Bệnh nhân như người nhà
Con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, TP.HCM từ thứ 2 đến thứ 6 tấp nập người qua lại bởi nơi đây có một phòng khám mà các y bác sĩ cần mẫn với bệnh nhân dù không lương còn bệnh nhân đến khám hoàn toàn miễn phí.
Hơn 20 năm qua, phòng khám từ thiện tại đây là địa chỉ quen thuộc của những bệnh nhân nghèo, kém may mắn.
Phòng khám mỗi ngày tiếp nhận và điều trị 20-30 bệnh nhân
Anh Bùi Nhựt Quý Bình (43 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) là một trong số những bệnh nhân đó. Thu nhập của gia đình anh phụ thuộc vào tiền công bốc xếp hàng của anh và lương giáo viên của vợ, chỉ đủ lo cho 2 con ăn học.
Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn khi anh không may bị tai nạn giao thông khiến tay trái bị gãy. Sau thời gian dài bó bột, tay anh không thể cử động được. Tưởng chừng anh phải chịu cảnh tàn phế vì không có điều kiện chữa trị thì anh may mắn được bạn bè giới thiệu đến phòng khám này.
Chỉ sau vài tháng chữa trị, cánh tay anh đã trở lại bình thường.
“Tay của tôi không thể cử động và bị lở loét. Nhà khó khăn, bảo hiểm y tế hết hạn nên tôi đành chịu ở nhà. Nhưng khi tới phòng khám được bác sĩ tận tình chữa trị và tập vật lý trị liệu, nay tay tôi đã đỡ nhiều. Ở đây các bác sĩ coi mình như người nhà, chu đáo vui vẻ lắm”, anh Bình chia sẻ.
Đến với phòng khám này, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như anh Bình đã giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may mắc bệnh. Bà Trương Thị Tuyết (63 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) bị tiểu đường, viêm đa khớp. Bà phải đi thăm khám thường xuyên nhưng ngồi chờ đợi ở bệnh viện khiến bà mệt mỏi. Bên cạnh đó, mỗi lần đi khám, bà phải có người nhà chở đi.
“Tôi mắc nhiều bệnh nên phải đi bệnh viện định kỳ. Đến bệnh viện đông đúc nên nhiều khi cũng ngại hỏi bác sĩ những vấn đề của mình. Tuy nhiên, từ khi đến phòng khám này, các bác sĩ ở đây không chỉ tư vấn tỉ mỉ về cách uống thuốc, chế độ ăn mà còn tâm sự, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống", bà Tuyết vui vẻ nói.
"Tôi cũng như nhiều người tới đây cảm thấy các bác sĩ như người thân của mình, có thể đồng cảm chia sẻ với chúng tôi. Mong các bác sĩ luôn mạnh khỏe để đồng hành cùng chúng tôi”.
Phòng khám này đã hoạt động hơn 20 năm với 15 y bác sĩ về hưu. Người trẻ nhất cũng đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết với bệnh nhân nghèo. Dù không nhận bất cứ khoản thù lao hay trợ cấp nào nhưng ngoài việc khám bệnh, các y bác sĩ ở đây còn là người bạn tâm tình, chia sẻ với những bệnh nhân lớn tuổi.
Đồng hành cùng bệnh nhân đến khi hết sức thì thôi
Phòng khám được thành lập vào năm 1995, từ một căn nhà nhỏ được lãnh đạo UBND phường 3 hỗ trợ, với 4 y bác sĩ tham gia. Hơn 20 năm qua, nơi đây đã có sự đồng hành của 15 y bác sĩ và điều dưỡng có thâm niên, tay nghề cao để khám chữa các bệnh từ thông thường như cảm cúm đến bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp... Mọi người đã cùng nhau chung tay góp sức để trở thành phòng khám từ thiện, được Sở Y tế TP.HCM cấp phép hoạt động.
Dù đã 77 tuổi nhưng bác sĩ Phạm Hồng Kỳ vẫn còn minh mẫn, khỏe khoắn. Ông cho biết, có thể nhờ vào việc mình làm việc thiện mà tinh thần lúc nào cũng vui tươi, phấn khởi nên sức khỏe vẫn bền bỉ.
“Từng vào sinh ra tử, tôi từ chiến trường trở về làm bác sĩ quân y rồi giờ về hưu lại tiếp tục phục vụ bà con, đó là bản chất của anh bộ đội cụ Hồ. Không chỉ riêng mình tôi mà cả những đồng nghiệp tại đây đều không muốn ai bị bỏ lại phía sau vì nghèo khó bệnh tật. Bởi vậy, dù đều đã quá tuổi lao động nhưng chúng tôi thấy còn sức là còn làm”, bác sĩ Kỳ vui vẻ nói.
Mỗi ngày, tại phòng khám đều có 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 lương y túc trực chờ đợi bệnh nhân của mình đến khám. Phòng khám tiếp nhận khoảng 20 - 30 bệnh nhân mỗi ngày, tùy vào tình trạng bệnh mà có cách điều trị khác nhau, ngoài cấp phát thuốc còn có xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu… Trung bình một năm, phòng khám điều trị cho hơn 5.000 bệnh nhân.
Những thầy thuốc tóc đã bạc nhưng lòng nhiệt huyết với nghề với bệnh nhân vẫn còn vẹn nguyên. Không nhận lương, họ còn đóng góp thêm vật chất để trang trải các khoản chi tiêu của phòng khám chia sẻ khó khăn và nỗi lo chi phí cho người nghèo.
Biết đến việc làm ý nghĩa của các bác sĩ tại đây, Bệnh viện Quân y 175 đã chung tay góp sức để đảm bảo nguồn thuốc cung cấp cho các bệnh nhân. Ngoài ra, các nhà hảo tâm cũng đóng góp sau khi biết được ý nghĩa của việc làm này.
Bà Phạm Thị Hòa (66 tuổi, ngụ TP.HCM) trước đây là điều dưỡng, sau khi về hưu, bà cùng với đồng nghiệp giúp sức ở phòng khám này hơn 10 năm nay.
“Niềm hạnh phúc của chúng tôi là sự phục hồi, khỏe mạnh của người bệnh. Mỗi khi chứng kiến bệnh nhân khỏe lại chúng tôi thấy phấn khởi và xem đó là động lực mình cố gắng duy trì, cứ còn sức là còn làm”, bà Hòa chia sẻ.
Ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, thế nhưng những y bác sĩ nơi đây vẫn luôn cố gắng cống hiến sức mình cho xã hội. Lòng nhân ái của họ không chỉ là điểm tựa về sức khỏe mà còn động viên tinh thần cho những bệnh nhân nghèo khó.
Liên Anh