Võ sư Trịnh Hồng Minh (cháu nội nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô), vốn là một cao thủ phái Nhất Nam, đồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử võ thuật có tiếng. Ông dường như luôn chờ đón những người yêu võ tới hỏi ông mọi chuyện về võ.
Đón tôi tới thăm với câu hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của phái Thất Sơn Thần Quyền, ông cười rạng rỡ và mở đầu bằng một giai thoại mà các bậc cao lão, trưởng thượng trong làng võ đều từng nghe: “Đầu thế kỷ 20, ở Lục tỉnh Nam bộ vẫn thường tổ chức những cuộc thượng đài đấu võ tự do. Một lần cụ Hoàng Bá lên đài so găng với một cao thủ người Ai Lao. Vừa vào trận, cụ bị dính ngay một đòn cước của đối thủ, văng ra xa, tưởng đã chết.
Thoắt nhiên, cụ Hoàng Bá bật dậy, mặt đỏ phừng phừng, tóc tai dựng ngược, miệng lầm bầm niệm chú rồi lăn xả vào đối phương như người nhập đồng. Cụ đánh quay cuồng, loạn xạ bất chấp chiêu thức của đối phương ra sao.
Cuối cùng, cụ tung ra một đòn cước trúng mặt khiến võ sĩ Ai Lao văng ra xa với tiếng xương hàm gãy vụn... Cũng từ đây, một dòng võ nhuốm màu huyền bí bậc nhất Việt Nam - Thất Sơn Thần Quyền đã lộ diện”.
Theo những gì ông Minh biết thì môn hiệu Thất Sơn Thần Quyền được đặt theo tên của một vùng đất có 7 ngọn núi ở vùng Châu Đốc, một nơi thiên địa chính khí tràn đầy, hội tụ nhiều điều huyền bí nhất trên đất nước Việt Nam. Nơi đây cũng đã cưu mang rất nhiều vị tu hành pháp thuật và huyền thuật nổi tiếng. Thất Sơn Thần Quyền với biến động thăng trầm của mình từ thuở khai môn lập phái đã về hướng núi Thất Sơn Bà Đen, lấy đó là ẩn trú, tàng mình và luyện đạo.
Vị tổ sư sáng lập của dòng võ này là cụ Võ Văn Đoan (thường gọi là Chàng Lía), có quê nội ở huyện Phù Ly (tức huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ngày nay).
Vốn là một người giỏi võ, cụ theo khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình thế kỷ 18. Cụ Cử Đa là một học trò xuất sắc của Chàng Lía, sau đi thi võ thời Thiệu Trị và đắc quan Trạng. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, cụ Cử Đa bị giặc Pháp truy đuổi, bèn giả làm nhà sư điên trốn lên núi Đen. Tại đây cụ cũng truyền dạy võ cho vài đệ tử, trong đó có cụ Cử Đôn.
Theo dân gian tương truyền, cụ Cử Đôn về sau làm đạo sĩ ở núi Cấm, An Giang, có thu nạp học trò là cụ Hoàng Sơn để truyền thụ võ công. Cụ Hoàng Bá - võ sĩ trong trận đấu kể trên, là học trò chân truyền của cụ Hoàng Sơn. Bởi các người thầy của dòng võ này tu luyện đạo pháp trên núi nên môn phái ngày càng nhuốm màu tôn giáo.
Thất Sơn Thần Quyền lưu truyền trong dân gian với một lời thề “không lộ diện” để tránh va đấu với các môn phái khác. Nếu bất tuân sẽ bị tước bỏ võ công. Tuy nhiên, đến đời cụ Hoàng Bá, môn phái đã có một cơ hội lộ diện thông qua trận thượng đài với võ sĩ Ai Lao. Từ đó, các võ sư Thất Sơn Thần Quyền ẩn mình đã dần lộ diện, lập nên các võ đường và truyền dạy trong khắp Nam kỳ Lục tỉnh, rồi lan ra Huế, sang cả Campuchia và Lào.
Đất nước thống nhất, vào thập niên 80, Thất Sơn Thần Quyền bắt đầu xuất hiện ở miền Bắc. Khắp các tỉnh phía Bắc, các võ đường môn phái này được mở ra, số lượng võ sinh tập lên tới hàng chục nghìn người, do những đặc dị của nó phù hợp với tâm thế người Việt.
Tuy nhiên, chính sự huyền bí trong cách thức tập luyện như thắp hương, đọc thần chú, yểm bùa, cùng các quy định trong môn gần với tôn giáo... đã khiến môn phái này gặp phải sự lo ngại vì dễ bị cho rằng là một thứ gì đó kiểu “tà đạo”... Thất Sơn Thần Quyền lại một lần nữa lặn vào trong dân gian, bí mật trong việc tập luyện và truyền dạy. Bí ẩn càng lớn, Thất Sơn Thần Quyền càng dần mai một vì không được xã hội biết đến thậm chí, là đứng trước nguy cơ thất truyền.
Lý giải sự huyền bí
Nhìn một võ sĩ Thất Sơn đi quyền hay giao đấu, thật khó biết họ dùng chiêu thức gì. Khi vào trận, võ sĩ lầm rầm khẩu quyết rồi lảo đảo đi quyền, tay chân vung vẩy, đấm đá chao múa loạn ngậu, đang đứng lại ngã, quăng quật dường như không biết đau.
Còn nhớ một lần chúng tôi đã hỏi sư phụ của mình - võ sư chưởng môn Nhất Nam Ngô Xuân Bính về Quyền Thề. Thầy lý giải, đại ý: Thất Sơn Thần Quyền tìm thăng bằng trên sự mất thăng bằng. Ngược lại với nguyên lý của thuật luyện Ma quyền của môn phái Nhất Nam. Chính bằng việc tự ngã, tự đổ mà người luyện Thất Sơn có thể hóa giải, triệt tiêu lực đánh của đối phương khi tiếp chạm, rồi ra đòn với sức mạnh bản năng, nếu bị đánh trúng sẽ rất nguy hiểm.
Theo võ sư Trịnh Hồng Minh, để gia nhập môn phái này, học trò phải thực hiện nghi lễ bái tổ và nguyện thề trước bàn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, vốn được coi là vị Phật dẫn dạy và phù độ khai mở võ công của môn phái. Vì vậy mà Thất Sơn Thần Quyền còn được gọi là Quyền Thề.
9 lời thề nguyện khi nhập môn là các điều răn dạy về tâm thế, ứng xử đạo nghĩa của người theo tập Quyền Thề, gồm: 1- Hết lòng hiếu thảo với cha mẹ; 2- Không phản thầy; 3-Không phản bạn, xem bạn như anh em ruột thịt; 4- Không phản lại môn phái Thất Sơn Thần Quyền; 5- Không ỷ mạnh hiếp yếu; 6- Không ham mê tửu sắc; 7- Không cưỡng bách những người đàn bà đã có chồng con; 8- Hết lòng làm việc nghĩa; 9- Không phản đạo.
Cùng đàm luận với chúng tôi còn có nhà nghiên cứu văn hóa - võ sư Nguyễn Mạnh Thắng, ông cho biết cũng đã nhiều năm tìm hiểu về dòng võ này và có bạn luyện Thất Sơn Thần Quyền. Ông Thắng cho biết với sự pha trộn nhiều tín ngưỡng và các dòng tôn giáo chủ lưu ở Việt Nam, Thất Sơn Thần Quyền dựa trên một niềm tin tôn giáo. Đó là xin võ công và sự chỉ dạy cũng như luyện tập dựa trên khả năng độ (dạy) của các bậc thánh thần, cũng như các vị đắc đạo chân nhân, trong hệ thống nhân thần của Lão giáo và Nho giáo.
Thất Sơn Thần Quyền lấy sự khai mở tâm thức dẫn tới “thần thức”, thi triển võ công hành động qua bùa, chú, hoặc các khấn vọng để tiếp nhận sự trì độ từ các đấng sư tổ. Khả năng chịu đòn, các thủ pháp môn công, lối công thủ đều được xây dựng trên cơ sở niềm tin và dẫn độ khai mở thần thức hoạt động một cách vô thức.
Thực tế nếu dùng các khái niệm hiểu biết quan sát hay tổng kết logic rất khó có thể giải thích hoặc tin tưởng luyện tập theo Thất Sơn Thần Quyền. Nhưng, yếu tố dựa vào niềm tin khai mở một số các khu vực chưa hiểu rõ thì Thất Sơn Thần Quyền là một minh chứng cho các lối công thủ thì triển dựa vào tâm thức. Đó chính là một nét rất dị biệt chưa từng có, nếu so sánh Thất Sơn Thần Quyền với tất cả các môn võ khác đã hiện hữu trong lịch sử.
Theo ông Thắng, môn công của Thất Sơn Thần Quyền chia làm hai phần chính là Dương Công và Âm Công. Dương Công là phần chủ yếu luyện các bài quyền, thủ pháp công thủ. Khởi nguồn chịu ảnh hưởng nhiều bởi quyền của Bình Định, nên các thủ pháp tay chân, tấn hay thân pháp cũng nhiều nét tương đồng với quyền võ Bình Định. Lối luyện đánh tứ cửa, lối công thủ đoản đòn dựa trên cơ sở của các thủ pháp xoắn đòn, văng đòn.
Chiêu thức của Thất Sơn Thần Quyền thoáng hoạt, dựa trên sự thuận lực, thuận thế dựa vào công thủ của đối phương mà nương theo. Các miếng bốc vét, xà tấn thấp, đảo đầu hồi mã mang đậm võ thuật Bình Định. Các đòn chỏ, vít tay, miết đòn gợi tới nhiều ảnh hưởng của võ Miên. Thân thủ của phái này dựa trên yếu tố linh hoạt, lỏng, với đặc tính "ổn định trong sự bất ổn", nên các thuật công thủ của Thất Sơn Thần Quyền mang tính biến, khó lường, phi quy ước.
Một võ sư của môn phái Thất Sơn Thần Quyền.
Thất Sơn Thần Quyền lấy học võ - học khí - học thần - học đạo làm đạo lộ. Học võ và chữa bệnh là hai mức độ thăng tiến của võ Thất Sơn Thần Quyền. Vì thế, đã có rất nhiều các võ sư Thất Sơn Thần Quyền trở thành đạo sĩ trong lịch sử.
Khai thác tính lỏng, bất ổn, biến chiêu theo kiểu hư thực của Thất Sơn Thần Quyền phải tới sự vô thức trong sự ý thức do tâm và thần dẫn dắt. Để luyện các môn công liên quan tới thần thức, Thất Sơn Thần Quyền lấy các yếu tố siêu nhiên làm chủ. Đây là phần cốt yếu của thuật luyện Âm Công trong Thất Sơn Thần Quyền.
Nhập đồng, thánh nhập dạy truyền, hay các niệm chú, bùa để tin tưởng nhận được sự bảo vệ trì độ các thánh thần. Đòn và lực của Thất Sơn Thần Quyền có lực văng lớn, va chấn và biến động tùy biến nhờ một phần yếu niềm tin dẫn tới vô thức. Tạo được sự văng lỏng của thân thủ cơ khớp nên đòn biến ảo, va ném mạnh tạo tính sát thương cao.
Sự “khai quang, linh dẫn nhập hồn” cũng đã có nhiều minh chứng và biểu hiện trong các tính ngưỡng thờ của dân tộc Việt. Các cuộc hầu thánh, với một sức mạnh nhảy múa, diễn tấu lại các trận đánh của đồng cốt, là một ví dụ cho việc khai mở một trường năng lượng siêu nhiên ẩn chứa sẵn trong chúng ta mà đến nay chưa lý giải bằng khoa học được. Thuật lắc đảo cầu diễn ra trong võ Thất Sơn Thần Quyền khi thắp hương xin quyền xin thánh nhập có nhiều nét tương đồng với nghi lễ đảo đồng, dâng hương của đạo Mẫu Tứ Phủ, một tín ngưỡng phổ biến của dân tộc Việt.
Thuật gồng, chịu đòn, các chú xin lực, đòn, chịu đòn đánh mang nhiều nét tương đồng với võ Miên, quyền Thái. Chịu nhiều ảnh hưởng của bùa chú như võ Thái trong việc tăng khả năng bảo vệ cơ thể khi va chạm. Cùng với việc vẽ bùa chú tại trận đấu, Thất Sơn Thần Quyền thể hiện sự pha trộn phần tín ngưỡng giữa Lão giáo, Đạo giáo truyền từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Cho đến cả hệ thống thánh thần trợ giúp phần Âm Công cũng đã nói lên tính pha trộn giao thoa của các nền văn hóa trong Thất Sơn Thần Quyền. Hệ thống gồm có: “Hỏa Hỏa chơn chơn”, “Bá Thiên đạo trưởng”, “Ngư Câu lão ông”, “Thanh Trúc đạo trưởng”, “Hoành Thiên đạo trưởng”, “Bá Hành ngũ độc”, “Sa Thiên đạo trưởng”, “Nga Mi lão tổ”...
Ra đời và tồn tại trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, với tâm pháp thấm đẫm tinh thần Phật giáo và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, như gìn giữ sự chính trực, giữ mình trong sạch, hướng tới tính thượng võ cao quý, xả thân vì nước, bảo vệ xã tắc, Thất Sơn Thần Quyền xứng đáng là một môn phái võ trong cộng đồng các dòng phái võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Theo chúng tôi, ngành văn hóa nên có những nghiên cứu công phu về môn phái này để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ẩn tàng trong đó, làm giàu đẹp thêm sự đa dạng văn hóa trong kho tàng võ thuật của dân tộc ta.