Căn nhà đó là nhà bà Lương Thị Nhẫn, cháu họ cụ Khăng. Cụ Khăng bèn vứt cuốc chạy sang cổng nhà hàng xóm, nhưng cổng bị khóa chặt từ bên trong, cụ không thể đẩy cửa để vào được.Cụ Khăng bèn la lên gọi người đến cứu, đám thanh niên trong xóm chạy lại, nhưng thấy cổng khóa, thì dồn tụ lại bên cánh cổng, chưa biết xử lý ra sao. Cụ Khăng vẫn nghe tiếng bà Nhẫn khóc vọng ra từ trong ngôi nhà. Bà Nhẫn sống một mình đã lâu, các con bà sống ở Hà Nội, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ. Có thể bà Nhẫn bị ngã, bị cảm, hoặc đột quỵ, nếu không cứu nhanh, thì sẽ nguy hiểm tính mạng. Nghĩ như vậy, nên cụ Khăng thúc đám thanh niên: “Các anh trèo tường vào nhà cứu nó đi. Để vậy nó chết mất!”.
Nói rồi cụ Khăng chỉ tay vào phía bức tường gạch cũ ngăn giữa vườn nhà cụ và vườn nhà bà Nhẫn. Bức tường gạch xây đã lâu, gạch đôi chỗ đã mủn ra. Cụ Khăng dẫn đám thanh niên ra đó, muốn họ trèo qua tường vào vườn, rồi vào nhà cứu bà Nhẫn, nhưng đám thanh niên ngần ngại, đùn đẩy nhau, không ai dám trèo tường. Cụ Khăng bảo: "Tường này cũ mủn ra rồi, các anh đẩy đổ mà vào cứu người chứ". Vẫn không ai dám đẩy đổ tường, cụ Khăng ra tay đẩy tường thật mạnh, nhưng chỉ vài ba hòn gạch bở vữa rơi xuống. Cụ bèn bám tay vào chỗ tường vừa lở, trèo lên. Nào ngờ bức tường đổ ụp vào ngực cụ đau điếng. Nén đau, cụ bò dậy vượt qua tường, chạy băng qua vườn rau nhà bà Nhẫn, vào nhà tìm chìa khóa cổng, ra mở cổng cho đám thanh niên vào nhà. Bà Nhẫn lúc đó bị đột quỵ, nằm nửa người trên giường, mặt xám ngoét, kêu rên yếu ớt. Đám thanh niên người vực bà Nhẫn dậy, người chạy tìm xe đưa bà Nhẫn đến bệnh viện huyện Tiên Lữ.
Nhờ cụ Khăng (93 tuổi) kiên quyết vượt tường bao, mở cửa cứu người thì bà Nhẫn mới được sống tới hôm nay. Tuy di chứng từ lần đột quỵ vẫn khiến bà khó giơ tay phải lên cao, nhưng bà đã vượt qua cơn bạo bệnh, tiếp tục trở lại với cuộc sống, tự mình chăm lo cho mình, chưa phải nhờ đến con cháu hoặc thuê người giúp việc. Cụ Khăng thỉnh thoảng vẫn sang nhà thăm bà Nhẫn, người cháu họ kém cụ hai chục tuổi, đã được cụ cứu sống ngoạn mục sau lần vượt tường hy hữu ấy.
Cụ Khăng và TS Phan Quốc Việt thực hành bài tập giữ thăng bằng bóng tennis trên đầu (Người bình thường tập 2-3 ngày mới đội được bóng riêng cụ Khăng tập 5 phút đội được ngay).
Cụ Khăng cho biết, trong đời chưa bao giờ cụ trèo tường. Cụ cười móm mém, nói: “Con trai tôi biết chuyện hôm đó, mắng tôi rằng cụ giỏi quá đấy, trèo được qua tường cứu người... Tôi chẳng bao giờ trèo tường làm gì. Nhưng cái đận ấy, không trèo vào cứu thì cái Nhẫn nó chết!”.
Cụ Khăng trước kia từng trong đội du kích Hoàng Ngân thời chống Pháp. Cụ cũng tham gia đánh bốt địch một số lần. Cụ lấy chồng sinh 8 người con, và sau này khi chồng cụ mất cách nay 35 năm, cụ sống cùng con trai út và con dâu. Các con khác của cụ đều ở Hà Nội. Cụ Khăng tuy 93 tuổi, móm răng nhưng vẫn ăn cơm bình thường, tai vẫn thính và mắt vẫn tinh. Cụ vẫn tự xâu kim khâu vá quần áo cho mình. Hàng ngày, có 5 thước vườn các cháu bỏ không (chừng 170m2), cụ ra tay trồng ngô, lạc, đỗ, vừng. Khi có ngô thu hoạch thì chia sẻ cho con cháu và cho hàng xóm. Đỗ lạc vừng thì phơi khô ăn dần cả năm. Bữa cơm của cụ Khăng đơn giản, bữa cơm cá, bữa cơm thịt với rau luộc, bữa cơm muối lạc muối vừng. Hoa quả cũng chỉ ăn chuối và cam cho mềm. Ngày cụ ăn làm 5 bữa, chia nhỏ bữa ăn do từng bị cắt bớt dạ dày trong một lần điều trị bệnh đau dạ dày. Tối trước khi đi ngủ, cụ uống một chén hạt mít rượu gạo, hoặc rượu ngâm long nhãn, ngâm cao hổ cốt. Sáng ra cụ tập thể dục các động tác cúi, vặn người, giơ chân tay cho bớt mỏi. Đêm nào không ngủ được, cụ Khăng trở dậy, ra sân tập thể dục một lúc rồi lại vào giường, bật đài lên nghe, nghe đài một lúc thì ngủ được.
Cụ Khăng (bên phải) và bà Nhẫn, người được cụ cứu trong lần trèo tường vào vườn.
Hỏi bí quyết sống thọ, sống khỏe, cụ Khăng cười vui bảo: "Tớ cứ làm việc luôn chân luôn tay suốt ngày, lúc nào đói là ăn, kệ mọi việc không cần lo nghĩ, muốn đến đâu thì đến, thế là khỏe!".