Cuộc thiên di và những cổ vật quý
Trước đây, lên Hoàng Su Phì (Hà Giang), tôi đã nghe mấy anh ở Phòng Văn hóa huyện kể những câu chuyện hấp dẫn về thanh kiếm báu của tổ tiên người Dao ở Việt Nam. Tuy nhiên, các cán bộ văn hóa của huyện đều chưa nhìn thấy thanh kiếm báu ấy, thậm chí cũng chẳng biết ai đang giữ nó. Họ chỉ biết rằng, thanh kiếm đó là báu vật của tổ tiên người Dao để lại. Vì nó là báu vật, là linh hồn của dân tộc Dao, nên không phải ai cũng được tận mắt, dù là quan chức, cán bộ văn hóa. Hơn nữa, vì kiêng, hoặc sợ mất, mà người Dao cũng giấu tung tích của thanh kiếm, không tiết lộ ai giữ nó.
3 năm trước, nghe tin ở bản Đoàn Kết, xã Hồ Thầu, cũng có phiên bản của kiếm cổ, do một dòng tộc người Dao cất giữ, cán bộ Bảo tàng Hà Giang đã tìm đến xem. Vì muốn có vật độc đáo trưng bày, nên Bảo tàng Hà Giang đã tìm mọi cách thuyết phục người Dao ở đây bán lại cho Nhà nước, để Nhà nước cất giữ, trưng bày cho cả nước xem, nhằm bảo tồn văn hóa người Dao.
Với nghĩa cử cao đẹp ấy, dòng họ người Dao ở bản Đoàn Kết phải miễn cưỡng đồng ý. Buổi rước kiếm từ bản Đoàn Kết về Bảo tàng Hà Giang, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, nhiều lãnh đạo huyện, tỉnh. Cả họ người Dao đã đến tiễn đưa thanh kiếm. Trước đó, họ đã cúng bái suốt đêm. Lúc người của bảo tàng mang kiếm đi, cả trăm người, đủ cả già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, đứng bên đường khóc tu tu. Ai cũng không ngờ, người Dao lại trọng vọng thanh kiếm cũ mèm, han gỉ như vậy. Với người Dao, thanh kiếm đó là vô giá, nhưng vì ý nghĩa cao cả, nên Bảo tàng Hà Giang mua được với giá rất rẻ, gồm 3 triệu đồng và 1 con lợn. Hiện thanh kiếm này đang trưng bày tại Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên.
Tuy nhiên, đó chỉ là phiên bản của kiếm báu của tổ tiên người Dao. Thanh kiếm báu thực sự, do dòng tộc đứng đầu của người Dao ở Việt Nam hiện đang sở hữu, thì không mua nổi. Bảo tàng tỉnh đã đề xuất trả 100 triệu đồng, để được đưa về bảo tàng trưng bày, nhưng bị dòng tộc này từ chối. Thậm chí, các cán bộ của bảo tàng cũng chưa được vinh dự xem thanh kiếm này.
Lần này, lên Hà Giang, tôi lại nghe anh em ở Phòng Văn hóa huyện Hoàng Su Phì bàn tán sôi nổi về thanh kiếm báu của tổ tiên người Dao. Có đồng chí kể rằng, kiếm báu, cùng bát hương, trống, chiêng, tranh cổ đã bị dòng họ người Dao ở xã Nậm Ty giấu vào một hang đá bí mật. Những vật dụng này là của tổ tiên người Dao, truyền đến đời các con trưởng, cháu trưởng. Tuy nhiên, người được truyền những vật tối cổ kia là người không tốt, không xứng đáng được cất giữ kho báu, không xứng đáng được thờ tổ tiên, nên dòng họ đã quyết định đem những món đồ cổ đó cất giấu vào hang động. Nhưng, lại có đồng chí cán bộ văn hóa của huyện khẳng định chắc chắn rằng, thanh kiếm cổ và những vật dụng của tổ tiên người Dao hiện do Phàn Tà Loàng cất giữ. Nhà anh này ở bản Nậm Ty (xã Nậm Ty, Hoàng Su Phì, Hà Giang).
Thanh kiếm của người Dao ở Hoàng Su Phì.
Mặc dù khó có cơ hội được chiêm ngưỡng thanh kiếm báu của tổ tiên người Dao ở Việt Nam, bởi đến cán bộ văn hóa của huyện, tỉnh còn không tiếp cận được, song tôi vẫn thử tìm đến nhà Loàng, biết đâu lại có duyên với kiếm báu.
Đường vào nhà Phàn Tà Loàng đúng là khủng khiếp, cứ dốc ngược lên đỉnh núi, với đá hộc lởm chởm, mây giăng khắp ngả. Gặp ngôi nhà to nhất bản, tôi hỏi nhà Loàng, thì một người trẻ tuổi bảo: “Loàng đây, anh hỏi Loàng có việc gì?”. Tôi vốn mang ý nghĩ, Phàn Tà Loàng, người giữ kiếm báu của tổ tiên người Dao phải có tuổi, uy nghi, đạo mạo, thậm chí râu dài trắng như cước, hoặc ít ra cũng như ông thầy cúng đầy vẻ bí ẩn. Nhưng không ngờ, Loàng còn trẻ, chưa đến 40 tuổi, đang vật lộn với cái máy sao chè.
Tôi giới thiệu với Loàng là nhà báo, muốn tìm hiểu về kiếm báu của người Dao, Loàng tỏ ra lạnh nhạt, nhát gừng, như vẻ không muốn nói, cũng chẳng muốn kể. Uống hết ấm trà, Loàng cũng chỉ nói đại ý rằng: Bố Loàng là ông Phàn Chòi Cuối, là con cháu của tổ tiên người Dao, được truyền giữ đôi kiếm báu, gồm kiếm đực và kiếm cái từ năm 1974. Năm 2007, ông Cuối chết, thì kiếm báu được truyền cho con trai là Loàng. Nhưng đầu 2011, đôi kiếm báu đã được chuyển cho người anh họ là Phàn Tà Phâu. Lúc này, tôi mới biết, dòng họ này giữ cả đôi kiếm báu, gồm cả kiếm đực và kiếm cái. Trước đó, các cán bộ văn hóa huyện kể rằng, kiếm cái do dòng họ Dao ở Nậm Ty giữ, còn kiếm đực do một dòng họ khác ở Lào Cai thờ.
Tôi hỏi rằng, có chuyện các cán bộ Bảo tàng Hà Giang hỏi mua thanh kiếm hay không, anh Loàng bảo có. Các cán bộ văn hóa đã tìm vào hỏi mua, trả giá 100 triệu đồng, song Loàng khẳng định không ai có thể mua được, vì đó là linh hồn của người Dao ở Việt Nam. Nếu người giữ kiếm mà bán, thì dòng họ sẽ cho lên giàn hỏa thiêu. Tuy nhiên, theo lời Loàng, thì những bức tranh cổ mới là quý, thậm chí còn quý hơn cả kiếm. Tôi ngỏ ý nhờ Loàng dẫn đường đến nhà ông Phâu, song Loàng không đồng ý. Loàng bảo, dù có gặp ông Phâu, cũng không xem được kiếm. Trong lúc trò chuyện với Loàng, tôi mới biết, Loàng là em của ông Ké, Chủ tịch UBND xã Nậm Ty. Như vậy, ông Ké cũng là em họ của ông Phâu – người gữi kiếm cổ.
Tôi vốn quen ông Ké từ năm 1998, trong chuyến đi bộ 50km từ Tân Quang vào Hoàng Su Phì. Ngày đó, lũ lớn, núi lở, lấp hàng chục đoạn đường vào huyện này, nên xe cộ không đi được. Tôi đi bộ từ sáng đến đêm thì được nửa đường, ghé vào nhà ông Ké ăn nhờ, ngủ nhờ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bà vợ ông Ké, ngồi nhai quả mướp đắng mà uống 6 bát rượu ngô. Gặp lại người cũ thật vui. Giờ ông Ké đã lấy vợ khác. Bà vợ này uống rượu kém hơn, chỉ 3 bát là say. Tôi hỏi chuyện về kiếm báu người Dao, ông Ké suy nghĩ rồi bảo khó có thể xem được. Tuy nhiên, ông dẫn tôi xuống núi tìm vào nhà ông Phâu. Nếu nhà Loàng ở trên đỉnh núi, thì nhà ông Phâu lại ở tận thung lũng. Con dốc đá hộc lẫn đất đỏ trơn chuồi chuỗi xuyên qua đại ngàn vầu lẫn những cây cổ thụ to vài người ôm. Đi đến tối mịt thì đến nhà ông Phàn Tà Phâu. Ông Ké giao tôi và anh bạn đồng nghiệp cho ông Phâu rồi về luôn.
Ông Phàn Tà Phâu mở tủ lấy hai thanh kiếm báu cho phóng viên xem.
Ông Phâu khẳng định rằng, không thể xem kiếm báu được, nhưng vì nể quen “thằng em” là chủ tịch xã, nên ông sẽ kể chuyện về kiếm báu cho nghe. Sau khi mỏi mồm chửi “thằng em” con chú làm chủ tịch xã mà không chịu quan tâm đến dân bản, ông sai cô con gái vừa bị chồng bỏ đi mổ gà. Ông bảo, chuyện về thanh kiếm thì dài dòng lắm, nó là của tổ tiên người Dao, rất xa xưa, nhưng hỏi ngay lúc đó thì ông không nhớ được, không biết kể từ đâu, nhưng uống mấy bát rượu rồi, có khi sẽ nhớ ra chuyện để kể cho nhà báo.
Không biết ông Phàn Tà Phâu cảnh giác với chúng tôi, hay muốn có người đỡ rượu, nên gọi thêm vợ chồng người cháu ở bên kia sườn núi đến nhà, rồi mới dùng bữa. Phàn Dùn Khuân mới 26 tuổi, nhỏ thó, song đã có vợ và 2 con. Dù tửu lượng chẳng được mấy, nhưng biết cái bụng người vùng cao, nên tôi cứ uống. Chỉ là rượu sắn, rượu ngô, nhưng trong khung cảnh tĩnh mịch rừng già thấy chẳng có thú nào bằng.
Đi vùng cao nhiều, hiểu về phong tục người Dao chút ít, nên tôi và ông Phâu nói chuyện nhiều lắm. Hiểu được bụng mình, với lại rượu đã ngà say, sự cảnh giác của ông Phâu dường như đã tan vào chén rượu. Câu chuyện về thanh kiếm cổ, “kho báu” và cuộc thiên di của người Dao cứ bảng lảng sương khói giữa rừng rậm Hoàng Su Phì.
Thủy tổ của người Dao vốn là Bàn Hồ (Bàn Vương) ở phương Bắc xa xôi. Bàn Hồ vốn là một long khuyển mình dài 3 thước, lông đen với các sọc vàng từ đầu đến đuôi. Ông này vốn từ trên trời giáng xuống trần gian. Do lập nhiều công trạng đánh đông dẹp bắc, nên Bàn Hồ được Bình Hoàng gả cung nữ. Ông sinh được 6 người con trai và 6 người con gái. 12 con lấy 12 họ khác nhau, lập ấp sinh sống ở các vùng khác. Do đất chật, người đông, chiến tranh liên miên, nên các dòng họ Dao phân tán đi khắp ngả. Thế nhưng, truyền thuyết về thủy tổ Bàn Vương của mình thì bất cứ dòng họ nào cũng nhớ. Có nguồn sử liệu ghi chép rằng, người Dao đã di cư từ phương Bắc về Việt Nam chừng 1.000 năm trước, song gia phả, truyền thuyết, sách vở của các họ người Dao thì đều cho rằng, họ mới đi cư vào Việt Nam khoảng 300-400 năm mà thôi.
Theo ông Phâu, sách cổ của người Dao mà ông giữ, thì họ Bàn mới di cư đến Việt Nam gần 400 năm trước, vào thời nhà Lê và cũng là dòng họ đầu tiên thiên di từ phương Bắc về phía Nam. Họ Bàn và họ Phàn là một, là do mỗi vùng có một cách gọi khác nhau mà thành. Cuộc thiên di của họ vô cùng vất vả, gian khổ, phải vượt qua không biết bao nhiêu sông, núi, rừng hoang cách trở. Họ bị chết hàng loạt vì đói khát, vì bị kẻ thù truy sát, tộc người bản địa sát hại, bệnh tật… Mỗi cuộc thiên di là cả họ người Dao cùng kéo đi, đông đến hàng ngàn, hàng vạn người. Thứ mà mỗi cuộc thiên di họ đều phải mang theo và bảo vệ nghiêm cẩn như báu vật là những vật thờ tổ tiên.
Cờ quạt được sử dụng trong lễ múa kiếm.
Theo ông Phâu, những vật dụng đó vô cùng quan trọng với người Dao. Trong cuộc thiên di, khi qua con sông, qua ngọn núi, người Dao đều bày lễ cúng rất linh đình tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho chuyến vượt sông, leo núi. Những đồ cổ của tổ tiên truyền lại được bày ra trong lễ cúng. Điều đặc biệt, trong lễ cúng đó, họ “mặc cả” với tổ tiên rằng, nếu phù hộ cho họ thành công khi vượt sông, vượt núi, họ sẽ rèn thêm dao, thêm kiếm, thêm vật dụng để tổ tiên… có đồ mà dùng.
Tổ tiên người Dao rèn, chế ra đủ các loại vật dụng như dao, kiếm, búa lớn, búa nhỏ, liềm, cuốc, bát, đĩa, bát hương, gậy… Trong số những món cổ vật, đặc biệt quý là tranh, gồm 18 bức khổ lớn. Những bức tranh thờ này vẽ đủ các vai vế, từ đế vương đến quan chức, dân thường, đàn ông, đàn bà, trẻ con, thầy cúng, binh mã, thế giới âm phủ... Những bức tranh mô tả toàn bộ đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người Dao thời xa xưa, kể cả cõi dương lẫn cõi âm. Chính vì thế, những bức tranh này vô cùng quý giá, đặc biệt quan trọng, như tính mạng của họ. “Kho báu” ông Phàn Tà Phâu hiện đang giữ là những vật tối cổ của người Dao. Bản thân ông Phâu cũng không biết những vật dụng này có từ khi nào, nhưng chắc chắn nó có trước khi dòng họ này thiên di về Việt Nam, tức là hơn 400 năm trước.
Cuộc thiên di vô cùng vất vả, khốc liệt và sự tồn tại của người Dao đến ngày hôm nay, theo suy nghĩ của họ, là nhờ sự phù hộ của tổ tiên. Chính vì lẽ đó, người Dao rất coi trọng việc thờ cúng thần linh và tổ tiên. Những vật dụng của tổ tiên được họ giữ gìn cẩn trọng như báu vật và trong những buổi lễ truyền thống, họ mang “kho báu” đó ra để dâng tổ tiên bằng lòng thành kính với những nghi lễ tối cổ.
Người Dao có rất nhiều nghi lễ phức tạp trong năm và mỗi khi thầy cúng hành nghề, đều dùng đến những đồ vật cổ. Tuy nhiên, những vật dụng đem ra cúng bái chỉ là phiên bản. Ngay cả lễ cấp sắc quan trọng nhất đời người, các thầy cúng trong dòng họ cũng chỉ được mượn một số vật dụng đơn giản trong “kho báu” của tổ tiên người Dao do ông Phâu giữ. Để mượn được đồ, thầy cúng phải đem lễ là miếng vải đỏ, túm gạo, xâu thịt dài và chút ít tiền. Thầy cúng phải mang bồ to đến đựng đồ vật. Tuy nhiên, không thầy cúng nào, không dòng họ nào được phép mượn đôi kiếm báu gồm kiếm đực và kiếm cái của tổ tiên người Dao.
Tôi hỏi, trong năm, khi nào thì kiếm báu mới xuất hiện để mọi người chiêm ngưỡng, thì Phàn Tà Phâu bảo rằng, chỉ duy nhất vào ngày tết Cúng nhảy. Tết Cúng nhảy có thể chọn bất kỳ ngày nào, từ ngày mùng 1 đến 15 tháng giêng. Tết Cúng nhảy chính là lễ cúng tổ tiên. Khi đó, tất cả các cổ vật sẽ được trưng ra, đôi kiếm báu sẽ xuất hiện trong cảnh cực kỳ liêu trai chí dị.
Rượu ngà say, ông Phàn Tà Phâu mới mở lời: “Sự thực thì tôi cũng không muốn giấu giếm gì, cũng muốn cho nhà báo thấy, để tuyên truyền, giữ gìn văn hóa người Dao, nhưng ngặt nỗi, đây là kiếm báu của tổ tiên người Dao cả nước này, với những mười mấy họ, nên tôi rất sợ. Cho nhà báo xem rồi, nhỡ dòng họ xảy ra chuyện gì, người ta lại trách mắng thì tôi gánh sao hết tội. Ngay cả người Dao ở bản này, cũng có mấy ai được nhìn kiếm báu đâu, chứ đừng nói chạm vào… Mà có phải chỉ có mỗi kiếm đâu, còn nhiều tranh cổ, đồ cổ quý lắm”.
Ông Phâu vừa uống rượu vừa kể về kiếm cổ với lòng thành kính sâu sắc như kính ngưỡng tổ tiên. Xưa kia, chính bố ông là người giữ “kho báu” này. Bố ông mất, thì chuyển cho chú ruột ông là ông Phàn Chòi Cuối. Ông Cuối mất năm 2007 thì con trai là Phàn Tà Loàng giữ. Đến đầu năm nay, các báu vật mới chuyển cho ông Phâu, tức là ông mới được giữ có 8 tháng. Câu chuyện chuyển kiếm cổ và kho báu sang nhà Phàn Tà Phâu quả là nhuốm màu liêu trai, kỳ bí.
Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn thì anh Triệu Dào Và, người Dao trong bản soi đèn pin đến nhà ông Phâu chơi. Nâng chén rượu, Và bảo, sống ở đất này từ bé, đã 40 năm, mà cũng chưa một lần được nhìn kiếm báu. Rồi anh chàng Phàn Dùn Khuân, cháu ruột của ông Phâu cũng chêm vào, rằng mang tiếng là sống ở ngay cạnh nhà chú, uống rượu với chú bao nhiêu lần, mà cũng chưa biết hình thù kiếm báu ra sao. Bản thân Khuân cũng đã mấy lần nhảy lửa, vác búa xông vào trận tiền trong các buổi lên đồng trong lễ Cúng nhảy, nhưng cũng chưa được nhìn kỹ kiếm báu lần nào. Lúc kiếm báu “ra trận”, là lúc Khuân đang say máu với đống lửa, với những trận chiến kinh hồn bạt vía không thể giải thích nổi.
Rượu tàn canh, cả nhà báo và gia chủ say mèm, ông Khuân vững dạ tuyên bố: “Thế thì sáng mai ta sẽ cho nhà báo được xem kiếm báu của tổ tiên ta”. Nói xong, ông lên giường ngáy o o.
Trận chiến kỳ lạ
Chuyện chuyển kiếm báu và các cổ vật từ nhà Phàn Tà Loàng sang nhà Phàn Tà Phâu mang chất liêu trai kỳ dị. Theo lời ông Phâu, kiếm cổ và các vật báu không nhất thiết phải truyền đến những người trong gia đình, mà có thể truyền cho các gia đình khác, thậm chí dòng họ khác, miễn là người Dao, chung một ông tổ Bàn Vương. Việc kiếm báu được luân chuyển không phụ thuộc vào ý chí của các gia đình, cá nhân, mà phụ thuộc vào “mong muốn của tổ tiên”. Nếu gia đình nào tốt, thì kho báu và kiếm cổ ở, còn không tốt, thì sẽ “đòi” đi nhà khác. Nếu tổ tiên muốn đến ở nhà ai, thì nhà đó phải phụng sự. Tổ tiên sẽ tạo ra các dấu hiệu để nhận biết mong muốn của tổ tiên. Tổ tiên đã ẩn linh hồn trong đôi kiếm báu cùng các vật cổ này. Nếu dòng họ không còn ai tốt nữa, thì sẽ phải mang những vật báu này giấu vào hang động và vĩnh viễn không được sờ đến nữa.
Ông Phâu và hai thanh kiếm báu của tổ tiên người Dao.
Theo ông Phâu, suốt năm 2010, giữa nhà ông và nhà Phàn Tà Loàng xảy ra rất nhiều biến cố kinh dị tương đối giống nhau. Cả hai nhà vợ chồng không êm ấm, bố mẹ chết, con cái chia lìa (con rể ông Phâu bỏ đi lấy vợ khác), nhiều người ốm đau, bệnh tật, trâu lăn ra chết, gà lợn mắc dịch, sâu ăn hết lúa ngô, cơm chưa nguội đã thiu. Ban ngày, chó quan hệ với lợn, nửa đêm trèo lên mái nhà tru như sói, mèo lên bàn thờ ngủ… Rơi vào hoàn cảnh đó, tin rằng, tổ tiên đang hành nhà Loàng và nhà ông Phâu, ý muốn được về nhà ông Phâu ở, nên cả hai nhà đi gặp thầy bói. Thầy bói cũng phán, tổ tiên muốn về nhà ông Phâu ở nên mới gây sự đảo điên như thế. Xem bói xong, họ tộc họp bàn và quyết định như ý thầy bói. Ông Phâu buộc phải có trách nhiệm với tổ tiên, còn Loàng thì dù không muốn trao vật báu gia đình đã giữ mấy chục năm, song cũng phải tuân theo. Có lẽ, vì nguyên do đó, mà chúng tôi hỏi về kiếm báu, Loàng giữ thái độ lạnh nhạt.
Lễ cúng chuyển vật báu của tổ tiên diễn ra hết sức quan trọng. Ông Phâu mổ gà, mổ lợn kính báo tổ tiên, thết đãi dòng họ, ăn uống linh đình cả ngày. Cả dòng họ có mặt đưa tiễn và rước tổ tiên về nhà ông Phâu. Các cụ già, thanh niên, trẻ con đều khóc to lắm, khi được đưa rước tổ tiên đến ngôi nhà mới. Đưa kho báu về rồi, ông Phâu được chia 9 sào ruộng tốt nhất vùng. Ông Phâu sẽ nhận cấy hái, trồng trọt và dùng lương thực đó phục vụ các nghi lễ cúng tổ tiên. Khi gà rừng cất tiếng gáy, con bìm bịp chạy ra từ bụi vầu trước nhà, tôi trở dậy, thì thấy bố con ông Phàn Tà Phâu cùng vợ chồng cậu cháu Phàn Dùn Khuân đã mổ xong gà, chuẩn bị rượu làm lễ cúng, xin tổ tiên cho phép nhà báo được xem kiếm báu. Bàn thờ nghi ngút khói, ông Phâu đứng trước ban thờ đọc bài cúng dài dằng dặc tới cả chục trang sách.
Ông Phâu trèo lên nóc tủ mở khóa, cẩn thận mang một số cổ vật cho chúng tôi xem. Ông Phâu vừa nhấc đôi kiếm cổ, Phàn Dùn Khuân và Triệu Dào Và đã chạy đến đỡ thanh kiếm với sự sững sờ và thành kính. Tôi cứ ngỡ, kiếm báu của tổ tiên người Dao phải lớn lắm, sắc lắm, thậm chí nạm vàng, nhưng hóa ra, đó là đôi kiếm đen sì, xỉn màu và đang han gỉ. Quả thực, đây là đôi kiếm rất cổ. Thanh kiếm to là kiếm đực, nhỏ hơn là kiếm cái. Kiếm đực có chuôi nhọn, kiếm cái chuôi vuông. Ở đuôi chuôi kiếm là những chiếc vòng sắt treo các đồng xu. Chuôi và lưỡi ngăn cách bằng hình chữ U. Tôi cầm thanh kiếm múa thử, nhưng cảm giác không được thoải mái. Có lẽ, đôi kiếm này chỉ mang giá trị tâm linh, chứ không phải dùng để ra trận. Khi nâng hạ kiếm, những chiếc đồng xu va đập vào nhau leng keng nghe vui tai và có lẽ để tạo âm thanh trong những buổi thầy cúng múa kiếm.
Với kiểm trang trí này, thanh kiếm giống "kiếm cúng" sử dụng trong nghi lễ hơn là kiếm thực chiến.
Ngoài đôi kiếm đực - cái quý nhất này, thì còn nhiều loại dao rựa, dao phay, dao quắm, kiếm, búa, lao lớn bé và các thứ vũ khí khác nữa. Những thứ vũ khí này sẽ được đem ra sử dụng vào tết Cúng nhảy đầu năm. Ngày tết Cúng nhảy, hàng trăm người của dòng tộc sẽ có mặt ở nhà ông Phâu, mổ lợn, gà sống 18 con, rượu nhiều can, cúng bái, ăn uống linh đình.
Sau khi cúng Bàn Vương, sẽ diễn ra nhiều nghi lễ huyền bí, trong đó có lễ nhảy lửa. Người ta sẽ đốt một đống gỗ to tướng để lấy than. Sau khi thầy bói đọc thần chú, lần lượt từng người sẽ nhảy vào đống than hồng. Hứng chí thì lăn lê bò toài trên đống than, bốc than nóng nghịch, cho vào mồm nhai lạo xạo. Cùng với màn nhảy lửa, sẽ là các màn múa thiêng diễn tả lại các sự kiện, huyền tích tổ tiên, về hành trình gian khổ đi tìm đất mới, cuộc chiến đấu giữa thiện và ác, lao động sản xuất, bài học làm người…
Màn lễ bí ẩn nhất trong lễ Cúng nhảy tại nhà ông Phâu là cuộc chiến đấu trực diện. Người cầm thanh kiếm đực là vua, người cầm kiếm cái là tướng. Những người cầm dao, búa, chùy, liềm, gậy gộc là các tiểu tướng, binh lính. Màn múa này gọi là múa dao, hay còn gọi là điệu múa “ra binh vào tướng”. Quang cảnh thời khắc đó thật khó lý giải. Những người tham gia cầm vũ khí như bị thôi miên, nhập đồng. Bình thường, họ chỉ là những nông dân chân lấm tay bùn, chưa một ngày tập võ, vác đao đi đánh giặc, thế nhưng, rơi vào trạng thái đó, họ múa kiếm cực kỳ điêu luyện, đẹp mắt.
Sau màn múa kiếm kỳ ảo, sẽ diễn ra cuộc chiến cực kỳ quái gở. Những người múa kiếm, đao, búa sẽ xông vào nhau đâm chém ác liệt. Cứ như thể thần linh nhập vào những người này và dùng những miếng võ ác hiểm sát hại nhau. Những mũi kiếm lao vun vút, cắm thẳng vào mặt, họng, ngực đối phương. Nhưng kỳ lạ thay, dù đâm chém cật lực, song chẳng ai bị thương. Những người tham gia múa kiếm đều chống đỡ hoặc né tránh được các đòn hiểm ác. Tại nhà ông Phâu, trong dịp Cúng nhảy đầu năm, một số trường hợp tránh đòn đã nhảy phốc một cái lên tận xà nhà cao tới 3m, rồi lại lao xuống phóng thẳng vào đầu đối thủ. Nhiều vụ đâm chém gãy cả kiếm, búa, nhưng người thì vẫn không hề hấn gì. Sau trận chiến kinh hồn đó, vũ khí gẫy la liệt. Những người thợ của dòng họ này lại phải rèn những vũ khí mới bù vào số vũ khí gẫy, hỏng để chuẩn bị cho trận chiến năm sau.
Câu chuyện về kiếm báu, cuộc thiên di gian khổ, cùng với những câu chuyện kỳ bí liên quan đến các buổi hành lễ của người Dao nơi đại ngàn Hoàng Su Phì thật hấp dẫn, nhuốm màu huyền thoại. Ông Phâu bảo: “Kiếm báu là tổ tiên của người Dao, tổ tiên ẩn mình trong kiếm báu, bảo vệ mùa màng, văn hóa, cuộc sống của người Dao, nên với người Dao kiếm cổ là thứ vô giá. Giá trị của kiếm cổ cũng như các cổ vật tổ tiên người Dao để lại không thể đo đếm bằng tiền được. Tự thân dòng họ sẽ có ý thức bảo tồn, giữ gìn các cổ vật và phát huy giá trị của nó”.
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự