Việc ý nghĩa: Chung tay góp sức "cứu" đồ điện tử cho bà con vùng lũ

Chủ nhật - 06/10/2024 20:54
Những ngày qua, nhiều hội viên Hội điện tử, điện lạnh ở nhiều vùng miền khác nhau đã di chuyển về các địa phương miền Bắc hỗ trợ người dân "cứu" các thiết bị điện tử để sớm ổn định cuộc sống.
Việc ý nghĩa: Chung tay góp sức "cứu" đồ điện tử cho bà con vùng lũ

Góp chút sức nhỏ để bà con sớm ổn định cuộc sống

Ngay sau bão số 3, Hội điện tử, điện lạnh Hà Tĩnh gồm 19 anh em, với túi đồ nghề trên vai tức tốc lên đường ra Bắc hỗ trợ bà con ở Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai sửa chữa các thiết bị điện tử bị hư hỏng do mưa lũ.

Điểm đầu tiên đoàn đến là tỉnh Thái Nguyên - một trong những địa phương bị ngập lụt nặng. Nhiều thiết bị điện tử, đồ gia dụng của bà con vùng ngập lụt bị hư hỏng, cần sửa chữa được tập kết tại trung tâm TP Thái Nguyên. “Đồ bày la liệt, tất cả đều lấm lem bùn đất. Vừa xuống xe, chúng tôi đã bắt tay lao vào làm việc. Trong 3 ngày, anh em chúng tôi hỗ trợ sửa chữa trên 1.000 thiết bị điện tử”, anh Tiến Bằng (xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh), trưởng đoàn Hội điện tử, điện lạnh Hà Tĩnh, cho biết.

Để làm được như vậy, mỗi ngày anh Bằng và đồng nghiệp bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng, 12 giờ nghỉ ăn trưa trong 30 phút, rồi lại lao vào làm tiếp đến đêm. Ăn, ngủ tạm bợ, các thành viên trong đoàn động viên nhau cố gắng hết sức mình hỗ trợ bà con. Những thiết bị như: tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt… cần làm nhanh để người dân còn có cái sử dụng.

s
Các thành viên trong Hội điện tử, điện lạnh luôn lấm lem bùn đất, dầu mỡ, nỗ lực sửa chữa thiết bị điện tử cho người dân vùng lũ.

Anh Bằng chia sẻ, đất, bùn bám hết vào thiết bị điện tử, nhiều linh kiện bị cháy, chập, vì vậy, việc vệ sinh thiết bị, cũng như sửa chữa rất mất công sức, thời gian. Cả 3 máy phun rửa vệ sinh thiết bị điện tử của đoàn mang đi đều bị cháy hết do làm việc quá công suất.

Anh Bằng là chủ một cửa hàng sửa chữa thiết bị điện tử tại TP. Hà Tĩnh, hoạt động từ nhiều năm nay. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, anh giao cho thợ quản lý công việc ở cửa hàng và trông giúp đứa con trai nhỏ đang học lớp 5.

Là một trong những thợ trẻ xung phong đi cùng đoàn Hội điện tử, điện lạnh Hà Tĩnh, anh Lê Đức Hiếu (thôn Chu Trinh, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ, dù sinh ra, lớn lên trong bão, lũ liên miên nhưng bản thân bị sốc khi chứng kiến cảnh tan hoang của các tỉnh miền Bắc sau bão số 3.

“Nhìn những người dân mất nhà cửa, tay trắng sau bão, lũ mà thắt lòng. Năm 2020, quê tôi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ lịch sử. Nhờ tấm lòng sẻ chia từng hộp cơm, gói mỳ tôm… mà chúng tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Vì vậy, tôi rất thấu hiểu với mất mát mà người dân miền Bắc đang trải qua, muốn góp chút sức nhỏ của mình mong bà con sớm ổn định cuộc sống”, anh Hiếu nói.

Vì miền Bắc ruột thịt

Quê nhà Quảng Bình đang bị ảnh hưởng của bão số 4, nhưng anh Lê Văn Long (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) vẫn đang cùng anh em Hội điện tử, điện lạnh miệt mài hỗ trợ người dân ở xã Yên Định (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang).

“Các thiết bị điện tử của bà con bị ngâm trong nước, hư hỏng, anh em chúng tôi động viên nhau nán ở lại thêm ngày nữa cố gắng sửa chữa cơ bản các vật dụng cần thiết như tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện… để người dân có thể sử dụng luôn, vì nó thiết yếu hằng ngày”, anh Long chia sẻ.

Anh Long cùng 12 thành viên Hội điện tử, điện lạnh tỉnh Quảng Bình lên đường ra Bắc từ ngày 13/9, với hành trang chính là 2 xe tải chở đồ nghề, máy móc, thiết bị sửa chữa. Suốt quãng đường Quảng Bình ra Bắc, anh em đổi tay lái cho nhau liên tục, gắng hỗ trợ bà con sớm nhất có thể.

viec-y-nghia-chung-tay-gop-suc-cuu-do-dien-tu-cho-ba-con-vung-lu-9

Trong những ngày hỗ trợ người dân Yên Bái, Lào Cai, anh Nguyễn Hữu Thắng (Nam Đàn, Nghệ An), lòng nặng trĩu trước những thiệt hại nặng nề của người dân vùng bão, lũ. “Tôi nhớ, hôm đó là ngày 17/9, gần 7 giờ tối có một anh vẫn chở tủ lạnh và máy giặt ra nhờ sửa. Lúc đó, anh em chúng tôi đã thu dọn đồ để nghỉ ngơi, nhưng khi nghe anh kể, nhà anh trôi hết đồ đạc rồi, chỉ còn hai vật dụng này đáng giá nhất. Giờ anh mới đi xin được gạo, dầu ăn, nước mắm về để nấu ăn. Nghe vậy, chúng tôi bỏ đồ nghề ra, chụm đầu lại cùng sửa xong 2 thiết bị ngay trong đêm 17/9”, anh Thắng kể.

Anh Thắng có 2 con nhỏ, 1 đứa 4 tuổi và 1 đứa 2 tuổi. Vì con còn quá nhỏ, lại nghe tin bão số 4, ngày 18/9, anh nhảy xe lên đường về quê phòng chống bão, lũ. “Sau bão số 4, tôi và các anh em khác tiếp tục lên đường hỗ trợ bà con miền Bắc. Hiện, còn rất nhiều anh em kỹ thuật lành nghề mong muốn được đi. Chúng tôi sẽ sớm lên đường trở lại vì miền Bắc ruột thịt”, anh Thắng cho biết.

(Theo Tiền Phong)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây