ĐI KHÁM BỆNH NHƯ VỀ NHÀ
Mở cửa buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu, 2 phòng khám miễn phí với hơn 20 giường châm cứu, thiết bị tập vận động tay, chân… trở thành điểm đến quen thuộc của những người nghèo bị tai biến, đột quỵ cùng các bệnh xương khớp. 4 năm trước, ông Hồ Văn Sang (61 tuổi) chạy xe ôm ở Bến xe Chợ Lớn bất ngờ bị tai biến, một nửa thân người bên phải mất dần cảm giác. Không thể tiếp tục làm nghề, cuộc sống của ông càng chật vật, không dám đi điều trị. Được hàng xóm giới thiệu, ông mới đến thăm khám và được y sĩ hướng dẫn tập luyện với máy kéo tay, tập luyện cơ chân phù hợp tình hình sức khỏe.
Giọng còn run rẩy hậu tai biến, ông Sang cho biết con trai ông làm thuê ở Long An, mỗi tháng gửi về 500.000 đồng để ông mua thức ăn. Bà con xung quanh biết hoàn cảnh nên vừa bán vừa cho, cuộc sống cứ vậy lay lắt qua ngày. "Điều trị không tốn tiền nhưng tôi thấy có nhiều tiến triển sau các buổi tập. Nếu đi châm cứu ở ngoài thì hết khoảng 120.000 đồng/lần, mà phải cả tháng vậy không biết tiền nào chịu nổi", ông nói.
Ngồi đợi chồng tập vật lý trị liệu, bà Tống Lệ Châu (60 tuổi, cùng ngụ Q.8) cũng kể chồng bà bị tai biến ngay sau tết, nhưng thỉnh thoảng bà mới đưa ông đi châm cứu vì điều kiện kinh tế không cho phép.
Bà Châu cho hay: "Hàng xóm có người từng điều trị ở đây nên chỉ tôi đưa chồng đến. 2 tháng qua, ngày nào phòng khám mở cửa vợ chồng tôi cũng tới. Ổng được châm cứu, tập kéo xương sống, cổ, tay, chân nên có thể tự đi lại được vài bước. Dù là điều trị miễn phí nhưng y sĩ hướng dẫn tận tình như người trong nhà".
Thượng tọa Thích Huệ Công tiếp nhận và duy trì phòng khám từ năm 2008 tới nay.
Ở cả 2 phòng khám, bệnh nhân đa phần là những người lao động tay chân, nước da đen sạm tuổi từ 50 - 60. Cùng nằm trên giường châm cứu với chi chít những cây kim dọc nửa người bên trái, bà Trần Ngọc Đỉnh (59 tuổi) rớt nước mắt nhớ lại những ngày "mình ên" ở tít Cà Mau, không tiền điều trị.
"Khi vừa vào đây tôi gần như liệt nửa người, tay trái không cầm nắm gì được, chân trái không đi được. Sau 2 tuần châm cứu, các y sĩ tận tình, lo lắng khiến mình được an ủi dữ lắm", bà Đỉnh chia sẻ.
TẤT CẢ ĐỀU MIỄN PHÍ
Bà Huỳnh Thị Kim Chi (68 tuổi), làm việc tại phòng khám, cho hay không chỉ có bệnh nhân tại Q.8, người bệnh các nơi cũng đến điều trị mỗi ngày. "Vật lý trị liệu cần thời gian dài, tốn kém nhiều. Ở đây có người ngày đầu đến tập không đi được, phải dùng xe lăn, mà sau một thời gian đã có thể tự đi bộ từ nhà đến đây hết 60 phút, rồi rút ngắn còn 30 phút… vậy là thấy sự thay đổi", bà Chi nhận xét.
Thượng tọa Thích Huệ Công, Trưởng ban Bảo trợ, Hội Chữ thập đỏ Q.8, chia sẻ phòng khám thành lập từ năm 1994 do những doanh nghiệp người Tiều tài trợ, tổ chức hoạt động. Năm 1996, nơi cũ giải tỏa, phòng khám được quận hỗ trợ 2 mặt bằng mới để duy trì công tác giúp người nghèo. Năm 2008, thượng tọa Huệ Công tiếp nhận và tài trợ chi phí của phòng khám.
"Sau này có thêm người dân, tăng ni, cán bộ hưu trí tham gia vào tổ chức. Các phật tử, nhà hảo tâm khắp nơi hỗ trợ thêm các máy móc, thiết bị để tập vật lý trị liệu cũng như tiền duy trì để điều trị miễn phí", thượng tọa Huệ Công thông tin.
Mỗi năm, 2 phòng khám hết khoảng 250 triệu tiền điện nước, hỗ trợ xăng xe y sĩ, lương y, nhân viên đi lại. Thời điểm dịch Covid-19, hết nguồn tài trợ, sư thầy tự bỏ tiền túi để trang trải các chi phí.
Theo ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Q.8, trang thiết bị ở 2 phòng khám miễn phí ngày càng hiện đại hơn nhờ sự chung tay của nhiều nhà hảo tâm, phục vụ khoảng 50 - 60 lượt bệnh nhân/ngày.
Nguồn Thanh niên