Từ Khu di tích Lam Kinh đến Thành nhà Hồ… nơi nào cũng lũ lượt người đến tham quan, du ngoạn. Nhìn bảng số xe, biết ra là không chỉ có dân Thanh Hóa mà từ khắp mọi miền đất nước - chưa kể khách du lịch “Tây ba lô”. Và, nơi đông khách nhất có lẽ là suối cá thần Cẩm Lương.
Ra Thanh Hóa tôi mới biết là ở xứ Thanh có đến 3 suối cá thần, chứ không phải chỉ có suối cá thần Cẩm Lương mà từ lâu tôi rất muốn có dịp đến tận nơi để xem cá thần “linh hiển” ra sao mà bao đời nay không ai dám “đụng” đến.
* Không dám mạo phạm
Một trong hai suối cá thần gần đây mới được nhiều người biết đến là: Suối cá thần Cẩm Liên (còn gọi là Suối Đóng, hay Mó Đóng) nằm bên phía bờ bắc sông Mã, thuộc địa phận thôn Rùng, xã Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy). Dân ở thôn Rùng chủ yếu là bà con dân tộc Mường, bao đời nay sống bằng nghề làm ruộng và dùng nước sinh hoạt từ nguồn Mó Đóng, nơi có đàn cá to béo. Đàn cá sinh sôi, phát triển ngày một đông đúc, nhưng chỉ quẩn quanh trong một đoạn suối có diện tích khoảng 500m2 rồi lại quay vào.
Nước Suối Đóng trong vắt, nhìn thấy cả đá, sỏi dưới lòng suối. Hang có đến 3 cái cửa chỉ rộng bằng cái nia, đủ cho cá chui ra vào ban ngày, đến đêm lại bơi vào dòng suối ngầm nằm sâu trong lòng núi. Người thì tắm giặt, lấy nước gần đấy mang về uống và nấu ăn. Bà con người Mường ở đây cho rằng: Bắt cá ở suối cá thần là có tội. Vì vậy, dù nghèo đói đến đâu vẫn chưa có người dân nào ở thôn Rùng dám... mạo phạm đến cá thần.
Một suối cá thần nữa nằm trong khu vực hang động của lưu vực sông Âm (một nhánh của sông Chu), thuộc địa bàn bản Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước. Đàn cá ở đây rất lớn với đủ kích cỡ, nhởn nhơ bơi lội trong khu vực suối gắn kết với hang động rộng đến hơn một hécta. Bao đời nay suối cá thần là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho toàn thể người dân tộc Thái ở bản Chiềng Ban. Họ lập cả bàn thờ trong hang. Cá thần đã bảo vệ và giữ ổn định nguồn nước, giúp cho bà con làm tốt mùa màng. Bà con dân tộc Thái còn chia nhau mang thức ăn ra cho đàn cá và xem việc khách đến tham quan rải thức ăn cho cá là một thái độ thiện chí.
* Ở suối cá thần Cẩm Lương
Không như suối cá thần ở bản Chiềng Ban, khi đến suối cá thần Cẩm Lương, tôi thấy mấy tấm bảng to đùng lưu ý du khách không được cho cá ăn. Tại đây, lực lượng bảo vệ đông hàng chục người cầm tu huýt trên tay, mắt nhìn chằm chằm vào đám khách trẻ để kịp thời thổi còi ngăn chặn việc khách ném thức ăn cho đàn cá.
Suối cá thần Cẩm Lương được người trong cả nước biết đến nhiều nhất trong số 3 suối cá thần ở Thanh Hóa. Suối nằm ở phía bắc bờ sông Mã, giữa một vùng non nước hữu tình: Bên chân núi Trường Sinh thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương có rừng nguyên sinh nhiệt đới bao quanh và có chiếc cầu treo duyên dáng dẫn đường vào. Suối cá thần Cẩm Lương thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương - cách trung tâm TP.Thanh Hóa chừng 80km về phía Tây Bắc.
Suối chỉ dài hơn trăm mét chảy từ hang đá Động Đăng nằm trong lòng núi Trường Sinh đổ ra một thung lũng thoai thoải bên bờ sông Mã có đàn cá dày đặc, ước đến vài ngàn con. Rất nhiều con phải trên 10kg với hình dáng lạ: xanh xám, vi vảy có viền đỏ, hồng hoặc vàng tươi… Đặc biệt là khi bơi lượn, thân cá phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc nhìn thật ấn tượng. Lạ hơn nữa là đàn cá tỏ ra rất thân thiện với con người. Ở mấy đoạn suối cạn, tôi nhìn thấy có cô gái đưa tay vuốt ve cá; và “vị thần” này có lẽ cũng khoái “chân dài xinh đẹp” nên dừng bơi đứng lặng lờ rồi vểnh râu lên... một cách ngoan ngoãn!
Trước mặt vài chục khách tham quan đứng chen kín trên bờ suối chỉ trỏ, kêu réo hoặc tranh nhau chụp ảnh, quay phim, đàn cá vẫn thản nhiên bơi lội. Bà con người dân tộc Mường ở bản Ngọc cho biết: Cá thần thường ra khỏi hang vào lúc trời sáng, thơ thẩn, dạo chơi đến khi trời nhá nhem tối lại trở vào hang. Đặc biệt là cá thần chỉ quanh quẩn trong phạm vi 100mét trước miệng hang đá, chứ không bao giờ vượt qua đến đoạn suối có tấm bản cho phép người dân được tắm rửa, sử dụng nước. Cũng lạ là ở cả 3 suối cá thần đều có cá sống tập trung với mật độ dày đặc, nhưng nước suối lại không có mùi tanh đặc trưng mà vẫn đảm bảo được chất lượng nguồn nước cho cư dân tại chỗ sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất.
* Truyền thuyết về suối cá thần
Khi được hỏi về nguồn gốc của suối cá thần, nhiều người Mường, Thái và cả người Kinh đã sống khá lâu đời ở Cẩm Thủy, Bá Thước đều cho biết khi họ sinh ra là đã có suối cá thần rồi. Các cụ thân sinh ra họ cũng không biết suối cá thần có từ bao giờ.
Rất may mắn là ở bản Ngọc còn có vài cụ già người Mường nhớ được truyền thuyết về suối cá thần Cẩm Lương. Theo đó, thời khai thiên lập địa, vào một năm dân bản Ngọc bị hạn hán, mất mùa, có hai vợ chồng hiếm muộn nọ phải kéo nhau ra đồng tìm miếng ăn, đã nhặt được quả trứng lạ. Người vợ đem quả trứng thả xuống suối Ngọc thì quả trứng lại lăn lên tay trở lại. Thấy vậy, cả hai quyết định mang trứng về nhà và đặt vào ổ gà đang ấp. Vài hôm sau trứng nở ra con rắn. Sợ quá, người chồng đem con rắn ra suối Ngọc để thả, nhưng con rắn vẫn theo về nhà. Nhưng rất lạ là kể từ khi con rắn xuất hiện, thì mưa thuận gió hòa, nước đầy ăm ắp, dân bản Ngọc tha hồ cày cấy, nhà nào cũng thóc lúa đầy bồ. Và chàng rắn được xem là vị cứu tinh của cả bản, rất được mọi người tôn kính. Rồi một hôm trời nổi cơn giông, sấm chớp liên hồi. Dứt cơn giông, dân bản thấy xác chàng rắn nằm bên chân núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc. Mọi người thương tiếc, tổ chức mai táng trọng thể. Đêm đó trưởng bản được thần báo mộng là chàng rắn tử trận do quyết chiến với thủy quái để bảo vệ dân bản, bèn cho lập đền thờ, gọi là Ngọc Từ, sau đó phong thần cho chàng rắn là Tứ Phủ Long Vương. Từ ngày phong thần, ở suối Ngọc xuất hiện đàn cá thần quây quần chầu trước đền Ngọc Từ.
Cũng từ bao đời nay, vào ngày khai hạ hàng năm (mùng 8 Tết Nguyên đán) bà con dân tộc Mường ở Thanh Hóa đều tụ hội về suối Ngọc để tổ chức lễ hội rước cá thần cầu may. Lễ hội này được tổ chức hết sức long trọng. Dẫn đầu đoàn rước kiệu là những nhạc công trống, sáo, cồng chiêng... tiếp đến là 15 cô gái Mường bước theo gõ nhịp. Đoàn đi qua đến nhà nào cũng có người đại diện chờ sẵn với mâm cỗ đội trên đầu bước theo cúng tế thần cá. Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian, hát Xường, ru Mường... thu hút đông đảo nhân dân khắp các vùng đến tham dự và thường kéo dài đến hết mùng 10.
Ông Nguyễn Công Hoan - Trưởng ban tổ chức Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương cho biết: “Mỗi năm lại có thêm nhiều du khách trên khắp mọi miền đất nước về đây tham quan. Năm nay, dù thời tiết không thuận lợi, nhưng lượng khách vẫn đông. Mỗi ngày có trên 7 ngàn khách đến suối cá thần”.
Suối cá thần Cẩm Lương là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Danh lam thắng cảnh, lễ hội, con người… còn góp phần làm cho Cẩm Lương trở thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn khách gần xa. Vì thế, không có gì lạ, mặc cho mưa làm tẹp nhẹp đường đi, dòng người vẫn nườm nượp đổ về suối cá thần một lần cho biết...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự