảm thấy tự hào hơn về di tích quê hương mình.

Có dạo, lăng đá ngập lại đến quá nửa tượng, cỏ um tùm, nhiều người làng kháo nhau rằng lăng sẽ lại về với lòng đất như trận lũ năm nào, nhưng rồi nước cứ rút dần đi, tượng đá chẳng xê dịch hay hao mòn. Theo các chuyên gia, sau hơn 300 năm thì kiến trúc, điêu khắc của Lăng đá Quận Vân vẫn còn nguyên vẹn.

Giờ, Lăng đá Quận Vân đã được các cơ quan có thẩm quyền tôn tạo và bảo vệ, biến nơi đây từ một phế tích thành một di tích thực sự. Nghe nói, tham quan lăng đá còn nằm trong tour du lịch của xã Hồng Vân – một xã chuyên về du lịch sinh thái, cây cảnh. Những người thế hệ cụ Tuân chắc chắn sẽ rất ấm lòng vì góp được chút công nhỏ vào bảo vệ giá trị văn hóa không chỉ của làng mà của cả quốc gia. Giờ thì ông Nguyễn Văn Trì thay cụ Tuân quản lăng, hàng ngày dọn cỏ, thắp nhang, trồng cây và tiếp khách du lịch viếng thăm, nghe nói cũng được 200 nghìn đồng mỗi tháng. Niềm vui nhất có lẽ là thấy chính những đứa trẻ thôn Nỏ Bạn chẳng còn sợ hãi khi vào lăng nữa, chúng chơi trốn tìm trong lăng, chơi ô ăn quan, nụ cười hồn nhiên của lũ trẻ chắc chắn chẳng ai nỡ quở phạt.

Viết về Lăng đá Quận Vân một phần để mọi người hiểu thêm về một loại hình di tích kiến trúc đặc biệt ở nước ta, một phần cũng là ôn lại lịch sử, ghi nhớ người có công với đất nước, ngoài ra đó còn là sự tôn vinh với những người nghệ nhân xưa, với bàn tay khéo léo đã thổi hồn vào những khối đá thô kệch thành tác phẩm nghệ thuật để muôn đời sau chiêm ngưỡng.

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây