Được gặp Bác Hồ
Một sáng tháng 9 rực nắng, trong căn nhà đầy vật dụng nhuốm màu thời gian, bà Nguyễn Thị Nguyệt (85 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) cẩn trọng mở tủ, lấy ra những cuốn album dày cộm chứa hơn 3000 bức ảnh Bác Hồ.
Với tất cả sự cẩn thận, nâng niu, bà nhẹ nhàng lấy ra một tấm ảnh về Bác Hồ mà tôi chưa từng thấy ở bất kỳ tài liệu nào. Cầm bức ảnh trên tay, bà thinh lặng.
Biết bà đang đắm mình trong những ký ức đầy vinh dự, tôi lặng im chờ bà chia sẻ. Ít giây sau, bà nói: “Tôi có vinh dự được nhiều lần gặp Bác. Thậm chí, khi còn trẻ, tôi từng được ôm Bác Hồ”.
Lần đầu tiên là khi bà Nguyệt đang theo học trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Những năm tháng ấy, mỗi khi có dịp đến Hải Phòng công tác, Bác Hồ đều ghé thăm một trường học nào đó.
Bà Nguyệt nhớ lại: “Năm 1959, Bác đến Hải Phòng công tác và quyết định ghé thăm trường Học sinh miền Nam. Tôi nhớ, Bác đến thăm trường vào buổi trưa. Lúc đó, tôi là Thanh niên cờ đỏ nên được phân công đứng trực ngoài cổng trường”.
“Khi xe chở Bác vừa đi qua cánh cổng, tôi chạy ngay đi khoá cổng lại. Sau đó, tôi đến mở cửa xe cho Bác. Bác bước ra, tôi ôm chầm lấy Người rồi khóc trong niềm hạnh phúc vô bờ”, bà kể thêm.
Sau "trận khóc vì hạnh phúc trào dâng", bà hướng dẫn Bác đến gặp ban giám hiệu nhà trường. Sau đó, bà được ban giám hiệu cho phép cùng chứng kiến Bác viết lưu niệm.
Viết xong, Bác khoan thai bước lên bục ở giữa phòng rồi để lên đó rất nhiều kẹo. Thấy vậy, bà Nguyệt và các học sinh khác ngồi ở hàng ghế đầu đều cười tươi nhìn Bác.
Bà kể: “Ít phút sau, Bác nhìn xuống chúng tôi và hỏi với giọng thân tình: “Các cháu ăn có no không? Ở dưới đồng thanh đáp: Dạ có”.
“Bác lại hỏi: Các cháu có đói không?”. Các bạn tôi cũng đáp: Dạ có”. Nghe câu trả lời rất thật ấy, ai cũng cười. Bác cũng cười vì khi Bác hỏi cái gì, mọi người đều trả lời là có hết”, bà nhớ lại.
Cũng tại trường này, bà Nguyệt có thêm một kỷ niệm thú vị với Bác Hồ. Đó là nhờ Bác mà bà có thể tự may quần áo cho mình. Những năm đó, trường Học sinh miền Nam thường thuê người may đồng phục cho hơn 700 học sinh.
Việc này khiến trường phải tiêu tốn một số tiền không nhỏ. Trường cũng dư ra một số lượng lớn vải vụn gây lãng phí. Biết việc này, Bác yêu cầu bà hiệu trưởng phải dạy học sinh tự cắt may đồng phục. Tiền thuê người may đồ, trường sẽ dùng để mua máy khâu của Nhà nước với giá rẻ.
“Thế là tôi được dạy tự cắt vải, may quần áo. Tôi có kỷ niệm là khi ráp cổ áo lại không chú ý khiến nó bên to bên nhỏ. Bây giờ, cứ nhìn thấy bức ảnh tôi mặc cái áo đầu tiên mình tự tay may có cái cổ bên to bên nhỏ, tôi lại nhớ Bác da diết”, bà bùi ngùi xúc động nói.
Tham gia xây Lăng Chủ tịch, sưu tầm ảnh Bác
Bà Nguyệt tham gia chống Pháp từ năm 1951 khi mới 12 tuổi. Tháng 10/1954, bà được tập kết ra Bắc, được cử đi học tại Hải Phòng. Sau đó, bà được cử sang Liên Xô học chuyên sâu bóng chuyền.
Về nước, bà trở thành huấn luyện viên đội bóng chuyền quốc gia rồi về công tác tại Tổng cục Thể dục thể thao. Năm 1991, bà giữ chức Phó Giám đốc cơ quan thường trực Bộ Văn hóa-Thông tin tại TP.HCM, Giám đốc chi nhánh công ty Dụng cụ thể dục thể thao Trung Ương cho đến khi về hưu.
Suốt thời thanh xuân của mình, bà Nguyệt có nhiều kỷ niệm đáng tự hào. Ngoài việc được trực tiếp gặp Bác Hồ, bà còn có vinh dự tham gia lao động công ích xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà kể: “Thời điểm đó, Nhà nước có phong trào Phụ nữ ba đảm đang. Tôi vinh dự được chọn là người có đủ yếu tố của phong trào nên cơ quan giới thiệu, đề cử tôi tham gia lao động công ích xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đến công trường, bà Nguyệt được làm việc trong công đoạn rửa những viên đá dùng để trộn bê-tông xây Lăng. Đó là những viên đá rất đẹp có hình vuông, kích thước chỉ bằng 2 đầu ngón tay.
Sang năm thứ hai, bà tiếp tục được cử đi lao động công ích tại Lăng. Lần này, bà nhận nhiệm vụ đánh bóng các viên gạch được sử dụng để xây dựng ở gian thứ nhất của Lăng.
Bà tâm sự: “Lao động công ích nhưng chúng tôi làm việc trong tinh thần trách nhiệm, kỷ luật nghiêm ngặt. Các kỹ sư người Nga tại công trường rất nghiêm khắc, không cho công nhân đi lung tung”.
“Cũng như tôi, những người được tham gia lao động công ích xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều cảm thấy vô cùng vinh dự. Chúng tôi luôn xem đó là những kỷ niệm, tháng ngày thiêng liêng, không thể nào quên”, bà nói thêm.
Khi đất nước thống nhất, bà Nguyệt trở về miền Nam cùng hình ảnh, ký ức và những câu chuyện về Bác như đã hằn sâu vào tâm trí. Và, chính tình cảm thiêng liêng ấy đã thôi thúc bà nghiên cứu, sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ.
Từ hơn 40 năm trước, bà một mình đạp xe đạp đến các nhà sách, thư viện… để tìm ảnh Bác. Bà lấy số tiền tích cóp từ những lần được Nhà nước khen thưởng ra mua sách, báo, tài liệu có ảnh Bác.
Bà cũng tỉ mẩn cắt ảnh Bác ra từ các bài viết, trang báo, sách cũ… Hằng ngày, bà luôn lắng nghe, tìm hiểu xem ai có ảnh, tài liệu hay về Bác Hồ để lặn lội đến tận nơi xin chụp, scan lại. Thậm chí khi ra nước ngoài thăm con, bà cũng dành phần lớn thời gian để đi tìm những bức ảnh về Bác.
Bà tâm sự: “Tôi không chỉ muốn cất những bức ảnh ấy trong tủ sách để bản thân được cảm thấy luôn bên Bác, gần Bác. Tôi còn muốn cho các con, các cháu của ngày hôm nay dù không được gặp Bác vẫn biết về sự gần gũi, đáng kính, những hy sinh của Bác dành cho nhân dân, đất nước”.
Với khát vọng ấy, khi còn đang làm việc cho Nhà nước, bà luôn mở đầu cuộc trò chuyện của mình với các cán bộ, buổi họp bằng những câu chuyện về Bác.
Nhiều năm qua, bà mang những tài liệu ấy đến các trường mẫu giáo, tiểu học rồi say mê kể những mẩu chuyện về Bác cho học sinh nghe… Bà cũng đã gửi cho bảo tàng gần 2000 ảnh Bác Hồ.
Theo Vietnamnet.vn