Trường Đại học Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam
Chùa Quỳnh Lâm tên thường gọi là chùa Quỳnh, tên tự là Quỳnh Lâm Tự, tọa lạc tại núi Tiên Du, thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Theo các dữ liệu lịch sử, chùa được xây dựng vào thời vua Lý Thần Tông (1127 – 1138) bởi Quốc sư Nguyễn Minh Không. Sau khi xây dựng chùa, nhà sư Nguyễn Minh Không đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng có kích thước khổng lồ, cao tới 6 trượng (tương đương 20m) để thờ cúng.
Lịch sử thiền phái Trúc Lâm cho hay: Từ những năm đầu thế kỷ XIV, sư tổ đệ nhị (Thiền sư Pháp Loa) của thiền phái đã cho san khắc nhiều bộ kinh luật tại chùa Vĩnh Nghiêm để phục vụ việc truyền giảng, lưu hành giáo lý. Sau, chính sách “hoại thư” của nhà Minh khiến các mộc bản này bị hủy hoại vào đầu thế kỷ XV. Ngoài việc cho san khắc các mộc bản kinh phật tại chùa Vĩnh Nghiêm, năm 1319 Thiền sư Pháp Loa còn kêu gọi tăng nhân và Phật tử chích máu in hơn 5.000 quyển kinh Đại Tạng cất giữ ở Viện Quỳnh Lâm.
Được sự ủng hộ rất lớn của nhà vua và các giới quý tộc, Thiền sư Pháp Loa đã cho xây dựng và mở mang nhiều chùa tháp. Riêng năm 1314 ông cho xây dựng 33 cơ sở điện thờ Phật, gác chứa kinh... Chính trong thời kỳ này trên cơ sở chùa Quỳnh Lâm cũ, năm 1316 Thiền sư Pháp Loa cho thành lập “Viện Quỳnh Lâm” - trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta được ra đời từ đây.
Những năm cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, cùng với chùa Vân Yên (Hoa Yên) ở Yên Tử, chùa Báo Ân ở Siêu Loại (Bắc Ninh), thiền viện Quỳnh Lâm do Pháp Loa trụ trì là 1 trong 3 trung tâm giáo hội Trúc Lâm thời Trần. Nhiều hội lớn được tổ chức tại đây như hội “Thiên Phật” tổ chức vào năm 1325, hội kéo dài bảy ngày bảy đêm.
Chùa Quỳnh Lâm - Nơi từng lưu giữ một trong “An Nam tứ đại khí”
Trải qua năm tháng, cùng với những biến động của thời cuộc, chùa nhiều lần bị xuống cấp hoặc bị phá hủy, thiêu rụi rồi lại được trùng tu, tôn tạo. Từ năm 2016 đến nay, chùa Quỳnh Lâm đang được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Ảnh tư liệu.
Truyền rằng chùa Quỳnh Lâm đã từng có hai pho tượng lớn. Do Thiền sư Nguyễn Minh Không tới Trung Quốc mang túi lớn thâu đồng đen về mà đúc thành. Một pho được đúc vào thời Lý do Thiền sư Nguyễn Minh Không phụ trách và một pho khác được đúc vào thời Trần cho Thiền sư Pháp Loa phụ trách. Theo một số tài liệu thì pho tượng đầu tiên thời Lý có chiều cao xấp xỉ 6 trượng (tức gần 20m) là tượng đồng cổ lớn nhất Việt nam, pho tượng lớn đến nỗi người ta phải cho xây tòa điện cao 7 trượng để đặt tượng. Vì lẽ pho tượng lớn vậy mà dân gian còn nhắc rằng, đứng ở phía nam huyện Đông Triều, cách chùa Quỳnh Lâm chừng 10 dặm vẫn có thể nhìn thấy nóc điện che sát đầu bức tượng. Đủ thấy sự vĩ đại của tượng Phật Thế nào. Có bài ca rằng:
Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi sứ đông
Tháp cao chín đợt màu mây ám
Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng
Trước điện thông reo cùng trúc hóa
Trong am khánh đá với chuông đồng.
Pho tượng thứ 2 đúc dưới thời nhà Trần bởi Thiền sư Pháp Loa, thiền phái Trúc Lâm. Năm 1327, tượng được đúc xong , năm 1328, nhân dịp vua Trần Minh Tông đến thăm chùa, sư Pháp Loa đã lạy vua xin cho kéo tượng từ điện lên bảo tọa để dát vàng. Lúc ấy, công chúa Thượng Trân, vợ vua Trần Anh Tông đã công đức cho chùa 900 lượng vàng để dát tượng.
Đây là 2 pho tượng rất hùng vĩ trong giai đoạnh cực thịnh của Phật giáo Việt nam và cũng được xem như niềm tự hào của kiến trúc Đại Việt. Đáng tiếc cả 2 bức tượng đều đã bị quân Minh trong quá trình kéo quân sang xâm chiếm phá bỏ để lấy đồng đúc vũ khí vào thế kỷ 15. Có ý kiến khác cho rằng, tượng bị mất từ khi quân Nguyên Mông sang xâm chiếm nước ta bởi vì sau đó Thiền sư Pháp Loa cho đúc một pho tượng lớn tương tự.
Trải qua ngàn năm với biết bao thăng trầm, biến cố: lúc chiến tranh, khi thiên tai hỏa hoạn, ngôi chùa đã từng được xem là Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam ngày xưa ấy vẫn còn nguyên giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Hàng năm cứ đến ngày 4 tháng 2 (Âm lịch) du khách các nơi lại đổ về trảy hội Quỳnh Lâm.