Điều ít biết về những pho tượng nghệ thuật “độc nhất vô nhị” ở Hà Nội

Thứ tư - 28/12/2022 15:15
Chùa Mía (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được biết đến là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam, do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố. Trên mỗi bức tượng nghệ thuật đều toát lên vẻ uy nghiêm, thanh tịnh.
Tòa bảo tháp Cửu Phẩm Liên Hoa uy nghiêm được xây dựng gần đây để thờ vọng Xá Lợi Đức Phật. Ảnh: Kim Duyên
Tòa bảo tháp Cửu Phẩm Liên Hoa uy nghiêm được xây dựng gần đây để thờ vọng Xá Lợi Đức Phật. Ảnh: Kim Duyên

Chùa Mía, tên chữ là Sùng Nghiêm tự, nằm ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội. Chùa Mía nằm ngay đầu làng cổ Đường Lâm. Phía trước chùa là chợ Mía (còn gọi là chợ Chùa hay chợ Tam Bảo) và đền thờ vọng Bố Cái Đại Vương.

Trong khung cảnh làng quê êm đềm, chùa Mía ấn tượng mà giản dị ngay từ cái nhìn đầu tiên. Về tới chợ Tam Bảo, trong không gian đậm nét làng quê việt của Đường Lâm, ai đến đây, ngắm nhìn chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa Mía cũng đều có cảm giác bình yên. 

Và đến nay, người dân Đường Lâm vẫn truyền tai nhau câu chuyện huyền bí về các pho tượng ở nơi này.

Giai thoại về "Bà Chúa Mía"

Ni Trưởng Thích Đàm Cần – Trụ trì Chùa Mía kể rằng, theo tài liệu lưu tại chùa Mía, trước đây, ngôi chùa tọa lạc trên một khu đất cao giữa làng với hồ nước nhỏ trước mặt và nhìn ra sông Hồng.

Năm 1632, cung phi Nguyễn Thị Ngọc Dong là phi tần trong phủ chúa Trịnh Tráng (1623 – 1657) đã đứng lên xây dựng lại thành ngôi chùa rộng lớn, khang trang. Đồng thời bà khuyến mộ thiện nam, tín nữ các làng Đông Sàng, Cam Thịnh, Mông Phụ… thuộc tổng Cam Giá (tức tổng Mía) hưởng ứng. Tính đến nay, chùa có tuổi đời gần 400 năm.

a
Dù đã trải qua nhiều lần phục dựng nhưng chùa Mía vẫn giữ được nét cổ kính lâu đời với lối kiến trúc cổ. Ảnh: Kim Duyên

Sau đó, nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của bà, tôn sùng bà là "Bà Chúa Mía". Không chỉ thế họ còn tin rằng nhiều lời cầu nguyện tại đây đều được linh ứng.

Ông Hà Văn Dực (80 tuổi), một bậc cao niên sinh sống tại Đường Lâm kể rằng, chùa được tu bổ nhiều lần, nhưng đến nay quy mô tôn tạo vẫn được bảo tổn nguyên vẹn. Các tòa như: Tam Quan, Chính Điện, Thượng Điện, nhà Tổ, hành lang san sát nối kề, trong ngoài bao bọc, ngang dọc đan xen, tạo dáng thành hình chữ Mục. Đặc biệt, nơi đây vẫn còn hàng trăm ngôi tượng cổ đẹp nhất cả nước.

Sinh ra và lớn lên tại Đường Lâm, bà Phan Thị Hà, phật tử tại chùa Mía cho hay, dù là bên cạnh chợ, nhưng chỉ bước chân qua cửa Tam Quan người dân sẽ cảm thấy yên bình, thảnh thơi.

a
Tại chùa có rất nhiều tượng, trong đó có tượng Phật Thích Ca, tượng Tuyết Sơn và đặc biệt tượng Phật bà Quan Âm điêu khắc tinh xảo và đẹp hiếm thấy. Ảnh: Kim Duyên.

"Tôi thường xuyên lui tới đây để phụ nhà chùa trông nom dọn dẹp. Không chỉ là những ngày lễ, mười rằm, mùng 1, mà đôi khi thấy trong lòng bất an tôi cũng đến đây với mong muốn được yên bình, che chở".

Nơi lưu giữ những pho tượng nghệ thuật đẹp nhất Việt Nam

Đến chùa Mía, nhiều người ngỡ ngàng trước hàng loạt tượng phật vừa đặc sắc về hình dáng, phong phú về số lượng. Theo lời giới thiệu Trụ trì Thích Đàm Cần, tại đây có đến 287 pho tượng thờ, trong đó có 174 tượng bằng đất nung sơn son thếp vàng, 107 tượng mộc và sáu pho tượng bằng đồng.

Những pho tượng nổi tiếng là tác phẩm điêu khắc sinh động như: tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc, tượng Bát Bộ Kim Cương… Tượng Tuyết Sơn cao 0,76m, không to lớn và nổi tiếng như tượng Tuyết Sơn ở chùa Tây Phương, nhưng cũng được điêu khắc, chạm trổ rất tinh xảo. Tám pho tượng làm bằng đất nung ở tòa Thượng Điện đặc biệt nổi bật với hình khối, bố cục vững chắc, thân hình khỏe khoắn, hài hòa.

a
Tất cả, những pho tượng tại đây như được thổi hồn từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tạc tượng. Ảnh: Kim Duyên.

Đặc biệt, nổi bật nhất trong chùa Mía là tượng Quan Âm Tống Tử (cao 0,76m), thường được gọi là tượng Bà Thị Kính. Tượng này diễn tả một người phụ nữ thùy mị, có duyên, vẻ mặt hơi buồn nhưng rất hiền từ nhân hậu, ẵm một đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh. Đường nét chạm khắc mềm mại, trau truốt.

"Tất cả những pho tượng tại đây như được thổi hồn từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tạc tượng. Từ cử chỉ của ngón tay đến ánh mắt của các pho tượng đều toát lên nét đẹp độc đáo phi phàm nhưng đầy từ bi" bà Hà chia sẻ khi nói về những pho tượng cổ.

q
Động Quán Âm Nam Hải, đây là một bức tượng thuộc loại quý hiếm, ít thấy trong các chùa ở miền Bắc cũng như cả nước. Ảnh: Kim Duyên.

Không chỉ có nhiều pho tượng phật nghệ thuật, chùa Mía còn gắn với quá trình lịch sử, cùng với đó là những hiện vật giá trị tâm linh. Tầng trên Tam quan là chiếc chuông lớn đúc từ năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) và chiếc khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846).

Tiếp đến là tòa tháp "Cửu Phẩm Liên Hoa". Tòa tháp này được xây dựng để thờ vọng xá lị đức phật. Bên cạnh đó, ngọn tháp cũng được những người xây dựng gửi gắm ước muốn được gìn giữ, phát triển nét văn hóa của làng quê.

a
Tượng Bát bộ Kim Cương bên cánh tả ở chùa Mía. Ảnh: Kim Duyên.

Với những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc độc đáo, với quy mô bề thế và đẹp, chùa Mía đã được Bộ Văn hóa và Thể thao xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Nguồn Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây