Gặp người duy nhất giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng

Thứ ba - 01/10/2024 22:09
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Nguyễn Văn Tí, ở làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội, là người duy nhất còn giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tí, người duy nhất ở xã Hồng Hà còn giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Ảnh: Nguyễn Mai.
Ông Nguyễn Văn Tí, người duy nhất ở xã Hồng Hà còn giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Ảnh: Nguyễn Mai.

Người duy nhất giữ nghề trong vùng

Căn nhà nhỏ của gia đình ông Tí những ngày này trở nên chật chội hơn bởi vô số món đồ chơi Trung thu đã hoàn thành cùng nguyên liệu như thanh tre, giấy màu, keo dán…

Nói về công việc của mình, ông Nguyễn Văn Tí vui vẻ giới thiệu: “Từ nhỏ, tôi đã mê mẩn những chú rối, tiến sỹ giấy… được mẹ, được bà mua cho mỗi độ Tết Trung thu. Từ niềm yêu thích đó, lớn thêm một chút, tôi quan sát những món đồ chơi và tự tìm nguyên liệu sẵn có ở quê để làm. Khoảng những năm 1983-1984, tôi đã làm đồ chơi trung thu truyền thống cho bà nhà tôi mang bán tại các chợ, cũng kiếm được tiền đổi gạo”.

s
Những ông tiến sỹ giấy được ông Nguyễn Văn Tí thực hiện. Ảnh: Nguyễn Mai

Ông Tí kể tiếp, những năm sau đổi mới, thị trường đồ chơi trẻ em phong phú, đa dạng, đặc biệt là đồ chơi nhập ngoại nhiều khiến sản phẩm truyền thống khó cạnh tranh. Người chơi thưa vắng dần, ông Tí cũng nghỉ nhiều năm không làm nữa.

"Những năm gần đây, nhận thấy những món đồ chơi truyền thống vừa có ý nghĩa giải trí, vừa mang tính giáo dục, là nét văn hóa dân gian cha ông truyền lại nên tôi quyết tâm quay lại với nghề. Hiện, ở làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà và nhiều xã trong vùng Đan Phượng, duy nhất có tôi làm nghề này thôi", ông Tí nói.

Thông thường, trước Tết Trung thu chừng 1 tháng, ông Tí bắt đầu kiếm tìm nguyên liệu, bày biện dụng cụ để làm hàng. Tay thoăn thoắt bôi hồ lên giấy màu để dán vào những thanh tre làm ông tiến sĩ giấy, ông Tí nói: “Mỗi món đồ chơi đều phải làm rất tỉ mỉ, mất nhiều công. Ví như làm ông tiến sỹ này, tôi phải đi lấy đất thó ngoài đồng về để nặn khuôn mặt. Những khuôn đất đó phơi cho khô rồi mới sơn màu, vẽ mắt, mũi, miệng cho nhân vật. Cũng có khi không dùng đất thó, tôi tận dụng lại các thìa nhựa dùng 1 lần. Mặt thìa được sơn vẽ tạo hình khuôn mặt cũng rất hợp. Yêu cầu đối với khuôn mặt ông tiến sĩ là phải tươi tắn, hiền hậu, có hồn. Đối với phần thân, tôi dùng tre, nứa vót nhẵn, dùng giấy màu cắt áo trạng nguyên rồi làm hoa cài mũ, thẻ bài cầm tay cho các ông, cùng trang trí cờ quạt, họa tiết...”, ông Tí nói.

s
Những ông đánh gậy... Ảnh Nguyễn Mai.

Còn với món đồ chơi ông đánh gậy, ông Tí cho biết làm không khó nhưng mất nhiều công hơn ông tiến sỹ bởi lắt nhắt rất nhiều chi tiết. "Về tạo hình khuôn mặt, tôi vẫn dùng đất thó hoặc thìa nhựa rồi sơn màu và dùng mực tàu để vẽ mắt, miệng. Cái khó nhất đó là phải tạo được cái thần, cái dũng của ông đánh gậy nhưng không mất đi nét trìu mến, gần gũi với trẻ em. Phần thân ông đánh gậy trước đây, tôi vẫn sử dụng thân cây lau, cây muồng thanh có đặc tính rỗng để luồn dây và que điều khiển vào, nhưng giờ những cây đó rất khó kiếm nên tôi tận dụng ống hút nhựa.

Miệng nói tay làm, chẳng bao lâu, qua đôi tay khéo léo, tài hoa của ông Tí, những nguyên liệu giấy màu, que tre, cục đất… đã biến thành những món đồ chơi thú vị, ý nghĩa trong ngày tết Trung thu của các em nhỏ.

Vui khi bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống

s
Đèn kéo quân. Ảnh: Nguyễn Mai.

Theo phong tục truyền thống, mâm cỗ Trung thu xưa ngoài mâm ngũ quả, bánh nướng, bánh dẻo, kẹo… thường không thể thiếu đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy... Mâm cỗ được bày ở sân nhà, dưới ánh trăng sáng để chờ trẻ con đi rước đèn trong xóm về sẽ tập trung bên mâm cỗ trông trăng. Thông thường, với các món đồ chơi như ông tiến sỹ, qua Tết Trung thu, con trẻ không chơi nữa, gia đình sẽ “hóa” đi và sang năm sẽ mua một ông tiến sỹ mới.

Không chỉ khéo léo làm nghề, ông Tí còn truyền cảm hứng cho nhiều người về ý nghĩa của đồ chơi truyền thống. Ông kể: "Nhiều người tâm sự với tôi, trẻ nhỏ trong nhà chỉ chăm chú xem điện thoại, không mặn mà với đồ chơi truyền thống như thế hệ trước. Tôi thì nghĩ rằng, nếu người lớn không cho trẻ tiếp cận thì sẽ rất khó để trẻ hiểu và yêu thích. Lại có người bảo tôi là, mua tiến sỹ giấy cho trẻ là bỏ tiền thật mua của giả. Tôi lại giải thích: Đó là do người ta chưa hiểu về ý nghĩa của sản phẩm, bởi đây không chỉ là món đồ chơi con trẻ, mà còn gửi gắm những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tết Trung thu cũng là lúc trẻ bắt đầu một năm học mới. Những món đồ chơi truyền thống sắm cho con trẻ như gửi gắm vào đó mong muốn con em mình học hành giỏi giang, sau này lớn lên sẽ thành đạt, làm những việc có ích cho xã hội".

Rất mừng, những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân khá hơn, cùng với chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và tôn vinh văn hóa truyền thống, nhiều người đã hiểu và mong muốn gìn giữ những nét đẹp này.

"Riêng với xã Hồng Hà quê tôi, những năm gần đây, các cụm dân cư trong xã đều tổ chức mâm cỗ trông trăng cho các em thiếu nhi. Mâm cỗ của cụm nào cũng có ông tiến sỹ, ông đánh gậy, có đèn ông sao… Đồ chơi trung thu truyền thống đã có thêm sức sống", ông Tí vui mừng nói.

s
Những cánh diều truyền thống ở làng Bá Dương Nội được ông Nguyễn Văn Tí "khoác áo mới" thông qua những bức vẽ sinh động. Ảnh: Nguyễn Mai.

Dù ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Tí sử dụng mạng xã hội rất thành thạo. “Tôi thường xuyên đăng tải video, hình ảnh làm đồ chơi truyền thống lên Facebook để quảng bá. Khách hàng của tôi là các gia đình trong làng, ngoài xã và bạn bè gần xa tới tận nhà để mua. Một số người quen ở xa trong nội thành hoặc các huyện bạn, tôi gửi tới tận nơi. Hiện, 1 ông tiến sỹ giấy, tôi bán 100 nghìn đồng; 1 ông đánh gậy giá 50 nghìn đồng, 1 đèn kéo quân nhỏ khoảng 30cm có giá 300 nghìn đồng. Tôi cũng nhận hướng dẫn các em nhỏ trải nghiệm làm đồ chơi truyền thống. Việc này vừa là thú vui tuổi già, lại vừa thêm chút thu nhập nên rất vui", ông chia sẻ.

Ngoài làm đồ chơi, ông Tí còn là người “khoác áo mới” cho những cánh diều quê. Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà nổi danh cả nước với thú chơi diều, lễ hội thả diều truyền thống. Trong đó, Câu lạc bộ diều sáo xã Hồng Hà quy tụ nhiều nghệ nhân tài hoa, khéo léo làm ra những cánh diều vừa để thả chơi, vừa đi thi hội và còn làm nhiều con diều nhỏ xinh là quà tặng du lịch.

s
Các em nhỏ trong làng thường tới nhà ông Nguyễn Văn Tí chơi và được ông hướng dẫn làm các đồ chơi truyền thống. Ảnh: Nguyễn Mai.

Ông Tí nhận đặt hàng của Câu lạc bộ diều sáo xã Hồng Hà vẽ tranh cho 700 cánh diều. Các bức vẽ chủ yếu họa theo tranh Đông Hồ với các chủ đề: Nhân nghĩa, vinh hoa, đại cát, lợn đàn, đàn gà, đám cưới chuột... Sản phẩm mới lần đầu ra mắt đã được rất nhiều người khen ngợi, thu hút sự chú ý của nhiều khách du lịch và trẻ em.

Xã hội ngày càng phát triển, trước muôn vàn món đồ chơi hiện đại, bắt mắt, đồ chơi dân gian vẫn có chỗ đứng, nét văn hóa đẹp của dân tộc vẫn được bảo tồn - Đó là niềm vui của ông Nguyễn Văn Tí và của nhiều người Hà Nội.

Nguồn Hà Nội Mới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây