Giám đốc 11 năm nhặt rác, làm sạch đáy biển Đà Nẵng, du khách hào hứng với tour đặc biệt có '1-0-2'

Thứ năm - 01/09/2022 18:00
11 năm nay, anh Đào Đặng Công Trung (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) không ngần ngại đi nhặt rác làm sạch Sơn Trà, đáy biển Đà Nẵng, giải cứu san hô và lan tỏa ý thức giữ gìn môi trường đến mọi người.
Giám đốc 11 năm nhặt rác, làm sạch đáy biển Đà Nẵng, du khách hào hứng với tour đặc biệt có '1-0-2'
Là giám đốc của 2 công ty, đồng thời là quản lý cho một thương hiệu nghỉ dưỡng lớn ở Đà Nẵng nhưng anh Đào Đặng Công Trung luôn dành thời gian rong ruổi khắp ngõ ngách ở quận Sơn Trà để nhặt rác. Anh được biết đến với vai trò là người khởi xướng phong trào nhặt rác trên bán đảo Sơn Trà và dưới đáy biển.

1
Anh Đào Đặng Công Trung - người đàn ông 11 năm tình nguyện nhặt rác ở Sơn Trà.

Anh Trung kể, năm 2006, lần đầu tiên đặt chân đến Sơn Trà, anh đã yêu vẻ đẹp của bán đảo. Lúc đó bán đảo chưa được nhiều người biết. Đến năm 2011, thời điểm du khách tìm đến Sơn Trà ngày càng nhiều, mọi người lên bán đảo vui chơi, mang theo đồ ăn, thức uống nhưng lại quên mang rác về khiến rác thải ngày càng tăng lên.

Hằng ngày đi đi về về, nhìn thấy bán đảo xinh đẹp - lá phổi xanh của thành phố ngày bị đủ loại rác thải từ vỏ lon, chai nhựa, túi nilon… bủa vây, anh Trung quyết định đi nhặt rác. Anh dành thời gian vào sáng sớm và chiều muộn, 5 ngày/tuần để nhặt rác.

1
Anh Trung được mọi người đặt biệt danh là "Giám đốc mê nhặt rác".

Mỗi lần nhặt được 30-40kg rác. Công việc nhặt rác tưởng chừng như đơn giản nhưng có không ít lần anh Trung gặp hiểm nguy như gặp phải rắn lục, bị bò cạp cắn. Hay có lần trèo ra Mũi Nghê, vì “say” nhặt rác mà bị trượt chân ngã. Thế nhưng anh vẫn đều đặn cần mẫn với công việc, quyết không từ bỏ nhặt rác.

Miệt mài nhặt rác suốt nhiều năm, đến nỗi mọi người còn đặt cho anh cái tên là “Giám đốc mê nhặt rác”.

Sau này, dù công việc kinh doanh du lịch bận rộn nhưng anh vẫn định kỳ 3 lần mỗi tuần đi gom rác, buổi sáng từ 6h30 đến 8h, buổi chiều từ 17h30 đến 18h30.

1

Nói về động lực gắn bó với công việc nhặt rác hơn chục năm qua, anh Trung nói ''tất cả là xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, môi trường''. Với hành động nhỏ, anh mong muốn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến với cộng đồng.

Không chỉ nhặt rác trên bán đảo, anh Trung còn lặn biển, nhặt rác cứu san hô.

1
Một tuần ít nhất 2 lần anh Trung lặn biển để nhặt rác cứu những rạn san hô xinh đẹp.

Anh Trung cho biết, san hô là nơi lưu trữ đa dạng sinh học, hỗ trợ cho nhiều loại cá và sinh vật biển khác. Không phải nơi nào cũng có san hô. Mỗi năm san hô chỉ cao thêm được 1cm và có thể bị hủy hoại nếu môi trường ô nhiễm, rác thải.

Khi lặn biển nhìn thấy rác đủ loại vỏ lon, chai lọ, lưới cá “bức tử” các rạn san hô xinh đẹp, anh cảm thấy không thể chần chừ. Mỗi tuần ít nhất 2 lần anh dành thời gian để lặn biển nhặt rác, giải cứu san hô.

Tuy nhiên, không giống như nhặt rác trên bờ, chỉ cần kẹp rác thôi là đủ. Lặn biển nhặt rác đòi hỏi phải có kỹ năng bơi lặn và có sức khỏe tốt.

“Không phải ai cũng biết bơi là nhặt được rác. Nhặt rác dưới biển rất khó vì phải lặn sâu xuống 5-7m, rác thì không đứng yên. Nhiều khi lặn một hơi không nhặt được rác. Đặc biệt là phải biết được khu vực nào có dòng nước chảy, độ sâu dòng chảy. Không được ham và ráng quá vì dễ bị hụt hơi, đuối sức. Việc tháo gỡ rác ở các rạn san hô đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ tránh làm gãy san hô. Bên cạnh đó, ở dưới đáy biển có rất nhiều sinh vật có độc, không cẩn thận có thể bị trúng độc, nguy hiểm đến tính mạng”, anh Trung nói.

1
Hành động của anh đã lan tỏa đến nhiều bạn trẻ.

Hiện nay, câu lạc bộ bơi lội quận Thanh Khê thường xuyên đồng hành cùng anh làm công việc này. Đây là những người có kinh nghiệm hoạt động dưới nước, nhiều người là huấn luận viên, vận động viên bơi lội.

1
Những tấm lưới ma bủa vây san hô anh Trung chụp được khi lặn ở độ sâu 5-7m.

11 năm nhặt rác, không lần nào đi nhặt rác mà về tay không, nhưng điều đó không làm anh cảm thấy nản vì hành động ý nghĩa của anh dần lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của các bạn trẻ, các câu lạc bộ. Cứ cuối tuần, nhiều bạn trẻ lại rảo quanh Sơn Trà, cùng nhau nhặt rác, lặn biển thu gom rác thải.

1
Lặn biển nhặt rác vất vả, đòi hỏi có sức khỏe và phải có nhiều kỹ năng.

“Đáng mừng là nếu trước đây mỗi ngày tôi nhặt được 30-40kg rác thì nay có khi chỉ khoảng 3-4kg. Điều đó cho thấy mọi người đã thay đổi thái độ, có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Nhiều bạn trẻ đã chung tay để làm sạch Sơn Trà. Các cơ quan, đoàn thể cũng tham gia cùng anh vào công việc này”, anh Trung hào hứng chia sẻ.

1
Nhiều nhóm, câu lạc bộ đã đồng hành cùng anh Trung để nhặt rác, làm sạch môi trường biển.

Để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, anh Trung còn đưa hoạt động nhặt rác trong các tour du lịch của công ty mình. Mỗi tour, anh đều trang bị dụng cụ nhặt rác, giỏ đựng cho du khách và dành 15 phút để du khách thu gom rác. Cả du khách nước ngoài và người Việt Nam đều rất hào hứng với hoạt động này.

1
Để nhặt được vỏ lon, chai nhựa, có khi phải lặn sâu 7m.

1
Anh Trung lượm được rất nhiều rác từ đáy biển.

“Tôi sẽ gắn bó với việc nhặt rác đến khi nào sức khỏe vẫn còn có thể. Tuy nhiên, tôi cũng hi vọng mình sẽ sớm “thất nghiệp” với công việc này, chỉ mong mỗi khi đến Sơn Trà sẽ không còn nhìn thấy một cọng rác”, anh Trung tâm sự.

Với những việc làm ý nghĩa, anh Trung đã trở thành đại sứ môi trường biển. Không chỉ làm sạch Sơn Trà, anh Trung đang lan tỏa những hành động tốt đẹp đến khắp nơi của đất nước.

Theo Infonet.vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây