3 điều giáo huấn của cổ nhân giúp dưỡng thành phúc báo lâu dài

Chủ nhật - 02/02/2020 05:07
Phật gia có câu: “Mệnh do tâm tạo, phúc tự mình cầu”, cuộc đời của một người dẫu được định sẵn nhưng không phải là đơn nhất không thay đổi, mà là do bản thân người ấy lựa chọn thiện ác mà tự chịu trách nhiệm lấy phúc báo của mình. Một người nếu có thể chú trọng tu tâm lập thân ắt sẽ có điều thiện lành trong cuộc sống.
3 điều giáo huấn của cổ nhân giúp dưỡng thành phúc báo lâu dài

Bàn về việc tu tâm lập thân, cổ nhân để lại rất nhiều bài học hữu ích. Trong cuốn “Xử thế huyền kính” của danh sĩ Phó Chiêu thời Nam Bắc triều có đưa ra ba phương pháp giúp một người dưỡng tâm lập thân, từ đó có thể tích được phúc báo cho bản thân mình.

1. Dưỡng tâm

“Xử thế huyền kính” viết: “Gặp chuyện rất tức giận nhưng giữ cho mình không tức giận, gặp chuyện rất vui mừng nhưng giữ cho mình không quá cao hứng, vậy thì có thể dưỡng tâm.” Người có thể không để ngoại vật quấy nhiễu, giữ được tâm tình bình thản, không màng danh lợi mới có thể dưỡng ra phúc báo lâu dài.

Trong sách “Trang Tử. Tiêu diêu du” viết: “Dù cho cả thế gian khen ngợi thì cũng không cần phải tăng thêm sự phấn chấn kiêu hãnh, dù cho cả thế gian chê bai thì cũng không cần phải vì thế mà uể oải, thoái chí nản lòng.” Danh thần triều Tống, Phạm Trọng Yêm cũng nói: “Không cảm thấy hài lòng bởi lợi ích vật chất, cũng không cảm thấy buồn phiền cho số phận không may”. Người giữ được tâm bình khí hòa là người mạnh mẽ nhất, bởi cảm xúc không thể đủ mạnh để chi phối ý chí của họ.

Thời kỳ Nam Bắc triều, thế cuộc hỗn loạn, Tiền Tần dẫn 100 vạn đại quân đánh Đông Tấn. Vương triều nhà Tấn với 10 vạn quân trở nên nguy ngập. Tạ An với thân phận là đại đô đốc phụ trách quân sự trong tình cảnh ấy lại không một chút hoang mang, còn mời người bạn thân nhất của mình đến, lên núi thản nhiên chơi cờ vây.

Có người lo lắng nóng nảy, lên án Tạ An. Không ai ngờ rằng Tạ An vừa chơi cờ với bạn, vừa bình tĩnh triệu tập tướng lĩnh, bố trí quân sự cơ mật, khiến Đông Tấn chiến thắng Tiền Tần trong thế “lấy ít thắng nhiều”, tạo nên kỳ tích. Sau khi tin tức quân Đông Tấn chiến thắng truyền về, Tạ An vẫn đang thản nhiên chơi cờ. Ông nhìn lướt qua tin chiến thắng rồi tiện tay đặt tờ cấp báo sang bên cạnh, tiếp tục chơi cờ với vẻ mặt không đổi sắc.

Một người khi làm việc mà có thể xem vinh nhục cũng bình thường như đóa hoa kia sớm nở tối tàn thì mới có thể giữ cho nội tâm bình lặng không kinh động. Người có thể xem chức vị đến rồi đi biến đổi thất thường tựa như mây tụ mây tan thì mới có thể giữ được tâm vô vi thanh tịnh. Người mà có thể được thì không hoan hỉ, mất cũng không ưu phiền, vinh sủng hay chịu nhục cũng không kinh động, ra đi hay ở lại cũng không bận tâm thì mới thực sự có phúc báo.

2. Lập thân

“Xử thế huyền kính” viết: “Đối với những sự xa hoa lãng phí thì không nên tham dự, với những tổ chức xấu bất nghĩa thì không nên gia nhập, đó là cái gốc để lập thân.” Giữ bản thân mình trong sạch là phẩm đức đáng quý, không thông đồng với người khác làm việc xấu việc ác, không a dua bợ đỡ, có thể thủ giữ được bản tâm của mình thì mới có thể giữ được phúc báo lâu dài.

Sách “Luận ngữ. Vi chính” viết: “Người quân tử kết nối mọi người lại nhưng không tạo thành bè đảng xấu xa, kẻ tiểu nhân thì lôi kéo bè phái vì lợi ích riêng của mình.” Tuân Tử từng viết trong “Khuyến học” rằng: “Cỏ bồng mọc trong bụi gai, không nâng vẫn thẳng; cát trắng ở trong thuốc nhuộm, không nhuộm cũng đen”. Một người kết giao với dạng người như thế nào thì tính cách và cuộc đời tự nhiên sẽ bị ảnh hưởng như thế ấy.

Vị quan thanh liêm thời Đông Tấn, Dương Hỗ, mặc dù quyền cao chức trọng nhưng phẩm hạnh lại vô cùng cao thượng. Ông luôn giữ mình cương trực công chính, làm việc không thiên vị, không thấy người quyền cao mà bợ đỡ. Vì thế một số người quyền quý trong triều không thích ông, thường xuyên nói xấu ông, nhưng ông vẫn cúc cung tận tụy, một lòng làm việc công. Lúc Dương Hỗ mất, Quân vương rơi lệ, dân chúng khắp nơi đau thương và tán dương đức hạnh của ông.

3. Giữ hòa khí

“Xử thế huyền kính” lại viết: “Không vì cái danh nhỏ mà tranh đoạt, không vì phẫn giận nhỏ mà tranh cãi, khoan dung mới có thể hòa thuận với mọi người.” Nhiều một chút khoan dung, ít một chút tức giận, lùi một bước biển rộng trời cao, giữ được hòa khí thì mọi sự sẽ thông thuận.

Trương Chi Động thời Thanh có đạo “tam tranh” là: Không cùng người phàm tranh lợi, không cùng văn sĩ tranh danh, không cùng người vô nghĩa tranh cáu giận. Điều người phàm quan tâm nhất chính là lợi ích. Vì thế, đứng trước lợi ích họ tính toán chi li. Cho nên, cùng họ tranh lợi sẽ khiến bản thân tăng thêm phiền não. Văn sĩ có thể không vì năm đấu gạo mà khom lưng, nhưng đối diện với cái danh thì họ lại vô cùng để ý. Nếu không tôn trọng họ, không nể mặt họ thì họ sẽ liền tức giận. Người vô nghĩa là những người luôn thích gây sự với người khác. Cho dù chúng ta có ngồi trong nhà thì họ cũng có thể tìm cớ đến gây sự. Đối với người như vậy thì không nên tranh cãi với họ.

Lão Tử có câu: “Không tranh giành, cho nên thiên hạ không ai tranh giành với mình”. Một người không tranh giành thì sẽ giảm bớt được rất nhiều sự tình quấy nhiễu, rời xa được phiền não và tai họa, tâm linh người ấy sẽ yên tĩnh mà đạt được phúc báo.

Nguồn tin: Trithucvn.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây