Ngắm những bức chạm tuyệt đẹp ở chùa Bối Khê

Thứ tư - 15/07/2020 03:00
Nổi tiếng về những cây hoa sen đất độc đáo, nhưng chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) cũng là nơi sở hữu những bức chạm gỗ tuyệt đẹp cùng nhiều hiện vật có nhiều niên đại khác nhau.
Ngắm những bức chạm tuyệt đẹp ở chùa Bối Khê

Một trong những bức chạm độc đáo ở đây dược cho là cảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, được chạm trên cốn vì nách, với nét khắc tươi tắn, ngộ nghĩnh.

Bối Khê là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Bắc Bộ, với niên đại 600 năm, lưu giữ nhiều nét độc đáo. Tương truyền, chùa được xây dựng từ năm 1338 dưới thời Trần. Chùa thờ Phật, Tam Tòa Thánh Mẫu, thờ Đức thánh Bối Nguyễn Đình An – người có công đánh giặc phương bắc, và cũng lưu giữ nhiều dấu tích tôn giáo của phái Trúc Lâm, Đạo giáo, Khổng giáo.

Ngũ môn chùa Bối Khê.

Chùa được xây trên một khu đất khá rộng rãi, với phần cổng tách biệt bên ngoài, qua cây cầu gạch và một con đường rồi mới vào đến chùa. Cổng chùa cũng là loại năm cổng- ngũ quan (ngũ môn), khác với cổng tam quan thường thấy, phía trên có gác mái và có lối lên. Cây cầu bắc qua hào nước nhỏ, tương truyền là một phần của sông Đỗ Động.

Gác chuông chùa.

Được xây dựng đầu thế kỷ 14, chùa trải qua tám đợt trùng tu lớn vào các đời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Hiện nay, kiến trúc và phần nhiều các mảng chạm của chùa mang dáng dấp thời Nguyễn. Có thể nói, chùa hội tụ rất nhiều những nét kiến trúc, mỹ thuật tiêu biểu của nhiều thời kỳ, một phần do yếu tố trùng tu có giữ lại những vật liệu của thời kỳ trước để tận dụng.

Thềm gạch với nhiều lớp văn hóa chồng lên nhau.

Bức chạm giống hình thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh.

Những bức chạm tươi tắn, gần như còn nguyên vẹn.

Bức chạm long lân vô cùng tỉ mỉ và tinh xảo.

Hình hai con nai đùa giỡn nhau bị ngã.

Bậc thềm phía trước thượng điện còn lưu giữ vết tích của gạch cả thời Mạc và thời Lê, với hoa văn và linh vật trang trí chạm nổi còn gần như nguyên vẹn. Các mảng chạm gỗ của chùa phần lớn là từ thời Nguyễn. Các mảng chạm này độc đáo ở chỗ, thay vì những mô típ quen thuộc như tùng, cúc, trúc, mai, sen, rồng, phượng, hay tiên… thì một số mảng chạm lại mô tả tích thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh, hoặc hai con ngựa (hoặc nai) giỡn chơi với nhau ngã chổng vó… Một số mảng chạm còn xuất hiện ở cả phần mặt dưới của vì mái, nơi mà phần lớn các chùa khác thường để trơn, không chạm khắc gì.

Hậu cung thờ Đức thánh Bối.

Phía sau là hậu cung thờ Đức thánh Bối, với kiểu kiến trúc hai tầng tám mái, bằng gỗ, với nhiều mảng chạm tinh xảo, cầu kỳ mang họa tiết hoa sen, hoa cúc, rồng, mây…

Trang trí lá đề có từ thời Mạc. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH

Tượng Quan Âm 12 tay. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH

Trang trí hình chim thần Garuda trên bệ tượng. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH.

Tượng La Hán trong chùa.

Tượng La Hán đã bị hư hỏng nhiều. Chiếc gậy trên tay tượng đã gãy và mới được gắn tạm lại.

Trải qua nhiều thời kỳ, chùa Bối Khê cũng lưu giữ được nhiều hiện vật độc đáo có những niên đại khác nhau. Trong chùa hiện nay còn lưu giữ bệ sen đỡ tượng Quan Âm có chạm khắc hình chim thần Garuda, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật chạm khắc Chăm-pa, bia “Bối động thánh tích bi ký” từ năm 1453 ghi lại sự tích thánh Bối, hai quả chuông lớn đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), pho tượng Quan Âm 12 tay độc nhất vô nhị, một số bia từ thời Trần cùng 22 đạo sắc từ thời Lý đến thời Nguyễn, hai chiếc giếng ngọc bên hông chùa. Chùa có hệ thống tượng Phật cổ gồm 12 pho, từ Hộ pháp, Tam thế Phật, tòa Cửu Long, Thập điện Diêm vương, trong đó đặc biệt là các tượng La Hán bằng đất nung tuyệt đẹp, vô cùng sinh động và chân thực, thể hiện các gương mặt, tư thế khác nhau. Điều đáng tiếc nhất là hầu hết các pho La Hán này đều đã xuống cấp và hỏng hóc, hư hại nhiều. Thậm chí, theo sư trụ trì Thích Đàm Phượng, có pho tượng đã từng bị gãy gục, phải mời thợ về sửa.

Địa đạo trong chùa.

Một trong những nét độc đáo của chùa Bối Khê mà ít nơi nào có được là sự tồn tại của một địa đạo từ thời kháng chiến chống Pháp, nối từ phía bên cạnh chùa vào làng. Đây từng là nơi du kích và nhân dân làng Bối Khê chiến đấu anh dũng, đẩy lùi ba lần tấn công của quân Pháp.

Cây sen đất trong chùa.

Hoa sen đất khi nở có hương thơm pha trộn giữa sen và hoa đại.

Nói đến chùa Bối Khê, không thể không nhắc đến những cây hoa sen đất độc đáo: “bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Theo nhà sư Thích Đàm Phượng, trước đây chùa có một cây sen đất lâu năm, nhưng đã chết. Những cây hiện nay được nhân giống từ cây sen cổ đó. Mùa sen đất nở hoa là vào khoảng tháng 3 âm lịch, hoa trắng rồi dần ngả sang vàng, có hương thơm pha lẫn giữa hoa sen và hoa đại. Đến mùa hoa, cả khoảng sân chùa rộng ngát mùi thơm của hoa. Chỉ duy nhất chùa Bối Khê là có những cây hoa sen đất này.

Bối Khê là một ngôi chùa đẹp và độc đáo, đa dạng cả trong niên đại lưu lại, trong hệ thống thờ tự và trong hiện vật. Hiện nay, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai đang muốn đưa chùa Bối Khê trở thành điểm du lịch tâm linh và kiến trúc, mở rộng tiềm năng du lịch của địa phương.

Theo Nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây