Tín ngưỡng thờ cá Ông (cá voi, cá heo) gắn với lễ hội cầu ngư là sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân ven biển miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng, góp phần gìn giữ và nâng cao giá trị của tín ngưỡng, lễ hội truyền thống trong kho tàng văn hóa dân tộc.
Với ngư dân, cá Ông có vị thế đặc biệt. Cá Ông được cư dân miền biển xem là vị phúc thần của biển cả cứu người gặp nạn giữa sóng nước, nên ở hầu hết những khu vực ven biển đều thờ cá Ông.
Lăng cá Ông nằm cuối làng Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), được người dân địa phương xây dựng vững chãi, khang trang theo mô hình chiếc thuyền.
Mô hình lăng Ông của làng được lấy nguyên mẫu từ một lăng cá Ông TP Đà Nẵng. Công trình được khởi công vào năm 2014, sau 6 tháng xây dựng công trình hoàn thành với chiều dài 24m, rộng 8m với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng do người dân đóng góp. Hiện đây là nơi thờ xương cốt của những cá Ông đã lụy vào bờ biển làng Trà Nhiêu.
Theo các lão cao niên trong làng, tục thờ cá Ông có từ xa xưa, cha truyền con nối. Đây là cách ngư dân vùng biển bày tỏ lòng biết ơn vì đã nhiều lần được cá Ông cứu giúp khi đang mưu sinh giữa biển khơi.
Mỗi khi cá Ông lụy bờ (chết dạt vào bờ), ngư dân đều đứng ra an táng trọng thể, giống như lo tang lễ cho một người qua đời. Ai phát hiện cá Ông đầu tiên thì người đó làm chủ tang lễ.
Ông Đỗ Tá (82 tuổi, thôn Trà Đông, xã Duy Vinh) cho biết: "Sau khi chôn cất, lập mộ 3 ngày, người phát hiện ra cá Ông làm lễ mở cửa mả, 21 ngày làm lễ cầu siêu, 3 tháng 10 ngày cúng tuần, giỗ đầu. Trong 3 năm, người chịu tang còn phải kiêng cữ một số hành vi đạo đức giống như cách thức chịu tang cha mẹ".
Lăng cá Ông ở làng Trà Nhiêu giống như một chiếc thuyền gắn liền với đời sống ngư dân miền Trung (Ảnh: Ngô Linh).
Được biết, trước đây, ngư dân xã Duy Vinh mượn đất ở vùng Hồng Triều, xã Duy Hải mai táng và lập miếu thờ mỗi khi gặp cá Ông lụy bờ. Tuy nhiên, trận lũ lụt năm 1999 khiến khu vực này bị sạt ở nên người dân xin đất lập lăng ở vị trí hiện tại.
Theo ông Tá, với ngư dân sống bằng nghề đi biển, cá Ông chính là hiện thân của may mắn, phúc lành. Hàng năm, dân làng sẽ làm hai đợt lễ để tạ ơn cá Ông, với niềm tin đức cá Ông sẽ phù hộ bà con đánh bắt bội thu và sự trở về bình an sau những chuyến biển.
Những câu chuyện cá Ông cứu người ly kỳ
Ông Nguyễn Văn Đức (SN 1965, thôn Trà Đông, xã Duy Vinh), một ngư dân với hơn 30 năm gắn bó với nghề đánh bắt cá xa bờ, cho biết dù chưa từng được cá Ông cứu giúp, nhưng ông đã được nghe kể nhiều về chuyện cá Ông cứu người.
Người dân miền biển từ thưở nhỏ đều được nghe kể nhiều về chuyện cá Ông cứu người (Ảnh: Ngô Linh).
Điển hình như chuyện cá voi cứu sống thuyền trưởng Nguyễn Công cùng 11 ngư dân ở xã An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lạc giữa tâm bão số 9 năm 2009.
Hôm ấy, kết thúc phiên đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, trên đường trở về chỉ còn cách đảo Lý Sơn khoảng 7 hải lý thì tàu cá của ông Công gặp nạn. Tàu chết máy, chao đảo trong tâm bão.
Trong phút nguy hiểm thì một con cá voi khổng lồ xuất hiện, ghé sát lưng vào mạn thuyền làm điểm tựa, giúp tàu vượt qua bão dữ, an toàn về đất liền.
Mỗi khi có cá Ông lụy bờ, dân làng chài sẽ tổ chức mai táng, thủ tục giống lễ tang cho một người qua đời (Ảnh: Ngô Linh).
Sau khi đưa tàu về gần đảo Lý Sơn, dù lưng trầy xước chảy máu, cá Ông bơi lượn một vòng rồi quẫy đuôi quay ra biển. Để tạ ơn cứu mạng của cá Ông, ông Công cùng 11 bạn thuyền đã ăn chay 3 tháng liền. Từ đó, ông Nguyễn Công cũng tình nguyện thờ phụng, lo nhang khói cho Lăng Cồn, nơi thờ tự cá Ông tại quê nhà.
"Đối với ngư dân miền biển, nếu có cơ duyên gặp cá heo hay cá voi là một điềm may mắn, cá đầy khoang thuyền. Trước mỗi chuyến xuất bến, ngư dân thường tìm đến lăng thờ cá Ông để cầu che chở, chuyến đánh bắt thuận lợi, bình an", lão ngư Nguyễn Văn Đức chia sẻ.
Sau nhiều năm chôn cất sẽ cải táng đưa xương cá Ông vào lăng để thờ (Ảnh: Ngô Linh).
Ngay tại tỉnh Quảng Nam, câu chuyện cá heo cứu giúp 41 thuyền viên gặp nạn trong vụ chìm tàu câu mực vào đầu tháng 9/2019 cũng được nhiều người truyền tai nhau.
Theo lời kể của ông Bùi Văn Quốc (SN 1977, thôn Tân Lập, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) - chủ tàu câu mực nói trên - khi tàu của ông gặp nạn, tàu của ông Võ Công Danh (tỉnh Quảng Ngãi) đã cứu vớt.
Những ngư dân trên tàu của ông Danh nói rằng, từ ngày 2/9-3/9/2019, sau hàng chục giờ liền tìm kiếm tàu của ông Quốc bị lốc biển đánh lật mãi không thấy thì bất ngờ xuất hiện một đàn cá heo liên tục bơi chắn trước mũi tàu của ông Danh, như muốn thông báo một điều gì đó.
Thấy kỳ lạ, các ngư dân trên tàu cho rằng đàn cá heo biết tàu của ông Danh đi trật hướng nên có ý chắn đường lại. Sau đó, họ quay ngược trở lại thì không thấy đàn cá heo bơi theo chắn đường nữa.
Tin rằng đàn cá heo đang giúp tàu ông Danh tìm các ngư dân mất tích, nên tàu của ông Danh cứ thẳng một hướng tìm kiếm. Tầm 40 phút sau, tàu ông Danh gặp 41 ngư dân trên tàu của ông Quốc đang bám lấy chiếc bè trôi tự do giữa biển, trong tình trạng kiệt sức.
Mái lăng có tượng cá chép, cột đúc phù điêu rồng là nét kiến trúc đặc trưng tại các lăng thờ cá Ông của ngư dân miền ven biển Trung bộ (Ảnh: Ngô Linh).
Từ xưa đến nay, những câu chuyện và truyền thuyết về cá heo, cá voi cứu giúp con người không hề hiếm. Chính điều đó, ngư dân ở khắp mọi nơi thường rất trân quý cá heo, cá voi và thường gọi một cái tên rất trang trọng là Ông hay cá Ông.
Ở Quảng Nam nói riêng, các địa phương vùng duyên hải miền Trung nói chung, thường có những nghĩa địa dành riêng để mai táng những cá Ông bị chết trôi dạt vào bờ.
Người ta còn có quan niệm rằng, năm nào có xác Ông trôi vào bờ thì năm đó trời yên biển lặng, ngư dân được thuận lợi làm ăn. Địa phương nào có xác cá heo, cá voi dạt bờ thì ngư dân ở đó cũng gặp được nhiều may mắn.
Theo Vietnamnet.vn