Đó là câu chuyện của anh Đặng Văn Toàn (SN 1992, trú xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Toàn đang là chủ của Công ty TNHH Nội thất gỗ An Minh tại Cụm công nghiệp làng nghề xã Khánh Vĩnh Yên - một trong những cơ sở sản xuất nổi bật tại xã Khánh Vĩnh Hưng.
Cơ sở sản xuất gỗ nội thất của anh Đặng Văn Toàn.
Chàng sinh viên lầm lỗi…
Toàn là con út trong gia đình có 9 anh chị em. Bố mẹ làm nông nghiệp lại đông con nên cuộc sống gia đình Toàn cũng “bữa đói bữa no”.
Sớm ý thức về hoàn cảnh gia đình, Toàn đã cố gắng học tập. Sau khi tốt nghiệp THPT, Toàn thi đỗ vào ngành Công nghệ ô tô (Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh) với ước mơ sau này mở một xưởng sửa chữa ô tô.
Ông chủ xưởng gỗ quy mô hàng chục tỷ kể về quá khứ lầm lỗi của mình.
Thế nhưng, cuộc đời đã rẽ sang một hướng khác khi chàng sinh viên vừa kết thúc năm học đầu tiên.
Mùa hè năm 2012, Toàn về quê rồi vướng vào vòng lao lý với tội danh “Gây rối trật tự công cộng, Cố ý gây thương tích”.
Với tội lỗi gây ra, Toàn phải trả giá 6 năm tù giam. Thời điểm đó, mọi thứ dường như sụp đổ đối với Toàn và gia đình.
Xưởng mộc được đầu tư với các máy móc thiết bị hiện đại.
“Trong thời gian đầu thụ án, em từng có suy nghĩ rằng cuộc đời đã mất tất cả và buông xuôi mọi thứ. Nhưng quá trình cải tạo, em được các cán bộ quan tâm, động viên và dần thay đổi nhận thức. Em đã gạt bỏ mặc cảm để phấn đấu theo hướng tích cực” - Toàn nhớ lại.
Từ suy nghĩ trên, Toàn đã cố gắng cải tạo tốt, mong ngày sớm trở về làm lại cuộc đời. Đầu năm 2017, Toàn được ra tù trước thời hạn.
Tổng chi phí cho máy móc, thiết bị để sản xuất được anh Toàn đầu tư gần 10 tỷ đồng.
Ngày trở về, Toàn không khỏi mặc cảm và băn khoăn không biết bắt đầu lại từ đâu. Có người khuyên Toàn đi xuất khẩu lao động, cũng có người bảo nên tiếp tục con đường học hành.
Toàn kể: “Lúc đầu em cũng đắn đo trước những lời khuyên trên, nhưng rồi với suy nghĩ gục ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó. Em không muốn đi học lại cũng như trốn tránh ở nơi đất người mà phải làm giàu trên chính mảnh đất của mình”.
…đến ông chủ xưởng mộc
Suy tính kỹ, Toàn đã chọn hướng kinh doanh trần gỗ - một sản phẩm lâu đời của làng mộc quê nhà.
Mất một thời gian bôn ba ở vùng đất Quảng Ngãi nhưng không thành công, Toàn trở về nhà. Tiếp đó, anh cùng nhóm bạn vào TP Hồ Chí Minh và liên kết với một công ty nội thất để lắp ráp gỗ công nghiệp.
Các sản phẩm gỗ trần của công ty anh Toàn được nhiều người ưa chuộng.
Dù công việc có nhiều tiến triển nhưng anh vẫn luôn trăn trở làm sao các sản phẩm không chỉ phân phối trong tỉnh mà còn có thể đi ra ngoài tỉnh, cạnh tranh với các thương hiệu khác.
Đầu năm 2019, khi tỉnh đầu tư xây hạ tầng Cụm Công nghiệp Yên Huy gắn với làng nghề mộc Tràng Đình, Toàn đã mạnh dạn thuê 1.000 m² đất ở để xây dựng xưởng sản xuất và phòng trưng bày.
Các mẫu mã nội thất được trưng bày tại cơ sở của anh Toàn.
Đồng thời, tiếp tục mua sắm thêm nhiều máy móc hiện đại, mở rộng thị trường bán hàng ra các tỉnh. Anh kết hợp với một số người bạn để mở thêm cơ sở ở Đồng Nai.
“Em đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho xưởng sản xuất mới. Đó là bước đi táo bạo nhưng em cũng rất tự tin là sẽ thành công. Năm 2019, doanh thu từ cơ sở mang lại khoảng 6 tỷ đồng. Năm 2020, theo hợp đồng đã ký, tăng lên chừng 10 tỷ đồng” - Toàn tự tin.
Để thuận lợi cho công việc, đầu năm nay, Toàn thành lập Công ty TNHH Nội thất gỗ An Minh. Công ty của anh đang tạo công ăn việc làm cho trên 20 lao động với thu nhập mỗi người từ 5,5 - 20 triệu đồng/tháng. Trong số này, có không ít người cũng từng có quá khứ lầm lỡ như anh.
Hiện xưởng mộc của anh Toàn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với mức lương từ 5,5-20 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Hùng chủ tịch UBND Khánh Vĩnh Yên cho biết, từ khi trở về địa phương, được sự giúp đỡ của chính quyền cũng như các đoàn thể, Toàn đã thực sự tiến bộ. Đây là một điển hình tiêu biểu trong tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù, là tấm gương cho những trường hợp có hoàn cảnh tương tự học tập.
Nguồn tin: Dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự