Hộp cơm mang niềm vui đến những mảnh đời neo đơn

Thứ ba - 19/05/2020 03:30
Những ngày đầu tháng 5, bà Dung, ngụ tại TP HCM có niềm vui chờ đến trưa được gặp nhiều người, khi nhận cơm từ thiện
Bà Dung đứng trước cửa nhà mình. Ảnh: K.A
Bà Dung đứng trước cửa nhà mình. Ảnh: K.A

Bà Phù Lệ Dung, 71 tuổi, sống trong một con hẻm nhỏ trên đường 3/2, phường 12, quận 11, hơn chục năm nay. Bà có người con gái năm nay đã gần 50 tuổi, hằng ngày đi làm bằng xe đạp hết hai tiếng mới đến nơi làm việc nên phải ra khỏi nhà từ 5h, tối mịt mới về, một mình bà lủi thủi trong ngôi nhà nhỏ chưa đầy 20 m2 cả ngày. Bà người gốc Hoa, biết ít tiếng Việt nên cũng hạn chế giao tiếp với hàng xóm.

Thời trẻ, không biết nhiều chữ, bà đi làm giúp việc, rửa bát, dọn nhà cho các gia đình giàu hay các quán hàng. Gia cảnh khó khăn, con gái cũng không được học hành nhiều, lớn lên nối nghiệp mẹ. Từ khi Covid-19 xuất hiện, xã hội thực hiện giãn cách, nhà hàng nơi con bà làm việc phải đóng cửa, chị thất nghiệp ở nhà.

"Cuộc sống của hai mẹ con lúc nào cũng thiếu thốn. Dịch bệnh, con gái phải nghỉ việc nên càng khó khăn hơn. Giờ con đã được đi trở lại, đỡ phần nào, nhưng ảnh hưởng từ thời gian gian thất nghiệp vẫn nặng nề", bà Dung chia sẻ và cho biết, hai mẹ con làm gì cũng hết sức tiết kiệm: giặt giũ hạn chế, vài ngày mới giặt một lần, đèn chiếu sáng đến khi nhà đủ người mới bật...

Thấy bà ở nhà một mình, một người quen cho một chiếc tivi cũ nhưng bà hiếm khi xem vì sợ tốn điện. Lúc nào ước tính còn tiền đóng tiền điện, bà mới dám mở tivi. Một tháng, chỉ dùng điện để nấu cơm và bật quạt, mẹ con bà hết khoảng 70.000 đồng. Nếu đi làm, mỗi tháng con gái bà kiếm được hơn 4 triệu đồng, bà ở nhà nhặt nhạnh ve chai, mỗi ngày được gần 20.000 đồng, trong khi hai mẹ con còn nhiều chi phí phải tiêu. 

Bà có bệnh đau cột sống, huyết áp cao nên dù đã được phường cấp một thẻ bảo hiểm y tế, thỉnh thoảng vẫn tốn thêm tiền thuốc men bên ngoài. Dù vậy, người phụ nữ này luôn cảm thấy mình may mắn, vì thỉnh thoảng vẫn nhận được sự giúp đỡ của xã hội và cộng đồng.

Trong suốt cuộc trò chuyện với anh cán bộ Đoàn Thanh niên phường, đại diện thay mặt Grab và Quỹ Hy Vọng (do VnExpress vận hành), trao phần cơm từ thiện trong chương trình phát cơm "Tiếp sức cộng đồng  - Vững vàng vượt khó", nụ cười thường trực trên môi bà. "Cơm ngon lắm, tuy canh thì hơi mặn vì tôi vốn ăn nhạt do sợ huyết áp cao. Chỉ cần đổ thêm ít nước lọc vào là ổn", bà Dung cho biết và bổ sung, nhờ có những phần cơm từ thiện này, cuộc sống của mẹ con bà lúc nghỉ việc vì dịch bệnh đỡ được phần nào.

Từng nhiều bữa nhận cơm từ chương trình "Tiếp sức cộng đồng - Vững vàng vượt khó", bà Nguyễn Thị Nga, 71 tuổi, quê Kiên Giang cho biết cơm rất ngon, đã giúp một người phụ nữ neo đơn như bà cảm thấy ấm lòng.

Bà Nga kể mình sống ở Sài Gòn từ năm 14 tuổi, đã từng lập gia đình và sinh con, nhưng hiện giờ chỉ có một mình vì chồng đã có vợ mới, các con gái lấy chồng, người làm dâu tỉnh xa, người phải thuê trọ ở thành phố, điều kiện kinh tế đều khó khăn, thỉnh thoảng chỉ có thể gửi chút tiền biếu mẹ.

Bà hiện giờ sức khỏe yếu, hai chân sưng phù, đứng không thẳng, đi không vững nên chủ yếu sống bằng sự hỗ trợ của cộng đồng. "Các bữa ăn của tôi là những phần cơm, những tấm bánh mọi người cho. Ai cho tiền thì tôi để dành mua thuốc, bà Nga kể. "Đợt dịch bệnh này, tôi không có tiền mua thuốc nhưng bù lại có các phần cơm rất ngon như thế này, ăn vào thấy tỉnh cả người. Ngày nào tôi cũng đến đây nhận cơm từ sớm", bà Nga hai tay nâng hộp cơm và khoe.

kt 90
Bà Nga luôn đến nhận cơm từ sớm. Ảnh: K.A.

Từ ngày 20/4, chương trình "Tiếp sức cộng đồng - Vững vàng vượt khó" do Grab và Quỹ Hy Vọng đang trao tặng 15.000 suất ăn miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, chương trình đã nhận được sự ủng hộ đông đảo từ người dùng Grab thông qua hình thức đổi điểm GrabRewards. Những suất cơm nóng sốt không chỉ giúp người khó khăn có thêm những bữa ăn mà quan trọng hơn, đã tặng cho họ niềm tin vào cộng đồng, để tiếp tục cố gắng trong cuộc sống của mình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây