Việc lập nhiều hoàng hậu, hay còn gọi chế độ đa hậu, là một hiện tượng lịch sử thời Đinh (968-979), Tiền Lê (980-1009) và Lý (1009-1226). Chế độ này do Đinh Tiên Hoàng (968-979) khởi đầu vào năm 970 khi ông tiến hành sắc phong một lúc năm bà Hoàng Hậu. Sau đó, các hoàng đế đời Tiền Lê và Lý cũng bắt chước mà lập rất nhiều hoàng hậu.
14 vị vua nhưng có tới 47 hoàng hậu
Ba triều Đinh, Lê, Lý có tất cả 14 hoàng đế thì có đến 8 người lập nhiều hoàng hậu, với tổng số hoàng hậu là 47 người. Cụ thể như sau:
- Đinh Tiên Hoàng có 5 hoàng hậu.
- Lê Đại Hành có 5 hoàng hậu.
- Lê Ngọa Triều có 4 hoàng hậu.
- Lý Thái Tổ lập hoàng hậu hai lần với tổng số hoàng hậu là 9 người.
- Lý Thái Tông lập hoàng hậu hai lần với tổng số hoàng hậu là 8 người.
- Lý Thánh Tông có 8 hoàng hậu.
- Lý Nhân Tông lập hoàng hậu hai lần với tổng số hoàng hậu là 5 người.
- Lý Thần Tông có 3 hoàng hậu.
Các sử gia phong kiến không chấp nhận chế độ đa hậu nên đã cực lực lên án người mở đầu là Đinh Tiên Hoàng. Sử gia Lê Văn Hưu thế kỉ 13 viết trong Đại Việt sử ký toàn thư:
“Trời đất cùng che chở, mặt trời mặt trăng cùng sáng soi, cho nên mới sinh thành muôn vật, nuôi dưỡng mọi loài, cũng như hoàng hậu sánh với ngôi vua, cho nên mới đứng đầu làm tiêu biểu trong cung, và giáo hóa cho thiên hạ. Từ xưa chỉ lập hoàng hậu một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe thấy có năm hoàng hậu. Tiên Hoàng không có học vấn kê cứu đời xưa, mà các bề tôi lúc bấy giờ lại không có người nào biết giúp sửa cho đúng, để đến nỗi lòng riêng đắm đuối mà lập năm hoàng hậu ngang nhau. Sau đến hai triều Lê, Lý cũng nhiều khi bắt chước làm thế, chính là do Tiên Hoàng khơi đầu mối loạn vậy”.
Nhà sử học Ngô Thì Sĩ thế kỉ 18 viết trong Việt sử tiêu án: “Một âm và một dương gọi là đạo. Các bà hoàng hậu dựng lên nhà Hạ giúp đỡ nhà Chu, không nghe có đến hai hoàng hậu, huống chi lại có năm hoàng hậu ư? Từ năm Thiên Nguyên nước Chu lập năm hoàng hậu, bài sách văn phong hoàng hậu có câu rằng: “Đức ví với khôn nghi, ngũ hành là số 5”, đó là lấy một câu kinh để che lỗi của mình. Vua Đinh Tiên Hoàng không đọc sách, theo ý riêng mà làm càn, đúng như chuyện nước Chu; lỗi đó hai bên cũng như nhau”.
Thời đại của các vị sử gia nói trên đã cách thời của chúng ta hàng mấy trăm năm. Cách nhìn nhận của họ về chế độ đa hậu do đó cũng thuộc về lịch sử, phản ánh hơi thở thời đại mà họ sống.
Tại sao các vua lập nhiều hậu?
Trước Đinh Tiên Hoàng, Ngô Vương Quyền (làm vua từ 939 đến 944) chỉ lập một hoàng hậu. Đinh Tiên Hoàng không theo bước tiền nhân mà lập đến năm hoàng hậu. Chuyện này ắt phải liên quan đến cuộc đại định của ông. Sau khi dẹp loạn các sứ quân, thống nhất đất nước (năm 968), Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, đương nhiên là chỉ muốn lập người vợ cả (người sinh ra con trưởng là Đinh Liễn) làm hoàng hậu.
Nhưng đất nước mới thống nhất, các thế lực chống đối chưa hẳn đã chịu quy phục hoàn toàn. Đinh Tiên Hoàng hiểu rõ điều đó nên đã quyết định mở rộng hậu cung, lập thêm hoàng hậu để thông qua mối hôn nhân với những gia tộc có uy vọng, tiến tới khống chế hoàn toàn cục diện trong nước, thiết lập một vương triều vững chắc. Cho nên, lập năm hoàng hậu hay nhiều hơn nữa thì đối với Đinh Tiên Hoàng cũng không ảnh hưởng gì, miễn sao điều đó có lợi cho cơ nghiệp ông mới tạo dựng.
Các hoàng đế thời Tiền Lê và thời Lý cũng nối gót Đinh Tiên Hoàng mà sắc lập nhiều hoàng hậu. Không tính đến chuyện các vị ấy mượn tiền lệ đã có từ thời Đinh Tiên Hoàng để lạm phong hoàng hậu cho những người họ sủng ái (mà chuyện này từng xảy ra), thì vấn đề nội trị thời bấy giờ khiến họ không thể không duy trì chế độ đa hậu.
Tình hình nước ta trong thế kỉ 10 và 11 có đặc điểm là chính quyền trung ương tuy được thiết lập nhưng nhiều nơi, nhất là những miền dân tộc thiểu số và những nơi cách xa kinh đô thì vẫn chưa một lòng hướng về triều đình. Họ nổi dậy làm loạn. Các hoàng đế Tiền Lê và đầu thời Lý phải luôn tay đem quân đánh dẹp.
Trong bối cảnh đó, để tăng cường sức mạnh của trung ương và đối phó hiệu quả với các cuộc chống đối, các hoàng đế Tiền Lê và Lý thấy cần phải có những thế lực rất mực trung thành ủng hộ. Những thế lực ấy có thể là gia tộc nhiều uy quyền trong triều hay một thế lực địa phương hùng mạnh. Để có được lòng trung thành của các thế lực nhưng cũng để kiềm chế họ lạm quyền, chế độ đa hậu được nhà Tiền Lê và nhà Lý sử dụng như một kế sách nhất cử lưỡng tiện. Lập nhiều hoàng hậu, những hoàng đế Tiền Lê và Lý đã tỏ rõ sự trọng thị đối với các thế lực lớn trong triều ngoài nội, đảm bảo sự chia quyền giữa họ, để họ tự khống chế nhau, qua đó chính quyền trung ương bớt được mối lo về một thế lực mạnh khuynh đảo triều đình.
Sự tồn tại của chế độ đa hậu như vậy là mang động cơ chính trị rất rõ. Chế độ ấy lại được nuôi dưỡng trong môi trường xã hội và tư tưởng chưa đồng hóa hẳn chế độ tôn pháp theo tinh thần Nho giáo nên càng được tiếp tục duy trì.
Cái gọi là chế độ tôn pháp theo tinh thần Nho giáo tức là điều như Lê Văn Hưu nói: Hoàng đế chỉ được có một hoàng hậu mà thôi. Vào thời Đinh, Tiền Lê và Lý, Nho giáo dù được du nhập vào nước ta đã lâu nhưng ảnh hưởng của nó chưa mạnh mẽ. Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo cùng được xem trọng và Phật giáo có vị thế cao nhất, được xem là quốc giáo. Nho giáo chưa trở nên độc tôn nên tư tưởng của các tầng lớp trong xã hội rất cởi mở, mềm dẻo trong nhiều vấn đề. Các hoàng đế có lập nhiều hoàng hậu cũng không hề bị chê trách. Những người chê trách đều sống vào thời sau, là lúc Nho giáo đã có địa vị rất cao trong xã hội, dĩ nhiên không hiểu và không thể chấp nhận việc phong hoàng hậu quá chế độ.
Như thế, chế độ đa hậu hình thành và được bảo lưu trong những điều kiện lịch sử cụ thể của thế kỉ 10-12. Không có những tư liệu cho biết quy chế, phép tắc của chế độ ấy ra sao, tuy nhiên, tổng hợp các ghi chép tản mạn của thư tịch cổ, chúng ta có thể nói tóm tắt đôi điều nổi bật của chế độ ấy như sau:
- Đa hậu tức là nhiều hoàng hậu nhưng không hạn định về số lượng hoàng hậu được lập và số lần lập. Số lượng các hoàng hậu được sắc phong trong mỗi lần từ 2 đến 8 người. Những hoàng hậu này sống trong cung riêng tại hậu cung, được đối xử như nhau và thường thì hoàng hậu cả (tức vợ cả của hoàng đế) có địa vị cao hơn những người khác.
- Các hoàng hậu đều là con nhà quý tộc hay quan lại nhiều danh vọng. Trước khi sắc phong, hoàng đế sẽ cử vợ chồng một đại thần đến tận nhà người con gái được chọn để đón rước. Như năm 1128, hoàng đế Lý Thần Tông (1128-1137) đã sai Viên Ngoại Lang Lý Khánh Thần cùng vợ đi đón con gái của quan Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Lý Sơn về cung, sau đó phong làm hoàng hậu Lệ Thiên. Nếu người ấy từ trước đã là phi tần của hoàng đế thì không cần đón rước.
- Những người được lựa chọn sẽ được phong hậu ngay lập tức, bất kể người đó đang ở cấp bậc phi tần nào.
- Khi hoàng đế chết thì chỉ một hoàng hậu được hoàng đế kế vị tôn phong làm hoàng thái hậu. Hoàng hậu ấy chính là thân mẫu của tân hoàng đế. Trong trường hợp hoàng đế là con của một phi tần thấp hơn hoàng hậu thì ai là hoàng hậu cả sẽ được tôn phong, và trong trường hợp này, ngôi vị hoàng thái hậu sẽ được dành cho cả hai người (thân mẫu hoàng đế và hoàng hậu cả). Đó là trường hợp của thái hậu Chiêu Linh và thái hậu Chiêu Thiên thời hoàng đế Lý Cao Tông (1176-1210).
Đôi điều nói trên cho thấy được sự đặc sắc của chế độ đa hậu trong lịch sử chế độ hậu phi nước ta khi xưa. Là một hiện tượng lịch sử, chế độ đa hậu tất nhiên có mặt tích cực nhưng cũng không tránh khỏi những hạn chế. Bởi vậy, sau 168 năm tồn tại, vào năm 1138, chế độ này bị xóa bỏ dưới thời Lý Anh Tông, thay vào đó là chế độ nhất hậu.