Toàn bộ ngôi chùa được thiết kế theo lối kiến trúc mỹ thuật Trung Hoa và còn giữ được hầu như nguyên vẹn số lượng lớn gốm men nhiều màu đã gắn, ốp trên các cấu kiện của kiến trúc.
Cổng tam quan được thiết kế theo kiểu gác chuông tầng hai mái, đồ sộ, hiên ngang. Trên bốn cột đồng trụ đỉnh đều có chạm chim, phượng, lồng đèn và đắp tứ linh, bên ngoài hai bên cổng phụ còn đắp hình voi, ngựa, phía trên tám góc mái chạm hình rồng chầu nguyệt tạo nên thế uy phong, dũng mãnh, đặc biệt những hình thù đó không phải được xây dựng từ gỗ, gạch ngói thông thường như bao ngôi chùa khác mà được làm bằng gốm sứ màu nguyên chất, bởi vậy mà trải qua gần 80 năm vẫn còn bóng màu men gạch.
Trên khuôn viên 3.000m2, các công trình kiến trúc của chùa Hưng Ký vẫn được bảo tồn như tam quan, tam bảo, Phật điện, nhà tổ, nhà bia được bố trí hợp lý, hài hòa.
Một góc chùa Hưng Ký (Ảnh: Khánh Vi Phạm).
Tòa tam bảo phía bên trong chùa được xây dạng chữ "Đinh", tiền đường chia làm 7 gian gồm 12 cột cái, mỗi cột cao 7m, cạnh vuông 30cm, mỗi cột đều được khắc câu đối bằng chữ Hán, chữ Nôm. Phía trên mái chùa chính có 4 lớp, được lợp toàn bộ bằng ngói ống, đầu gắn chữ "Thọ". Nóc mái, ở chính giữa có gắn biểu tượng một chiếc nậm đựng nước cam lồ, biểu trưng cho lòng từ bi, mang ý nghĩa cứu khổ cứu nạn, cúng thế lòng từ bi chan rải tình thương tới đâu, làm êm dịu mọi khổ đau của chúng sinh tới đó.
Phía trên mỗi góc mái đều được chạm trổ hoàn toàn bằng gốm sứ nhiều màu tinh xảo, độc đáo (Ảnh: Khánh Vi Phạm).
Mái chùa được làm từ ngói ống cùng với các tượng sứ nhiều màu ghép lại trên các diềm mái, trang trí các đề tài trong truyện Tây Du Ký, tả lại 81 khổ nạn Đường Tăng gặp phải trên đường đi Tây Trúc lấy kinh. Mỗi một đường nét, màu sắc kết hợp lại với nhau vô cùng hài hòa, giống như các câu chuyện đang được diễn tả lại một cách rất chân thực. Hàng mái tàu hiên tam bảo, trong là gỗ, ngoài ốp lớp gốm men màu trang trí hình lá đề, trong mỗi lá đề có hình hoa chanh bốn cánh rất tinh xảo.
Dưới mái hiên là những bức tranh thiên nhiên bằng gốm sứ nhiều màu sắc (Ảnh: Thanh Tâm).
Ngay phía dưới mái hiên, trên các bức tường đều chạm trổ bằng những hoa văn gốm sứ hết sức đơn giản nhưng cũng không kém phần đặc sắc, với đủ các hình khối, màu sắc. Lối kiến trúc cổ xưa ấy tạo cảm giác xưa cũ, tất cả đều được những nghệ nhân xưa chạm khắc lại bằng gốm sứ. Mặc dù không có lịch sử lâu đời như nhiều ngôi chùa khác nhưng nơi đây lại có sức thu hút đặc biệt bởi nghệ thuật kiến trúc rất phong phú và đa dạng.
Các bức tường bên trong chính điện đều được chạm trổ bằng những hoa văn, hình ảnh hay những câu chuyện đầy màu sắc về đức phật (Ảnh: Thanh Tâm).
Ngay phía bên trong cửa Tam bảo là những bức tranh vẽ trực tiếp lên tường, đó là những bức tranh về con đường tìm về với Phật, về thiên nhiên, cuộc sống do những nghệ sĩ tài hoa thời đó khắc họa lại (Ảnh: Thanh Tâm).
Một bên tòa Thập điện Diêm vương bên trong điện Tam bảo (Ảnh: Thanh Tâm).
Trong nhà Tam bảo, hai bên hai tòa Thập điện Diêm vương bao gồm các tượng người, quỷ, Diêm vương do một người nghệ nhân của làng Bát Tràng tự tay làm thủ công, nặn bằng đất, sau đó quét màu, tráng men rồi đem nung. Mỗi một bên động có 5 vị Diêm vương, 2 vị Thiên vương và nhiều tượng khác xung quanh.
Theo sư thầy Thích Chân Bảo, thầy cho biết: "Thập điện Diêm vương gồm có ba tầng, tầng giữa là tòa Diêm vương, có mười vị Diêm vương ngồi phán xét những người phạm tội. Tầng dưới là địa ngục giam cầm những người làm điều xấu, điều ác, cửa ngục còn có cảnh dạ xoa hành hạ những kẻ kiếp trước ăn ở thất đức. Tầng trên cùng là cảnh hoan hỷ tự do của những người làm điều thiện. Bên trên các cửa ngục đều có những vị phật đứng đó mang ý nghĩa cứu độ chúng sinh".
Nhà bia phía sau Phật điện kể lại các câu chuyện Phật giáo, các điển tích nhà Phật (Ảnh: Thanh Tâm).
Nhà bia xây được xây dựng bằng gạch và bêtông với lối kiến trúc tứ trụ hai tầng mái, ở giữa đắp nổi các hình mô tả câu chuyện Đường Tam Tạng đi lấy kinh trong truyện Tây Du Ký, biểu tượng liên hoàn "Tứ môn xuất du" của Thích Ca Mâu Ni tu hành đắc đạo và mô tả tích truyện Quan Âm Thị Kính.
Giữa nhà là tấm bia tạo bằng đá liền khối do cư sĩ Lã Nam Mai soạn năm 1933, viết:
Bên Long Thành dựng ngôi chùa
Nào Tiên nào Phật điểm tô muôn màu
Việc thần đạo nói bàn sao xiết
Phía Hà Thành tô nét tài hoa
Danh lam do Bắc Kỳ ta
Thực là bậc nhất thuyền gia lâu dài.
Bức phù điêu phượng được đặc tả tỉ mỉ đến từng chi tiết (Ảnh: Thanh Tâm).
Xung quanh chùa Hưng Ký, vẻ đẹp của lân được tái hiện lại hết sức sống động (Ảnh: Khánh Vi Phạm).
Bên trong chùa Hưng Ký, tất cả đều được chạm khắc bằng gốm sứ, sự tinh xảo, hoa mỹ của nó khiến người ta không khỏi thán phục. Bởi mỗi một đường nét đều được điêu khắc khá tỉ mỉ, từng chi tiết một được khắc họa rõ ràng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn còn vẹn nguyên giá trị của nó.
Nguồn tin: Dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự