Hoạt động này được khởi xướng bởi sư trụ trì Im Teang từ 10 năm trước đây. Tính đến nay, các nhà sư đã trồng hơn 3.000 cây xanh tại các khoảnh đất xung quanh, hướng đến lối sống thân thiện với sinh thái, không sử dụng túi nhựa.
Chư Tăng chùa Serei Sakor Daun Sdoeung.
"Tôi quý trọng sự khỏe mạnh thể chất lẫn tinh thần và tin rằng việc trồng trọt đóng góp quan trọng vào hai khía cạnh này trong đời sống con người. Trồng rau sạch giúp các nhà sư và dân làng hoạt động thể chất tích cực hơn.
Trong trồng trọt, các nhà sư chỉ sử dụng phân bón hữu cơ để đảm bảo sức khỏe, môi trường và tiết kiệm chi phí. Trồng rau thuần tự nhiên không khó, chúng ta có thể học hỏi kỹ thuật trồng trọt từ tổ tiên của mình. Trồng và tiêu thụ những gì bạn thu hoạch được tốt cho sức khỏe, phục vụ hiệu quả cho học tập và công việc" - sư trụ trì chia sẻ với Phnom Penh Post.
Vườn rau sạch của nhà chùa.
Ngoài trồng rau sạch, chùa Serei Sakor Daun Sdoeung còn giúp dân làng canh tác hữu cơ, chia sẻ hạt giống và lúa gạo, rau trái trồng được cho người nghèo xung quanh.
“Chúng tôi trồng và thu hoạch nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ hàng ngày của chùa, phần còn lại dành tặng cho dân làng bên. Người ở xa có thể đến chùa mang thực phẩm trong kho về”.
Chùa Serei Sakor Daun Sdoeung được xây dựng vào năm 1874 và gần như bị phá hủy hoàn toàn trong thời kỳ Khmer Đỏ (1975 - 1979). Sau khi bất ổn kết thúc, chư Tăng và dân làng đã cùng kiến thiết lại ngôi chùa và hiện nay trở thành một trong những trung tâm Phật giáo được nhiều người biết đến, trong số 500 ngôi chùa ở tỉnh Prey Veng và cũng là "ngôi chùa xanh nhất" ở Campuchia.
Rau củ quả sau thu hoạch còn được chia sẻ với người dân có nhu cầu xung quanh chùa.
Theo The Phnom Penh Post, tính đến năm 2018, tại đất nước Campuchia có khoảng 4.932 ngôi chùa, trong đó có 563 ngôi cổ tự với khoảng 68.654 vị Tăng theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy.
Tr.Hiếu
(theo The Phnom Penh Post)