Hoan hỉ giúp người nghèo
Câu chuyện về quán lẩu chay ý nghĩa nhận được nhiều sự ủng hộ và cảm kích từ cư dân mạng. Tấm lòng của vị sư thầy chủ quán đã lan tỏa, giúp san sẻ khó khăn cho những người lao động nghèo.
Quán lẩu chay ở địa chỉ 76/2 Trần Quốc Tuấn (Q.Gò Vấp). 11 giờ trưa, khi chúng tôi đến, những phần cơm chay đã được đóng hộp cẩn thận chờ mọi người đến lấy. Họ là những vị khách đặc biệt đến nhận cơm chay miễn phí, chứ không phải đến ăn lẩu.
Từ sáng đến trưa, những người ở quán tất bật nấu cơm, chế biến thức ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ 15 giờ, chủ quán dùng mặt bằng để bán lẩu chay lấy kinh phí trang trải và mua nguyên liệu phục vụ quán cơm chay 0 đồng. Chủ quán là sư thầy Thích Thiện Đạt (ở chùa Phước Thành, Q.Bình Thạnh).
Sư thầy Thiện Đạt thắp nhang tại bàn thờ đặt ở quán cơm.
Sư thầy Thiện Đạt cho biết việc phục vụ cơm chay miễn phí được thực hiện từ năm 2021 để những sinh viên, người có hoàn cảnh khó khăn có bữa cơm no bụng. Sau đợt dịch Covid-19, nhận thấy nhiều người vẫn cần hỗ trợ nên quán duy trì đến hiện tại. Quán phát cơm chay miễn phí từ thứ hai đến thứ bảy.
"Tôi muốn tiếp tục duy trì việc hỗ trợ đến khi không còn khả năng mới dừng lại. Vì vậy, tháng 8.2022, tôi có xin phép chính quyền địa phương, ban công tác mặt trận khu phố buổi chiều sẽ bán lẩu chay, tất cả lợi nhuận sẽ dồn vào bếp ăn 0 đồng", sư thầy nói.
Mỗi ngày, sư thầy Thiện Đạt đều chạy xe đến các chợ đầu mối mua nguyên liệu cho rẻ. Rau, củ, quả, nấm, đậu… được những người làm thiện nguyện ở quán chia nhau sơ chế, nấu thành những món chay. "Lâu lâu tôi tặng thêm trứng công nghiệp để bà con đổi món. Thời điểm dịch khó khăn, các nhà hảo tâm quyên góp rau, cua, mắm, thịt gà… tôi cũng nhận và tặng lại cho mọi người để họ ăn thêm đồ mặn. Giúp được họ là tôi vui rồi. Nhận lời cảm ơn của họ, tôi rất phấn khởi, hoan hỉ", sư thầy chia sẻ.
Mọi người cùng chung tay góp sức cho quán.
Yêu thương đong đầy
Bà Trần Thị Ngọc Thanh (60 tuổi, ở Q.Gò Vấp) là gương mặt thân quen với bà con vì mỗi trưa họ đều nhận cơm từ người phụ nữ này. Bà Thanh chạy xe đạp điện bán vé số từ tối đến khuya. Buổi sáng, bà tranh thủ dậy sớm hỗ trợ sư thầy và người đứng bếp. "Tôi làm ở đây đã lâu, trong tâm muốn được làm việc gì đó phụ giúp sư thầy và mọi người. Việc phụ ở bếp chay khiến tôi có thêm niềm vui, sức khỏe, không bao giờ thấy mệt. Mỗi ngày tôi phát hơn 100 phần cơm. Tôi giờ đã có tuổi, không lập gia đình nên phụ giúp ở đây thấy rất vui, thanh thản", bà Thanh bộc bạch.
Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy (67 tuổi, ở Q.Gò Vấp) thường xuyên đến nhận cơm vào buổi trưa cho mình và cả những người khó khăn khác. Hồi còn trẻ, bà đi phụ nấu ăn nhưng giờ sức khỏe không cho phép, bà đi bán chè dạo quanh khu mình sống.
"Tôi thấy cơm ở đây rất ngon, mọi người nấu cơm rất cực nhưng vẫn tận tình, cười nói vui vẻ. Hôm nay, tôi nhận 8 phần cho những cụ già xung quanh, họ không đến lấy được. Chủ quán và mọi người rất có tâm, mấy tháng nay tôi không phải lo tiền ăn trưa", bà nói.
Bà Huấn (81 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) cho biết: "Người này mách, người kia bảo nên tôi biết và thường xuyên đạp xe đến nhận cơm. Tôi rất xúc động với tấm lòng của mọi người, đồ ăn rất ngon, hợp khẩu vị với những người có tuổi như tôi".
Ông Nguyễn Đăng Hảo (tổ trưởng tổ 23, KP.4, P.1, Q.Gò Vấp) bày tỏ: "Tôi rất ủng hộ việc làm ý nghĩa này. Tôi cũng thỉnh thoảng đến nhận cơm phát cho những người già, neo đơn trong khu phố. UBND phường cũng kiểm tra về vấn đề an toàn thực phẩm, trật tự, cũng như thông báo tới những người gặp khó khăn đến nhận hỗ trợ".
Nguồn Thanh niên