Những Tuệ Tĩnh thời nay: Tìm sự sống trên đỉnh núi

Thứ tư - 06/05/2020 03:11
Có một nhà sư trụ trì trong ngôi chùa cao chót vót trên đỉnh núi Sập (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang) – ngôi chùa in bóng trên kênh Vĩnh Tế, con kênh nối miền châu thổ với biển Đông do danh tướng Thoại Ngọc Hầu lĩnh ấn tiên phong khai mở.
Nhà sư và những vị thuốc nam.
Nhà sư và những vị thuốc nam.
Ngoài việc tu hành, hằng ngày nhà sư còn tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân nghèo trong vùng tìm đường lên núi để chữa bệnh. Nhà sư có pháp danh là Thích Thiện Thành.
 
Cơ duyên
Lúc chúng tôi tìm đến, khuôn viên ngôi chùa chật ních bệnh nhân. Trên nền nhà, họ ngồi chờ đến lượt được nhà sư khám, chữa bệnh miễn phí. Tên thật của nhà sư là Trương Văn Thành. Người miền Tây có câu: “Tên sao, người vậy”. Ông bắt đầu câu chuyện về cuộc đời với giọng kể nhẹ nhàng, chậm rãi, phóng khoáng như tính cách vốn có của ông.

Sinh năm 1975, tại xã Đông Bình, huyện Bình Minh (Vĩnh Long), ông học Đông y tại Cần Thơ, là hội viên Hội Đông y Việt Nam (số hiệu 29998) do Chủ tịch hội, BS Nguyễn Xuân Hương kí. Khi 15 tuổi, chàng thanh niên tên Thành lần đầu tiên được gia đình cho lên núi Sập để học nghề bốc thuốc nam. Tại đây, sư Duyên – chú ruột ông, từng là đại biểu HĐND huyện, truyền nghề cứu chữa người nghèo lại cho cháu. Sau khi sư Duyên qua đời, ông tiếp tục thực hiện ý nguyện để lại của tiền bối.

Nhớ ngày lên núi, chùa xây bằng cát, rất hoang sơ. Đến giờ, chùa đã trở nên khang trang hơn nhiều chính vì những tấm lòng thơm thảo của thập khách phương xa. Chính nhờ cơ ngơi đó đã giúp ông có nơi để khám chữa bệnh.

Suốt từ sớm đến tối, đại sảnh của chùa đón tiếp hàng trăm lượt bệnh nhân đến đợi khám và bốc thuốc về uống. “Mỗi ngày tôi phải lo bốc khoảng 500 thang thuốc miễn phí cho người nghèo quanh đây” – nhà sư tâm sự.

Người dân chủ yếu mắc các bệnh: tiểu đường, gan, máu. Trẻ em thì mắc thêm phát ban. Bao đời nay, vì dân trí thấp, kinh tế lại khó khăn họ thường ít tìm đến bệnh viện chữa trị mà truyền tai nhau về ngôi chùa trên đỉnh núi nên hết thế hệ này tới lứa sau đều tìm đến nhà chùa.

Đong đầy yêu thương

Lối lên nơi khám chữa bệnh, cho thuốc miễn phí.
“Thông thường, nhiều bệnh nhân khi đau ốm luôn tìm đến Tây y để chữa trị bởi qua chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp X-quang, siêu âm... sẽ thấy chính xác các vị trí cần chữa. Nếu không chữa được từ gốc thì bệnh chỉ thuyên giảm chứ không bao giờ hết hẳn” – hướng ánh nhìn ra phía cơn mưa chợt đổ xuống, “ông Bụt” của người nghèo tỉnh An Giang tâm sự.

Một bệnh nhân trong vùng sau khi bị chấn thương sọ não, dù đã đến rất nhiều bệnh viện để tập vật lý trị liệu nhưng vẫn liệt chân, nhờ ông châm cứu đã đi lại được. Tôi nhớ tới lời của TS. BS Phạm Tỵ- giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định, người đạt giải nhất châu Á về chữa động kinh, phẫu thuật hẹp võ não 2 năm liền (2006, 2007) thì: “Phục hồi sau não, uống thuốc Tây chủ yếu để làm giãn cơ, nếu Đông y châm cứu đúng cách, đúng các huyệt thì khả năng đi lại sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Ở đây cần sự kết hợp của Đông, Tây y”.

Người già rất nhiều bệnh nên sư Thành phải tìm ra căn nguyên để chữa bệnh nặng trước. Mới đây, một ông cụ ở ngay dưới chân núi, bị xuất huyết não, nhồi máu cơ tim đem lên Sài Gòn chữa nhưng bị trả về, chờ chết, gia đình của bệnh nhân đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nghe tin mọi người mách bảo có thần y trên đỉnh núi, cả nhà bệnh nhân khăn gói đưa ông cụ lên khám thử. Thế rồi, như một phép màu nhiệm, chỉ sau 30 thang thuốc nam, từ chỗ nằm liệt một chỗ, ông cụ đã đứng dậy được, vui thú vườn cây cùng con cái. Để cảm ơn sư ông tốt bụng, con cái ông cụ có gởi cho sư Thành 30 triệu đồng tiền bồi dưỡng. Thế nhưng, vị ân nhân này nhất mực không lấy. “Làm gì có ích cho đời thì nên làm. Làm việc tốt đâu cần người trả ơn” – ông nói. “Thuốc tây có hiệu quả rất nhanh nhưng chỉ trị ở phần ngọn, thuốc nam của dân tộc mình tốt hơn ở chỗ là trị tới tận gốc” – sư Thành trình bày quan điểm khi liên tục đo huyết áp, bắt mạch cho các bệnh nhân đang tới lượt.

“Thần y” đang chữa bệnh cho dân nghèo.
Anh Khưu Minh Tuấn, ngụ ấp Bắc Sơn, nằm dưới chân núi cho biết: “Ngày thường, tôi làm nhân viên cho một hãng xe. Biết tâm niệm của thầy là giúp cho người nghèo nên hễ rảnh là tôi lên đây phụ ông gói thuốc”. Người bệnh có khi phải chờ cả ngày mới tới lượt vì quá đông, nhưng nếu đến bữa  sẽ được nhà sư đãi món cơm chay thanh tịnh mà thấm đẫm tình người. Có những bệnh nhân nghèo từ các huyện xa trong tỉnh đến khám không có tiền về xe, nhà sư rút ngay những đồng tiền có được để tặng họ làm lộ phí kèm theo lời dặn dò: “Nếu không khỏi bệnh, hãy đến đây, nhà chùa luôn rộng cửa đón tiếp”. 

Xế trưa, bên mâm cơm đạm bạc của nhà chùa, tôi cùng ông đàm đạo về nhân tình thế thái. Mỗi khi nói về lòng tốt, về tâm thiện, mắt ông sáng ngời niềm tự hào và hạnh phúc.

Phát triển thương hiệu thuốc dân gian
Để duy trì nguyên liệu làm thuốc, ông phải thuê người đi kiếm. Trên đỉnh núi Sập thảo dược có rất nhiều như: nhàu, rau tằm nhĩ, vong nem, rễ tranh, bạt thau... Thế nhưng, có loại phải ra tận Hòn Đất (Kiên Giang) để tìm mua. Muốn lấy bạt thau (thị trường bán với giá 100.000đ/kí), vào những tháng có mưa (tháng 3-10 âm lịch), ông trực tiếp ra núi Cấm ở huyện biên giới Tịnh Biên, giáp với tỉnh Sveng Riêng (Campuchia) để “truy lùng”. Dược thảo này có tác dụng trị mát gan, máu huyết... Vì lá cây mọc ở các tảng đá nên người hái phải cực kì cẩn thận, nếu lỡ chân có thể rớt ngay xuống đất. Để cây giống không bị tận diệt, thầy trò ông chỉ hái lá, dưỡng gốc lại để lần sau lên hái tiếp. Loại biệt dược  này chưa có tên trong sách của GS. DS Đỗ Tất Lợi (đã quá cố). Nhà sư cho rằng, đó chính là sự ưu đãi của thiên nhiên dành cho người Việt.

Nghe tôi hỏi về việc nếu sử dụng quá nhiều các loại thuốc mọc tự nhiên, có khi nào nguồn nguyên liệu quý giá sẽ bị tuyệt chủng, nhà sư khẳng định, ông có cách nhân giống cũng như sử dụng thay thế một số loại cây quý hiếm, nhưng tác dụng và giá trị vẫn không đổi. Sắp tới, ông có ý định sẽ trồng một vườn thuốc nam với diện tích lớn ngay tại chùa để giảm chi phí.

Ngoài việc khám, chữa và cấp thuốc miễn phí, nhà chùa thường xuyên tham gia rất nhiệt tình công tác xã hội tại địa phương nhu phát mì tôm, mùng mền cho những nơi có đồng bào nghèo. Hình ảnh một nhà sư ôm từng bao gạo, thùng mì đã quá quen thuộc với bà con nơi đây. Chính vì sự tin yêu đó nên có những kẻ lợi dụng việc chụp lén hình của ông, rồi mang đến nhiều hộ khá giả để xin tiền nhằm trục lợi. Rất may, chúng bị phát hiện.

“Ngày trước, có hai thầy thuốc của dân tộc chuyên trị bệnh cho người nghèo và cứu nhân độ thế là thầy Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông. Riêng Tuệ Tĩnh là một nhà sư nên tôi tiếp tục đi theo con đường và tâm niệm của người. Tôi muốn giữ gìn, bảo tồn và phát triển thương hiệu của ông cha để lại” – đó chính là tâm niệm của nhà sư. 
 
(còn nữa).

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây