Hiến máu trước ngày thi giáo viên dạy giỏi
Nhiều năm nay, những tấm “Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện” được cô Nguyễn Thị Vỵ (SN 1977) cất giữ cẩn thận, như một kỷ niệm đặc biệt trong sự nghiệp trồng người của mình. 14 lần hiến máu trong gần 10 năm, cô Vỵ trở thành một trong những giáo viên của trường THCS Nguyễn Du hiến máu tình nguyện nhiều nhất của trường.
Cô Vỵ cho biết, năm 2011, cô bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện. Trong lần đầu tiên ấy, khi công đoàn trường phát động, cô đã xung phong tham gia mặc dù chưa từng lần nào hiến máu. Suốt 8 năm sau đó, năm nào cô Vỵ cũng hiến máu tình nguyện và là thành viên của câu lạc bộ hiến máu cứu người của địa phương.
Nữ giáo viên chia sẻ: “Từ trước đến nay tôi rất khỏe mạnh nên rất tự tin hiến máu. Mỗi khi nhà trường phát động là tôi đăng ký tham gia ngay. Sau lần hiến máu đầu tiên, tôi thấy sức khỏe bình thường, cơ thể vẫn khỏe mạnh thậm chí là tốt hơn khi chưa tham gia hiến máu nên những năm sau đó tôi tiếp tục duy trì hoạt động thiện nguyện này. Trung bình mỗi năm tôi hiến 1 đơn vị máu (350ml), nhưng cũng có năm, tôi thực hiện hiến máu 2 lần”.
Theo cô Vỵ, là giáo viên nên việc giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Để học sinh sống có ý thức, trách nhiệm và lòng nhân ái, thầy cô giáo phải là những tấm gương, là những người truyền lửa.
Chính vì thế, ngay sau lần hiến máu đầu tiên, cô Vy bắt đầu tìm hiểu thêm về phong trào hiến máu nhân đạo và nhận thấy mình cần tích cực hơn, coi đó là trách nhiệm của bản thân với cộng đồng xã hội.
“Tôi nghĩ rằng, đối với một người bệnh, máu thực sự rất quý giá để giữ họ ở lại với cuộc đời. Tôi may mắn mang nhóm máu O (nhóm máu có có thể truyền cho người thuộc cả 4 nhóm máu mà không bị phản ứng) nên đã đăng ký tham gia vào câu lạc bộ hiến máu tình nguyện của địa phương, nếu người bệnh nào cần thì tôi sẽ có mặt”, cô Nguyễn Thị Vỵ chia sẻ quan niệm.
Trong suốt 9 năm tham gia hiến máu tình nguyện, cô Vỵ chia sẻ đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp với hoạt động nhân đạo này. Tuy nhiên, kỷ niệm ý nghĩa nhất đó là khi cô Vỵ hoàn thành việc hiến 350ml máu trước ngày tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
“Thông thường hiến máu xong thì cảm giác sẽ hơi mệt và choáng váng. Tuy nhiên tôi đã hiến máu rất nhiều lần, lại có sức khỏe tốt nên hoàn toàn tự tin tham gia hiến máu trước ngày diễn ra hội thi. Có lẽ thực hiện được một công việc thiện nguyện ý nghĩa đã giúp tôi có thêm động lực để hoàn thành tốt bài thi năm đó của mình”, nữ giáo viên môn Địa lý nhớ lại.
Vun đắp lòng nhân ái cho học sinh
Từ năm 2008 tới nay, thầy Phạm Văn Hải (SN 1990), giáo viên Trường THCS Nguyễn Du cũng đã có 14 lần hiến máu tình nguyện. Điều đặc biệt, lần đầu tiên thầy Hải tham gia hiến máu cứu người khi đang còn là học sinh lớp 12. Duy trì đều đặn hơn 10 năm qua, thầy Hải cho biết, hiến máu vừa là nghĩa cử cao đẹp, vừa giúp cải thiện sức khỏe bản thân.
Thầy Phạm Văn Hải tham gia hiến máu tình nguyện khi còn là học sinh lớp 12.
“Trong những năm gần đây, mỗi năm tôi đều cố gắng hiến máu một lần. Năm 2019 tới nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc hiến máu có bị gián đoạn 3 năm. Mới đây, khi tỉnh Đắk Nông phát động chương trình hiến máu tình nguyện, tôi và các thầy cô giáo trường THCS Nguyễn Du đã đăng ký tham gia hiến máu, tiếp tục công việc thiện nguyện này”, thầy Hải cho hay.
Được biết, ngoài việc tham gia hiến máu tình nguyện, trong các đợt phát động của địa phương, thầy Hải còn tham gia câu lạc bộ hiến máu tình nguyện của Huyện đoàn Đắk R’lấp và các hội nhóm trên mạng xã hội zalo, facebook. Với tinh thần chia sẻ giọt máu của mình đến với những người bệnh nguy cấp, thầy Hải luôn sẵn sàng hiến máu để cứu người.
“Với tôi, cứ mỗi giọt máu cho đi là một cách đóng góp sức trẻ của mình cho xã hội. Tôi mong muốn, những đơn vị máu của mình và của các thầy cô đồng nghiệp sẽ tiếp thêm động lực cho người bệnh, giúp họ có thêm nghị lực để chiến thắng bệnh tật”, thầy Phạm Văn Hải nói.
Theo thầy Hải, cứ mỗi giọt máu cho đi là một cách thầy đóng góp sức trẻ của mình cho xã hội.
Được biết, không chỉ tích cực tham gia công tác hiến máu tình nguyện, thầy Hải còn động viên mọi người thân trong gia đình cùng tham gia hiến máu. Sau khi được nam giáo viên tư vấn, hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của việc hiến máu, đến nay rất nhiều người đã tham gia hiến máu tình nguyện. Trong đó, vợ của thầy Hải (giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng (Đắk R'lấp) cũng rất nhiệt tình hưởng ứng hoạt động thiện nguyện này.
Chia sẻ về những thầy cô “đam mê” hiến máu tình nguyện, thầy Phan Văn Tấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’lấp cho biết, ngoài thầy Hải, cô Vỵ, ngành Giáo dục huyện có rất nhiều thầy cô tình nguyện và tích cực tham gia hoạt động ý nghĩa này. Đây là những tấm gương sáng để mỗi đoàn viên, giáo viên, học sinh, đội viên học tập. Qua đó, khẳng định vai trò, trách nhiệm của mỗi nhà giáo với xã hội, đặc biệt là người bệnh đang gặp khó khăn, nguy kịch.
“Hiến máu cứu người là một việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, sự sẻ chia, hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn. Trong thời gian qua, cán bộ, giáo viên và nhân viên ngành Giáo dục huyện Đắk R’lấp đã tích cực đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện, góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn đến với mọi người”, thầy Tấn cho hay.
“ Chúng tôi mong muốn, thông qua hoạt động ý nghĩa này, mỗi thầy cô giáo trở thành một tấm gương sáng để học sinh noi theo, từ đó vun đắp lòng yêu thương, nhân ái trong mỗi học trò" Thầy giáo Phan Văn Tấn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’lấp.
Nguồn baodaknong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự