Ấm lòng bếp cơm '0 đồng' dành cho bệnh nhân chạy thận

Thứ ba - 20/12/2022 15:58
Nằm sâu trong ngõ nhỏ phố Nguyễn Chính, Hà Nội là một căn bếp ấm. Tại đây, những thành viên của bếp cơm 0 đồng Thiện Đức đang gửi gắm cái tình qua từng suất cơm
Các thành viên bếp cơm Thiện Đức
Các thành viên bếp cơm Thiện Đức

Cứ sáng thứ 2 và thứ 5 hàng tuần, từ 6 giờ, khi trời mới tờ mờ sáng, bếp cơm Thiện Đức lại bắt đầu đỏ lửa, tiếng cười nói rôm rả của các thành viên khiến không khí ở đây lúc nào cũng vui vẻ và đầm ấm như trong một gia đình. Mỗi người một việc, những đôi bàn tay thoăn thoắt, họ đang chuẩn bị 150 suất ăn cho các bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Nông nghiệp Ngọc Hồi. Những suất cơm tuy nhỏ nhưng đã giúp cho rất nhiều bệnh nhân ấm lòng, động viên họ vượt qua nỗi đau do bệnh tật mang lại.

Những tấm lòng thơm thảo gặp nhau

Đến thăm bếp cơm Thiện Đức, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất chính là những người ở đây đều đã có tuổi. Cái tuổi mà nhiều người chọn ở nhà để nghỉ ngơi và an hưởng tuổi già, tuy nhiên họ lại suy nghĩ đến việc làm gì đó giúp đỡ người khác. Bà Trần Thị Thanh Tùng - trưởng nhóm bếp cơm Thiện Đức chia sẻ, chứng kiến những người chạy thận chật vật mưu sinh, bị bệnh nhưng vẫn phải tranh thủ làm đủ các công việc để kiếm tiền nên bà cùng vài người bạn thành lập bếp cơm, lấy tên là Thiện Đức, tức là làm việc thiện bằng cái tâm, cái đức của mình.

Bà Trần Thị Thanh Tùng - trưởng nhóm bếp cơm Thiện Đức đang chế biến thức ăn
Bà Trần Thị Thanh Tùng - trưởng nhóm bếp cơm Thiện Đức đang chế biến thức ăn.

Thời gian đầu mới thành lập, bếp cơm thiếu thốn từ dụng cụ đến nhân lực và tài chính, mọi người phải làm ruốc, làm giò để bán lấy kinh phí hoạt động. Khó khăn là vậy nhưng những người ở đây chưa bao giờ muốn buông xuôi, bà Hồng - thành viên cốt cán từ những ngày đầu tiên của bếp nhớ lại: "Khi mới thành lập, chúng tôi ai có cái gì thì tận dụng mang cái đấy đến, xoong, chậu, rổ giá, chảo, nồi, bếp than,…. Khó khăn thì có nhiều nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy mệt mỏi hay chán công việc, vì mình có cái tâm làm việc nên không bao giờ nghĩ đến việc chán".

Dù quy mô nhỏ nhưng ngay từ những ngày đầu tiên, nhóm phân chia công việc rõ ràng: Người làm truyền thông trên mạng xã hội, người làm thủ quỹ và người làm đối nội đối ngoại… Càng về sau, bếp cơm Thiện Đức kết nạp thêm được nhiều người và ngày càng phát triển.

"Những người đến với bếp cơm Thiện Đức đều có quan điểm, lý do riêng nhưng tất cả đều mong muốn hướng thiện, muốn làm việc thiện. Đó là tâm nguyện nho nhỏ đem công sức của mình giúp đời, giúp người", ông Đào Minh Tuấn - đội trưởng đội vận chuyển cơm chia sẻ.

Những suất cơm đầy đủ dưỡng chất
Những suất cơm đầy đủ dưỡng chất.

Gửi cái tình trong từng suất cơm

Mỗi buổi hoạt động, bếp sẽ nấu khoảng 100 suất cơm, chuẩn bị 50 phần sữa, bánh mì để chia cho bệnh nhân 3 ca chạy thận. Ca 1, ca 2 chạy vào gần giờ cơm trưa sẽ nhận được những suất cơm. Còn ca 3 chạy vào giờ chiều sẽ nhận được phần bánh mì và sữa. Bếp Thiện Đức luôn làm đủ số lượng phần ăn cho tất cả bệnh nhân của khoa chạy thận, Bệnh viện Nông nghiệp Ngọc Hồi. Mỗi tuần, bếp nấu vào thứ hai và thứ năm để cả 2 nhóm bệnh nhân chạy ngày chẵn (thứ hai, tư, sáu) và ngày lẻ (thứ ba, năm, bảy) đều nhận được những phần ăn do bếp chuẩn bị.

Làm cơm cho người chạy thận không phải là việc dễ dàng, không thể làm qua loa cho có. Bởi vậy, nguồn thực phẩm là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Cô Vân - đầu bếp chính của bếp cơm Thiện Đức chia sẻ: "Những bệnh nhân chạy thận sức khỏe rất yếu nên quan trọng nhất là nguồn thực phẩm phải sạch sẽ, như thế mới đảm bảo an toàn cho người bệnh".

Nguồn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu
Nguồn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Những suất cơm tuy miễn phí nhưng đầy đủ dưỡng chất với các món thịt, trứng và rau xanh được các thành viên bếp chuẩn bị chu đáo. Bà Trần Thị Thanh Tùng quan niệm, những suất cơm đó cũng là sự gửi gắm tình cảm, sự sẻ chia của bếp đối với các bệnh nhân, bởi vậy phải làm cẩn thận, làm bằng cái tâm của mình.

Cũng bởi làm bằng cái tâm của mình nên hành trình đưa những phần ăn đến với những người bệnh chạy thận của đội vận chuyển có phải dầm mưa, dãi nắng, có khó khăn thế nào cũng không cản đường "tổ lái" đưa "yêu thương" đến với người nhận. Những người ở bếp cơm Thiện Đức gọi vui là "tổ lái" bởi đây là đội vận chuyển tập hợp những tay lái "lụa" nhất của nhóm.

Các phần ăn được “tổ lái” vận chuyển đến Bệnh viện Nông nghiệp Ngọc Hồi
Các phần ăn được “tổ lái” vận chuyển đến Bệnh viện Nông nghiệp Ngọc Hồi.

"Khi đưa cơm đến, các bệnh nhân cũng mừng, họ mong chờ từng suất cơm, không chỉ người bệnh mà có khi là cả người nhà, có những bệnh nhân quá nặng không ăn được thì người thân của họ mong chờ có suất cơm để lấy sức trông nom. Bởi vậy, dù có khó khăn thế nào, nắng mưa ra sao thì anh em chúng tôi vẫn phải cố gắng làm tròn trách nhiệm", người anh cả Đào Minh Tuấn của "tổ lái" chia sẻ.

Nhận được suất cơm còn nóng hổi từ bếp cơm Thiện Đức, cô Nguyễn Thị Thúy - một bệnh nhân đã chạy thận được 20 năm cảm động: "Tôi chạy thận vào ngày chẵn, cứ thứ 2 thì nhận được suất cơm bên bếp Thiện Đức. Cơm rất ngon! Tôi nhận được cơm rất cảm động, đây là tấm lòng của các nhà hảo tâm, nên chúng tôi rất trân quý".

Suất cơm đầy đủ dinh dưỡng do bếp cơm Thiện Đức chuẩn bị
Suất cơm đầy đủ dinh dưỡng do bếp cơm Thiện Đức chuẩn bị.

Cầm suất cơm trên tay, chú Nguyễn Đình Đạt - bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Nông nghiệp Ngọc Hồi chia sẻ: "Tôi đi chạy thận mấy năm nay rồi, cũng rất nhiều lần nhận được cơm của các bác bên bếp Thiện Đức. Cơm các bác ấy nấu ngon lắm, đủ thịt, đủ rau, rất phù hợp với những người chạy thận như chúng tôi".

Với những người bệnh nhân chạy thận, một phần ăn tuy nhỏ nhưng cũng giúp họ đỡ được nhiều vấn đề, chú Đạt tâm sự, chạy thận xong thường rất mệt, về thì không còn sức để nấu ăn nên những suất cơm do bếp cơm Thiện Đức gửi tặng vừa giúp chú không phải suy nghĩ xem bữa đó ăn gì, cũng giúp chú tiết kiệm chi phí, dành tiền chữa bệnh.

Kể từ khi thành lập, bếp cơm Thiện Đức đã giúp cho các bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Nông nghiệp Ngọc Hồi đỡ đi phần nào nỗi lo ăn uống mỗi buổi điều trị. 9 năm hoạt động, 9 năm phát triển, hành trình ấy dù gặp nhiều chông gai nhưng cũng không thể nào ngăn bà Tùng, bà Hồng, chú Tuấn, cô Vân hay bất cứ thành viên nào của bếp tiếp tục cố gắng, gửi "cái tình" trong từng suất cơm đến những người nhận.

Một ngày với những công việc giản đơn như thế nhưng đối với những con người thiện nguyện này lại chính là niềm hạnh phúc vì được cho đi mà không cầu mong ngày nhận lại sự đáp trả. Đó cũng là cách để thể hiện nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, lá lành đùm lá rách.

Nguồn Congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây