Nhặt ve chai bán lấy tiền để giúp người khổ hơn mình
Chúng tôi đến nhà cụ Trần Thị Chích vào một chiều giữa tháng 7, khi cụ đang lom khom dọn dẹp lại đống phế liệu. Cụ bảo, nay đã lớn tuổi nên không đi xa mà chỉ quanh quẩn ở mấy con hẻm gần nhà để nhặt ve chai, giấy vụn bán lấy tiền giúp những hoàn cảnh còn khổ hơn mình.
Sống cạnh nhà cụ Chích, chị Trần Thị Chín (ở khu phố 2, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết: "Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng hàng ngày cụ Chích vẫn miệt mài với công việc mà cụ đã làm bao năm qua. Công việc nhặt ve chai của cụ Chích bắt đầu từ 7h sáng đến khoảng 10h trưa và chiều từ 15h đến 17h.
Bằng việc nhặt ve chai, giấy vụn…mỗi ngày cụ Chích có thể kiếm được từ 20 đến 30.000 đồng, mỗi tháng thu khoảng 400.000 - 600.000 đồng. Tất cả số tiền này cụ Chích đều bỏ vào heo đất để dành, cứ lâu lâu lại đập heo lấy tiền tặng học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, gia đình nghèo...
Cụ Chích chia sẻ: "Ở bất cứ đâu, bất cứ người nào cần sự giúp đỡ mà nằm trong khả năng thì tôi đều giúp hết, chỉ sợ đến một ngày sức tôi quá yếu không còn nhặt được nhiều ve chai nữa".
Dù đã 80 tuổi nhưng cụ Trần Thị Chích vẫn nhặt ve chai bán lấy tiền giúp các hoàn cảnh khó khăn.
Để có thêm nhiều sự giúp đỡ dành cho học sinh nghèo và những hoàn cảnh khó khăn, trong quá trình đi nhặt nhạnh ve chai, giấy vụn, cụ Chích còn vận động, kêu gọi thêm sự chia sẻ từ những người xung quanh.
Cụ Chích chia sẻ: "Mấy năm trước các con tôi không ngăn cản việc tôi làm, nhưng giờ tôi đã 80 tuổi nên các con tôi khuyên hãy hạn chế đi nhặt ve chai nhưng tôi vẫn cứ âm thầm đi nhặt, làm công việc này tôi rất vui, ráng làm để giúp đời".
Thầm lặng giúp người
Trò chuyện với chúng tôi, cụ Chích bảo, nhiều cháu học sinh đều xem cụ như người thân thiết nên thấy cuộc đời và việc làm của mình tràn đầy ý nghĩa.
"Nhìn thấy những cháu học sinh nghèo luôn tràn đầy tinh thần hiếu học, lòng tôi không cầm được cảm xúc. Vì hoàn cảnh nghèo, các cháu thiệt thòi nên tôi thầm nghĩ làm được gì hữu ích để hỗ trợ cho các cháu thì nên làm"- cụ Chích bộc bạch.
Cảm phục việc làm của cụ Chích, em Lê Mỹ Huyền, học sinh lớp 9, trường THCS Nguyễn Trường Tộ, thị trấn Tân Sơn tâm sự: "Gia đình em thuộc diện khó khăn, bố mẹ ly hôn, gần đây mẹ em lại mắc bệnh động kinh nên hoàn cảnh gia đình càng bi đát, em định bỏ học đi làm rẫy giúp mẹ. Đúng lúc đó, cụ Chích đã đến thăm, tặng học bổng, tiền mua sách vở và động viên em nên tiếp tục đi học. Em rất cảm động và cố gắng học để không phụ lòng cụ Chích".
Với việc làm ý nghĩa của mình, năm 2016, cụ Trần Thị Chích được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Đức Tin, phó trưởng khu phố 2, thị trấn Tân Sơn cho biết, khi nghe về những hoàn cảnh khó khăn hay những cụ cao tuổi bị bệnh là bà Chích lại đạp xe đến thăm, rồi về nhà lấy tiền bán ve chai đến tặng. Đặc biệt, mỗi lần tặng học bổng cho các em học sinh nghèo, cụ Chích còn tâm sự, động viên các em phải cố gắng học tập để sau này thành người có ích cho xã hội, không nên nhìn về bản thân mà có những tư tưởng bất mãn rồi sinh ra chán nản, tiêu cực.
Ông Nguyễn Đức Thảo - Phó chủ tịch UBND thị trấn Tân Sơn đánh giá, nhiều năm qua cụ Chích đã hỗ trợ cho nhiều học sinh nghèo được có cơ hội đến trường, hay khi nghe tin có ai khó khăn mà bệnh tật, cụ Chích liền đến thăm, tặng quà. Người dân ở đây thấy tấm lòng thơm thảo của cụ Chích nên thường gọi cụ với tên gọi thân thương là "cô ba Chích".
Với những việc làm thiết thực và nhân văn của mình, mấy năm trước, cụ Chích vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nguồn Sức khỏe và Đời sống
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự