Theo quan sát của chúng tôi, những người tới ăn cơm ở đây chủ yếu là người già neo đơn, người bán vé số, lao động tự do, phụ hồ… Tuy suất cơm trưa chỉ 2.000 đồng nhưng vẫn đầy đủ các món như một suất cơm từ 30.000 - 35.000 đồng trên thị trường, với các món canh, xào, mặn và thực đơn thay đổi luân phiên.
Anh Nguyễn Văn Hùng - 43 tuổi, làm phụ hồ trên địa bàn phường Phú Thọ - cho biết từ đầu năm đến nay, công việc của anh bấp bênh, ngày làm, ngày nghỉ, trong khi anh lại là thu nhập chính, hằng tháng phải gửi tiền về quê phụ với vợ lo cho con. "May mắn là từ ngày biết đến quán cơm "Nụ cười Bình Dương", tôi đã tiết kiệm được một số tiền để gửi về quê" - anh Hùng chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Mai (69 tuổi, quản lý bếp) cho biết trung bình mỗi ngày quán cung cấp 320 suất cơm, mỗi suất khi đến tay người ăn tốn chi phí khoảng 25.000 đồng, nên có nhiều người ghé ăn thấy rẻ quá đã hỗ trợ kinh phí cho bếp hoạt động, người thì cho thêm rau củ quả.
Nói về ý nghĩa của suất cơm chỉ 2.000 đồng, cô Mai cười nhẹ nhàng, sở dĩ quán bán vậy là để người ăn không cảm nhận đang xin - cho hay là được ban ơn. Dù chỉ bỏ ra số tiền rất nhỏ là 2.000 đồng nhưng họ vẫn thấy vui.
Tại Bình Dương, ngoài bếp ăn này, còn có rất nhiều bếp ăn đang phục vụ miễn phí cho người dân, mang đến niềm vui, ấm áp tình người, đặc biệt là san sẻ khó khăn cho nhiều hoàn cảnh.
Nguồn Người lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự