Độc đáo ngôi chùa lưu giữ 60 pho tượng Phật cổ

Thứ ba - 28/04/2020 03:53
Chùa Cầu Đông là ngôi chùa cổ nằm nép mình ở số 38B phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Chùa Cầu Đông là ngôi chùa đặc biệt nằm trong lòng phố cổ Hà Nội. Ảnh: K.Tiến
Chùa Cầu Đông là ngôi chùa đặc biệt nằm trong lòng phố cổ Hà Nội. Ảnh: K.Tiến

Căn cứ vào di vật có niên đại sớm nhất thì vào khoảng đầu thế kỷ XVII, chùa Cầu Đông đã có mặt trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn vật. So với những ngôi chùa cổ khác ở Hà Nội, chùa Cầu Đông được biết đến là ngôi chùa còn lưu giữ được 60 pho tượng Phật cổ có giá trị.

Chùa Cầu Đông còn có tên chữ là Đông Môn Tự hay còn gọi chùa Đông Môn. Chữ “Đông” nghĩa là phía Đông, còn “Môn” nghĩa là cửa. Sở dĩ có tên gọi này vì xưa kia chùa thuộc thôn Đông Hoa Môn, phía đông của Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại quen gọi là chùa Cầu Đông vì chùa nằm gần cầu Đông trên dòng sông Tô, bên cạnh chợ Cầu Đông ngày trước.

Chùa Cầu Đông có niên đại khá lâu đời, bản thân di tích này có bề dầy lịch sử đáng trân trọng. Trong cuốn “Hà Nội phố phường”, tác giả Giang Quân cho rằng chùa Cầu Đông là “di tích cổ từ thời định đô Thăng Long”. Chùa được xây dựng năm 1010 từ khi vua Lí Thái Tổ quyết định rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên Thăng Long.

Theo truyền thuyết, vào thời Trần (1225 - 1400), chùa được Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung cho tu bổ, sửa sang cảnh quan. Còn trong hồ sơ di tích chùa Cầu Đông lại dựa vào câu chuyện trong sách “Thiền phả” của phái Tào Động để xác định niên đại của chùa - được “xây dựng lại” vào cuối thế kỷ XVII. Sự hiện diện của chùa được ghi nhận một cách chắc chắn và cụ thể qua tấm bia “Đông Môn tự ký”, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 6 (1624).

Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều công trình điêu khắc cổ mang phong cách nghệ thuật thời đó như các bức hổ phù, rồng cuộn, vân mây. Với kiến trúc cổ điển, chánh điện hình chữ đinh, tam quan xây lầu cao làm gác chuông, chùa Cầu Đông mang trọn vẹn dáng vẻ trầm mặc nguyên sơ thời xa xưa.

So với những ngôi chùa cổ khác ở Hà Nội, chùa Cầu Đông được biết đến là ngôi chùa còn lưu giữ được 60 pho tượng Phật cổ có giá trị. Cổ vật quan trọng nhất của chùa là ba pho tượng Tam Thế, thể hiện ở ba thời: quá khứ, hiện tại và tương lai. Được biết, cả ba pho đều được tạo tác vào nửa đầu thế kỷ XVIII. Đây là ba pho tượng đẹp, quý hiếm, đạt giá trị nghệ thuật cao, được thể hiện các nét trang trí như vòng đeo cổ, khuôn mặt nữ, mang đầy đủ quy chuẩn của tượng Phật thế kỷ XVII - XVIII ở Việt Nam.

Đặc biệt, chùa là nơi duy nhất ở Hà Nội có ban thờ và tượng thờ Thái sư Trần Thủ Độ cùng vợ ông là bà Trần Thị Dung. Trần Thủ Độ vốn là nhà chính trị xuất sắc, có công sáng lập và củng cố vương triều Trần.

doc dao ngoi chua luu giu 60 pho tuong phat co
Ngôi chùa có ban thờ và tượng thờ Thái sư Trần Thủ Độ cùng vợ là bà Trần Thị Dung

Tương truyền, vào năm 1258, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước Đại Việt lần thứ nhất, mặc dù đã ngoài 60 nhưng ông vẫn khảng khái trả lời vua Trần Thái Tông: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”. Chỉ 10 ngày sau đó, quân dân nhà Trần phản công đã đánh tan giặc Mông Cổ.

Cũng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất ấy, bà Trần Thị Dung đã có công chỉ huy hoàng tộc rút khỏi kinh thành Thăng Long, sau đó lại lo thu nhặt sắt thép, động viên các hiệp thợ ngày đêm rèn đúc vũ khí cung cấp cho quân Trần. Lương thực, thực phẩm để quân đội ăn no đánh giặc cũng do bà lo liệu. Với công lao to lớn đó, vua Trần đã sắc phong cho bà là Linh Từ Quốc Mẫu. Từ sự cảm kích trước công lao, sự nghiệp của Thái sư Trần Thủ Độ và bà Trần Thị Dung, người dân quanh chùa đã cho dựng tượng ông bà và thờ phụng trong chùa.

Nằm trọn vẹn trong khu phố cổ Hà Nội, chùa Cầu Đông hiện nay vẫn còn giữ được những nét đặc trưng riêng, phản ánh rõ nét quá trình hình thành và phát triển của khu phố cổ, góp phần tạo nên bản sắc của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Trong khuôn viên khép kín, chùa như tách khỏi không khí ồn ào của phố phường, hàm chứa một sức mạnh cao siêu, vi diệu mà nhịp sống hiện đại bên ngoài không thể lấn át được. Bất cứ ai dừng chân ghé lại chùa, thắp hương lễ Phật đều cảm thấy tâm hồn trở nên thư thái.

Theo laodongthudo.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây