Tối thứ sáu, Toàn gửi ảnh đang... ram thịt, bảo mai làm món bún thịt ram và nem nướng cho người bán vé số, người khó khăn ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) ăn.
Bao nhiêu năm nay, những ngày cuối tuần của Toàn đều dành cho việc thiện nguyện, nếu không phải là Sóc Trăng thì là Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Kon Tum... Cứ tối thứ sáu đi, đêm chủ nhật về để sáng thứ hai đi làm.
“Tôi đã đi cùng Toàn nhiều chuyến thiện nguyện nên thấy rõ cái tâm, sự vô tư và tình thương của Toàn với người nghèo khổ. Bà LÊ KIM HỒNG (chủ quán Gà nướng Anh Tư, Bình Thạnh).
Vì chữ thương mà đi...
Hơn 13 năm nay, Toàn và những bạn trẻ SV07 đã dành những năm tháng tuổi trẻ của mình hát ở bệnh viện, trò chuyện với bệnh nhân ung thư, nấu những bữa ăn lành gửi cho bệnh nhân, nấu tiệc ngọt trung thu cho học trò nghèo, đem chút vui vẻ bừng sáng đến cho người khiếm thị...
Châu Thành Toàn cũng là người nghĩ ra việc đi hát dạo ở các quán ăn, quán nước, chợ... xin từng đồng bạc lẻ để giúp người nghèo. Vì người nghèo, anh không ngại cầm loa kẹo kéo đứng hát, xin tiền trước bao người xa lạ, có khi vấp phải ánh mắt nghi ngờ.
Toàn coi tình nguyện là một nửa cuộc sống của mình. Thời gian rảnh và cả 15 ngày phép của năm, anh dành hết cho việc thiện nguyện. Khi người ta nghỉ lễ, Toàn lại xin đi trực để có ngày nghỉ bù.
Toàn đã làm tình nguyện viên 16 năm nay cho giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc.
Ông Phạm Ngọc Sơn, hiện đang công tác tại Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, bảo: "Toàn gắn bó với giải thể thao người khuyết tật từ khi còn là sinh viên. Khi nhận thù lao, Toàn và nhóm của cậu ấy không hưởng mà góp lại để dành tiền xây nhà cho người nghèo hoặc mua xe đạp tặng cho học trò".
Với những chuyến đi tỉnh, có khi ra tận miền Bắc, không có thù lao, Toàn và các tình nguyện viên vẫn sẵn lòng bỏ tiền túi đi. Có khi anh còn phải xin tiền một nhà hảo tâm rất thân thiết để có kinh phí đi làm tình nguyện viên hỗ trợ người khuyết tật.
"Nếu chỉ nghĩ thiệt hơn cho mình thì đi làm gì. Nhưng thương, vì chữ thương mà đi thôi" - Toàn nói ngắn gọn.
Toàn đã quá quen với những chuyến xe lúc 23h, lúc 2-3h sáng. Những nơi anh đến không phải là phố xá, mà là nơi xa xôi, khó khăn, những làng chài tan hoang sau bão.
"Chúng tôi không thể giúp người nghèo hết khổ, nhưng ít nhất chúng tôi có thể mang cho họ niềm tin rằng giữa cuộc đời rộng lớn này họ vẫn được quan tâm và không đơn độc" - Toàn bảo.
Cứ thế, những chuyến đi của Toàn làm cho người đang vất vả, buồn khổ có thể nở nụ cười, có được chút vỗ về an ủi để dũng cảm vượt qua thời khắc khó khăn nhất.
Điều người nghèo cần không phải là sự bố thí
Hằng năm, ngoài những căn nhà do nhà hảo tâm tài trợ, Toàn và nhóm SV07 cố gắng xây ít nhất một căn nhà từ đóng góp của các thành viên. Năm 2019, Toàn và nhóm SV07 đã làm được 20 chương trình thiện nguyện với số tiền quyên góp gần 2 tỉ đồng, trong đó có 12 căn nhà được xây tặng và hàng chục chiếc xe đạp xịn cho học trò nghèo.
Có nhà hảo tâm hỏi Toàn: "Sao tặng loại xe có chất lượng tốt nhất và mới nhất chứ không mua loại rẻ tiền?", Toàn kể câu chuyện ám ảnh mình ngày trước.
Hồi đó, Toàn và các bạn góp tiền mua được bốn chiếc xe đạp rồi đạp luôn đi tặng. Chạy một đoạn thì có chiếc long cả pê-đan, phải mang đi sửa. Tặng xe xong, Toàn không dám trở lại hỏi người nhận xe chạy có tốt không, có còn dùng được chiếc xe ấy hay không...
"Điều người nghèo cần không phải là bố thí. Cũng vì nghèo, họ không nên nhận được những món quà chắp vá, rẻ rúng, nay sửa mai chữa vì không có tiền mà tối ngày đi sửa. Nếu mình đã có tâm làm việc tốt, sao không cố làm cho nó chu toàn hơn" - Toàn bảo.
Không chỉ cần một tấm lòng thành ngơ ngác
Châu Thành Toàn và nhóm SV07 đã quyên góp xây được hơn 23 căn nhà, tặng hơn 200 xe đạp xịn, lắp gần 300 chiếc chân giả, tặng hơn 100 xe lăn...
Châu Thành Toàn khẳng định: “Làm tình nguyện cần nhiều kỹ năng hơn là chỉ một tấm lòng thành ngơ ngác. Công việc nào cũng có những mặt trái và khó khăn của nó. Nhiều người coi tình nguyện viên như người sai vặt, sẵn sàng nặng lời, quát nạt”.
Toàn bảo anh học được cách phải kiên quyết với điều không đúng xảy ra trước mắt. Như tráo người lẽ ra phải được nhận. Như chuyện người được chọn lại không muốn làm chân giả, mà chỉ muốn lấy tiền. Tệ nhất là chuyện hiểu lầm tiền bạc trong việc thiện nguyện.
Nhưng Toàn rất tự hào kể tên các nhà hảo tâm giờ đã thân quý như những người anh, người cô, người mẹ: anh Kiến Minh ở Canada, chị Trang ở quận Phú Nhuận, cô Tư gà ở quận Bình Thạnh, cô Xuân Trang ở quận 7, cô Đỗ Lý ở quận Gò Vấp, cô Mỹ Ngọc ở chợ An Đông, cô Hương ở quận Tân Phú...
Để có tiền cho những chuyến đi làm thiện nguyện, Toàn "keo kiệt" với chính bản thân mình. Tiền lương mỗi tháng được hơn 5 triệu đồng, anh để dành ra 1 triệu đồng, có tiền thu nhập tăng thêm, một quý Toàn tiết kiệm được 10-12 triệu đồng.
Tết được thưởng mấy triệu, Toàn không dám xài, để đó mua quà tết cho người nghèo. Anh chàng cười mắc cỡ khi nói khoảng 3 năm nay, cứ tết đến các nhà hảo tâm lại còn lì xì. Tiền đó Toàn để dành phòng khi có việc.
Gần 40 tuổi, Toàn vẫn độc thân. "Có người vợ nào chấp nhận chồng đi hoài, lo cho người khác hoài mà lại còn không có lương?" - Toàn cười.