Hạnh phúc và khổ đau: Muốn khổ được khổ, tìm vui sẽ được vui...

Thứ tư - 09/11/2016 21:41
Nếu một người luôn cho rằng: “Tôi không có hạnh phúc” thì chính xác là người đó không bao giờ có hạnh phúc dù người ấy có cố công mong mỏi kiếm tìm. Bởi hạnh phúc là cảm nhận từ trong tâm.
Sống ở trên đời không thể nào tránh được khổ đau, nhưng khuynh hướng tự nhiên của mỗi người là lẩn tránh khổ đau
Sống ở trên đời không thể nào tránh được khổ đau, nhưng khuynh hướng tự nhiên của mỗi người là lẩn tránh khổ đau

Tâm buồn cảnh được vui sao
Tâm an thì cảnh ngộ nào cũng an.

Hạnh phúc là gì mà ai cũng muốn?

Có nhiều người quả quyết rằng trên đời này làm gì có hạnh phúc! Và cũng có nhiều người lại luôn kiếm tìm và mải miết đuổi theo hạnh phúc. Đứng núi này, trông núi nọ, đến khi mệt nhoài mới ngỡ hạnh phúc ở ngay cạnh bên ta.

Vậy, hạnh phúc là gì mà mong mỏi kiếm tìm? Có vô vàn định nghĩa về Hạnh phúc. Nôm na, hạnh phúc là từ dùng để diễn tả trạng thái êm ái, dễ chịu, sung sướng tràn đầy khắp thân và tâm. Hạnh phúc có thể dùng như một danh từ, chỉ một sự kiện, một sự việc, một hành động, một điều gì đem đến cho ta cái trạng thái êm ái dễ chịu, sung sướng kia nhưng hạnh phúc cũng có thể dùng như một tính từ đơn giản để chỉ cái trạng thái sung sướng đang được trải nghiệm. Ngược lại với hạnh phúc, trạng thái bực bội, khó chịu và đau đớn được gọi là Khổ đau.

Đôi khi, hạnh phúc không chỉ là những cung bậc cảm xúc dễ chịu mà còn là việc hy sinh những cảm xúc ấy để đạt được tâm nguyện của mình – thỏa mãn ý chí. Ví như cha mẹ ta, làm lụng vất vả, ăn uống chi tiêu tằn tiện để lo cho con ăn học thành tài. Vất vả và mệt nhọc là thế, nhưng họ vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đã làm tròn tâm nguyện. Hy sinh những cảm xúc ấy để đổi lấy thứ hạnh phúc sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, việc thỏa mãn ý chí lại là phục vụ cho cái Tôi – tôi muốn, tôi làm điều mình muốn và tôi cảm thấy hạnh phúc khi đạt được. Nhưng không đạt được lại thấy đau khổ. Giữa hạnh phúc và đau khổ chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng.

Hạnh phúc và khổ đau là hai mặt đối đãi nhau, như ánh sáng và bóng tối. Bóng tối bao trùm thì ánh sáng vắng mặt, ánh sáng lan tỏa thì không còn nhận ra bóng tối nữa. Và song song với việc tìm hiểu hạnh phúc, thì không thể nào mà không có bóng dáng của khổ đau. Có nụ cười ắt sẽ có nước mắt. Trong hạnh phúc có mầm đau khổ, trong hạnh ngộ có mầm chia ly.

Trong kinh Phật cũng chỉ ra 8 loại đau khổ: Thương yêu mà phải xa lìa, ghét mà phải sống chung, cầu mà không được, sinh ra đời, già nua, bệnh tật, chết và mang cái thân do 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) tạo thành là khổ.

Có thể né được khổ đau?

Sống ở trên đời không thể nào tránh được khổ, nhưng khuynh hướng tự nhiên của mỗi người là lẩn tránh khổ đau. Và con người thực hiện điều này dưới nhiều hình thức khác nhau: Dùng thuốc giảm đau để tránh những đau đớn về thể xác, dùng thuốc ngủ - đôi khi cả rượu và ma túy - để tránh không phải đối mặt với những nỗi đau trong tâm hồn. Đôi khi, để tìm quên, ta còn lao vào những cuộc vui giải trí nào đó để ép mình phải quên đi… Nhưng, mọi phương thức tránh né chỉ có hiệu quả nhất thời. Không sớm thì muộn, cũng sẽ bị dồn ép đến cùng, khi không còn cách nào tránh né nữa. Bởi sự tránh né chỉ có thể kéo dài thời gian, trì hoãn sự đối mặt của ta về thực tại. Thậm chí, trì hoãn có thể còn làm giảm khả năng đối phó của ta. Nếu không thể tránh né, tại sao ta không đối mặt ngay từ đầu?

Có những khổ đau có thể tránh được bằng cách nghĩ đến nó khi còn chưa khởi phát để phòng trừ và loại bỏ mọi nguy cơ. Nhưng có những khổ đau không thể tránh né, thì hãy nhìn nhận nó ở khía cạnh tích cực hơn. Điều này không có nghĩa là ta sẽ thụ động trong việc giải quyết vấn đề, nhưng nó giúp loại trừ những căng thẳng không cần thiết, giúp ta có thể tập trung giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Có câu chuyện rằng, một triết gia Hy Lạp dạy người học trò của ông trong ba năm liền phải cho tiền bất cứ người nào đến lăng mạ, xúc phạm anh ta. Sau khi người học trò đã nghiêm túc thực hiện chỉ dẫn này qua ba năm, ông liền bảo anh ta đến thành Athens để học hỏi. Khi đến nơi, anh gặp ngay một nhà thông thái đang ngồi ở cổng thành và lớn tiếng lăng mạ tất cả mọi người ở đó. Bước vào cổng thành, người học trò cũng không tránh khỏi bị ông ta lăng mạ, nhưng anh ta lại vui vẻ phá lên cười. Nhà thông thái liền hỏi: “Tại sao anh lại cười khi bị ta lăng mạ?”. Người học trò trả lời: “Đã ba năm nay, tôi luôn phải trả tiền cho những người lăng mạ tôi, nhưng hôm nay ông đã làm điều đó với tôi mà không đòi hỏi gì”.

Như thế, người học trò nhìn nhận vấn đề theo khía cạnh tích cực nên thay vì bực tức, buồn phiền (khổ đau), anh ta lại phá lên cười vui vẻ (hạnh phúc).

Hạnh phúc hay khổ đau của người học trò là do anh ta cảm nhận từ trong tâm chứ không chịu sự tác động từ những điều kiện bên ngoài. Có thể nói, tâm như thế nào thì cảm nhận hạnh phúc như thế ấy. Tâm bất an thì lòng luôn đau khổ. Tâm luôn vui vẻ, hòa nhã đón nhận cuộc đời thì bình an mọi sự, may mắn luôn về.

Nói như thế, không có nghĩa là gạt bỏ mọi giá trị của khổ đau. Cần nhấn mạnh rằng, chính sự khổ đau, khó khăn giúp ta nhận ra được giá trị của hạnh phúc. Cũng giống như bị đói mới thấy sự quý giá của thức ăn. Chịu giá rét của mùa đông mới thấy yêu hơn những ngày nắng ấm. Đã từng bị mất mát, chia lìa mới trân trọng từng giây phút đoàn tụ. Từng trải qua tai nạn thập tử nhất sinh mới yêu thương hơn giây phút này… Cho nên, đừng sợ khổ đau, cũng đừng cố gắng chia cắt rạch ròi khổ đau và hạnh phúc. Nếu không có khổ đau thì sẽ không biết thế nào là hạnh phúc…

Trong Mangala sutta (Hạnh phúc Kinh), Đức Phật dạy rằng:

Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là Phúc lành cao thượng.

“Công nhận khổ đau đang có mặt và cho rằng tất cả đều là khổ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Sai lầm đầu tiên là cho rằng mọi thứ là khổ. Sai lầm thứ hai là tưởng rằng chỉ khi nào khổ đau vắng mặt hoàn toàn thì khi ấy mới thực sự có hạnh phúc” - Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây