Lắng tâm suy ngẫm về đạo hiếu trong mùa Vu Lan

Chủ nhật - 19/08/2018 08:28
Theo tín ngưỡng dân gian, tháng 7 Âm lịch luôn được coi là “tháng cô hồn” với một loạt những điều kiêng kỵ tránh xui xẻo. Song đối với Phật giáo, đây cũng là thời điểm diễn ra Đại lễ Vu Lan báo hiếu - một ngày lễ mang đậm tính nhân văn trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.
Đại lễ Vu Lan báo hiếu- một ngày lễ mang đậm tính nhân văn trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.
Đại lễ Vu Lan báo hiếu- một ngày lễ mang đậm tính nhân văn trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Lễ Vu Lan trong văn hóa người Việt

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của Bồ Tát Mục Kiền Liên đối với mẹ. Theo kinh “Vu Lan Bồn”, sau khi đã chứng quả A La Hán, Bồ Tát Mục Kiền Liên nhớ về mẫu thân nên đã dùng huệ nhãn nhìn xuống cõi khổ và thấy mẹ mình bị đọa vào kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục A Tì.

Nhìn mẹ thân hình tều tụy, đói không được ăn, khát không được uống, Mục Kiền Liên vận dụng phép thần thông đến và dâng cơm cho mẹ ăn. Nhưng bà Thanh Đề vì ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nên những hạt cơm cứ đưa gần tới miệng đều bỗng hóa thành lửa. Không còn cách nào khác, Mục Kiền Liên trở về bạch chuyện Đức Phật, xin được chỉ dạy cách cứu mẹ.

Phật dạy rằng: “Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ.”

Mục Kiền Liên thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về và làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mâu của Ngài được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, sinh về cảnh giới lành.

Đức Phật cũng dạy: “Chúng sanh ai muốn báo hiều cho cha mẹ cũng theo cách này mà làm.”

Từ tấm gương hiếu hạnh của Bồ Tát mục Kiền Liên, lễ Vu Lan ra đời và trở thành ngày lễ lớn của Phật giáo ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á. Lễ Vu Lan hằng năm diễn ra vào ngày 15/7 (Âm lịch). Qua hàng ngàn năm, lễ Vu Lan không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà dường như đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, có ảnh hưởng sâu sắc đối với văn hóa cũng như đời sống tinh thần của mỗi người dân đất Việt. Mỗi mùa Vu Lan lại là dịp để những người con tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên; nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con phải luôn “Một lòng thờ mẹ kính cha- Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

“Bông hồng cài áo”


Hàng nghìn Phật tử và người dân dự lễ Vu Lan tại chùa Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng,Hà Nội). Ảnh: Hữu Nghị

Đây là một nghi thức, một nét đẹp mang ý nghĩa hết sức sâu sắc trong lễ Vu Lan ở Việt Nam. Theo GS.TS- Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam), nghi thức “Bông hồng cài áo” xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 1960. Trong chuyến đi công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹ của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng là biểu tượng cho lễ Vu Lan và viết ấn phẩm “Bông hồng cài áo” vào năm 1962.

Kể từ đó, trong các buổi lễ Vu Lan, mỗi người đến chùa đều không quên cài lên ngực mình bông hồng một cách đầy nâng niu, trân trọng xen lẫn sự xúc động. Bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời; bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng màu trắng cho những người không còn cả cha và mẹ.

Bông hồng tượng trưng cho tình yêu và sự cao quý. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực một bông hoa ngát hương thể hiện tâm hướng về cha mẹ, cầu mong cho cha mẹ những điều an lành, cũng như tỏ lòng biết ơn sâu sắc. “Bông hồng cài áo” như một lời nhắc nhở mỗi người con về đạo hiếu với cha mẹ trong cuộc đời.

Vu Lan - mùa báo hiếu cha mẹ

Trong nhịp sống gấp gáp của cuộc sống hiện đại, đã có lúc chúng ta mải mê với đời sống của bản thân mà lãng quên, thiếu quan tâm đến cha mẹ, thì mùa Vu Lan này chính là dịp để mỗi người sống chậm lại, suy ngẫm và tỏ lòng biết ơn, thành kính đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Có nhiều người luôn băn khoăn, trăn trở không biết nên làm gì để thể hiện sự thành tâm báo hiếu trong lễ Vu Lan mà không biết rằng món quà quý giá nhất đối với cha mẹ đó là sự hiếu thảo của con cái. Sự hiếu thảo được thể hiện từ những hành động nhỏ nhất của chúng ta với cha mẹ hàng ngày.

Theo Sư thầy Đại đức Thích Tâm Nguyên (Chùa Hoằng Pháp- TP.HCM), 5 điều để một người thông thường báo hiếu cha mẹ mà Đức Phật răn dạy, đó là: cung kính, vâng lời cha mẹ; phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu; giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình; bảo quản tài sản do cha mẹ để lại; lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời. 5 điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng để thực hiện trọn vẹn là điều không hề dễ dàng, có khi chúng ta dành cả cuộc đời của mình cũng chưa chắc đã hoàn thành.

Một mùa Vu Lan nữa lại đang đến, mỗi người dường như đều dành cho mình một khoảng lặng để nghĩ về chữ Hiếu và đau đáu nỗi niềm báo hiếu cha mẹ. Nhưng đừng đợi tới ngày lễ mới tỏ lòng thành tâm kính hiếu cha mẹ, mà hãy cứ biến mỗi ngày đang sống đều là một ngày lễ Vu Lan, khi đó chúng ta mới thực sự hoàn thành trọn vẹn đạo hiếu làm con.

Nguyễn Thảo

 

Nguồn tin: Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây