Ngôi chùa của sự hòa hợp tôn giáo
Vào những ngày cuối tháng 7/2018, chúng tôi có dịp mục sở thị các nghệ nhân đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng tại ngôi chùa này, ngay sau sự kiện rước và trồng cây bồ đề báu vật của Sri Lanka trao tặng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, những nghệ nhân này đến từ nhiều quốc gia khác nhau, như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Thái Lan… Thậm chí, họ có nhiều tôn giáo khác nhau. Người là tín đồ của Hồi giáo, người theo đạo Thiên Chúa giáo, Hin đu, Ấn Độ giáo, Phật giáo… Cũng chính vì lẽ đó mà người ta gọi chùa Tam Chúc là ngôi chùa của sự hòa hợp tôn giáo.
Các nghệ nhân đa tôn giáo đến thi công chùa Tam Chúc Ảnh: Minh Đức
Mặc dù khác tôn giáo, quốc tịch, song những nghệ nhân ở đây làm việc cùng nhau rất vui vẻ, hoà đồng. Dưới mái chùa - biểu tượng của Phật giáo, dường như mỗi người đều sống thật hơn, mọi hành động, cách ứng xử cũng trang nghiêm hơn, kính cẩn hơn…, dù họ đang sống, làm việc và ở một cơ sở không phải tôn giáo của họ.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Muhammed Ankit, người theo đạo Hồi giáo đến từ Indonesia cho biết, anh đã làm việc tại chùa Tam Chúc được 2 năm. Điều Muhammed Ankit cảm nhận được từ đồng nghiệp dù khác tôn giáo, quốc gia, đó là luôn nhận được sự tôn trọng và đồng cảm. Dù theo đạo Hồi, làm việc dưới mái chùa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam) đã 2 năm ròng, song Muhammed Ankit vẫn thực hiện nghi thức cầu nguyện trước khi dùng bữa. Anh tự tin dùng tay bốc cơm, thức ăn mà không dùng thìa, dĩa, đũa… như người khác.
Đồng nghiệp với anh là John Amon theo đạo Công giáo, người Thái Lan cũng tỏ ra hứng thú và chia sẻ với đồng nghiệp của mình khi Muhammed Ankit dùng tay để bốc cơm, lấy thức ăn từ nồi. Trong khi đó, John Amon thì dùng thìa dĩa để lấy cơm, thức ăn và vui vẻ dùng bữa. Trò chuyện với chúng tôi, John Amon chia sẻ: Được làm việc tại chùa Tam Chúc là niềm vinh dự lớn đối với tôi, tôi đã đi nhiều quốc gia nhưng chưa có đất nước nào xây dựng ngôi chùa có quy mô lớn và hoành tráng như ngôi chùa này.
John Amon là người chịu khó học hỏi, vì vậy anh khá thạo tiếng Việt, hàng ngày vẫn dành thời gian rảnh rỗi xem ti vi, đọc báo. John Amon nhận xét, qua phương tiện truyền thông tôi thấy, ngày càng xuất hiện nhiều thứ giả, từ hàng giả đến học giả, bằng cấp giả… Trái lại khi làm việc tại ngôi chùa này, John Amon luôn cảm nhận được sự trung thực, tin tưởng từ đồng nghiệp và những người đến đây hành lễ.
Cây bồ đề trở thành mốc lịch sử Việt Nam - Sri Lanka
Trò chuyện với Tiền Phong, Thượng tọa Thích Minh Quang nói: Năm vừa rồi, khi Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka sang thăm Việt Nam và đi thăm chùa, đại diện chùa Bái Đính có nhã ý xin 10 cây về trồng tại chùa Bái Đính. Theo nguyên tắc, Sri Lanka chỉ tặng 1 cây không cho cây thứ 2. Chính vì thế Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka đã liên hệ và Chủ tịch Quốc hội nước này đồng ý tặng 1 cây cho Việt Nam. Hiện trên thế giới, Nepal là nước đầu tiên được tặng, Việt Nam là nước thứ 2.
Khi đoàn Việt Nam sang nhận, vị Chủ tịch Quốc hội đã trịnh trọng tiếp đón tại toà nhà Quốc hội, tiếp đó đoàn khởi hành đi Cố đô Anuradhapura để tiếp nhận cây bồ đề. Tại đây, nghi thức làm lễ giao nhận được tổ chức rất long trọng.
Lúc đầu, cây bồ đề thiêng dự định được trồng ở chùa Bái Đính, về sau, do cây bồ đề trên danh nghĩa Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong khi theo dự kiến năm 2019, sẽ diễn ra Đại lễ Vesak (Đại hội Phật giáo Thế giới) tại chùa Tam Chúc. Chính vì thế, Ban Bí thư và Chính phủ chấp thuận việc trồng cây bồ đề thiêng tại chùa Tam Chúc.
Phối cảnh chùa Tam Chúc.
Thượng toạ Thích Minh Quang cho biết: Đối với nhà Phật, cây bồ đề tượng trưng cho sự giác ngộ tâm Phật, tâm thiện của mình. Chính vì thế đối với các nước Phật giáo Nam truyền hay phật giáo nguyên thủy, cây bồ đề được coi trọng như Đức Phật. Khi sang các nước Phật giáo, cây bồ đề, tượng phật và bảo tháp có giá trị như nhau. Bồ đề có nghĩa là giác, con người khi giác ngộ thì thành phật, đề cao tính giác, sự giác ngộ. Bên cạnh đó, cây bồ đề còn đánh dấu sự kiện Đại lễ Vesak 2019, cũng thể hiện quan hệ phật giáo giữa 2 nước Việt Nam - Sri Lanka và là sự kiện rất hiếm về trao đổi văn hoá.
Ngoài ra, sự kiện này còn là sự hướng con người đến chùa cần hướng tâm, hướng thiện, hướng tới điều lành, tránh điều dữ, làm việc thiện để được đạt tới sự giác ngộ và an lạc như Đức Phật. Qua đó cầu bình an đến với đất nước, dân tộc, mọi nhà, mọi người. Chính vì thế, việc trồng cây bồ đề tại chùa Tam Chúc được coi là sự kiện khởi động hoạt động chương trình cho đại lễ Vesak 2019. Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa, Thượng tọa Thích Minh Quang nói.
Ngôi chùa huyền bí
Quần thể chùa Tam Chúc có tổng diện tích gần 5.000ha, bao gồm hồ nước, núi đá rừng tự nhiên và các thung lũng. Đây là ngôi chùa rất đặc biệt, với cảnh quan hùng vĩ, tiền lục nhạc, hậu thất tinh, mặt trước có 6 quả núi giữa lòng hồ, tương truyền rằng đây là 6 quả chuông của nhà trời đưa xuống. Hậu thất tinh nghĩa là đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh trăng về đêm. Từ các hiện vật khảo cổ, bước đầu có thể kết luận chùa Tam Chúc có niên đại trên 1.000 năm.
Trải qua năm tháng, giờ chùa chỉ còn lại những di tích cột gỗ, cột đá, xà đá còn vùi lấp ở nền móng cũ, trong đó có những cột gỗ có đường kính trên 1m, những xà đá, cột đá rất lớn. Chùa Tam Chúc đang được đầu tư xây dựng lại với 12.000 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật, thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12 m, nặng 200 tấn. Quần thể khu du lịch Tam Chúc đã được Thủ tướng công nhận là khu du lịch quốc gia năm 2013.